Ngành gỗ với thách thức đầu năm

Những khó khăn của ngành gỗ trong năm 2021 có thể kéo dài sang Qúy I/2022, nhất là khâu vận tải, giá gỗ nguyên liệu và các vật tư, phụ liệu đều tăng cao.

Ngành gỗ gánh thêm nhiều chi phí

Năm 2021 là năm mà ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Bình Định gặp khó khăn chưa từng thấy gỗ do ảnh hưởng dịch Covid-19, thế nhưng nhờ có nhiều giải pháp linh hoạt thích ứng, sớm ổn định sản xuất và nắm bắt cơ hội thị trường, ngành gỗ Bình Định có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm qua.

Năm 2021, ngành gỗ Bình Định đã ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất nhiều năm qua, dù đối mặt vô vàn khó khăn. (Ảnh: VĐT).

Kết thúc năm 2021, ngành gỗ Bình Định đạt kim ngạch xuất khẩu 890 triệu USD, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm khoảng 68% tổng giá trị xuất khẩu của cả tỉnh. Trong đó, đồ gỗ nội thất, ngoại thất sân vườn đạt 472 triệu USD, tăng 45%; dăm mảnh, viên nén đạt gần 213 triệu USD và các sản phẩm nhựa đan, hàng giả mây đạt 205,1 triệu USD, tăng 78%.

Ngành gỗ Bình Định và các ngành hỗ trợ đã giải quyết việc làm cho gần 30.000 lao động địa phương. Theo ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA Bình Định), để đạt được kết quả này, có công đóng góp không nhỏ của các doanh nghiệp “đầu đàn” trong ngành gỗ Bình Định như các công ty: Phú Tài, Tiến Đạt, Đại Thành, Hoàng Hưng, Đức Toàn, Thiên Phát, Năng lượng sinh học Phú Tài, Đức Hải… và hơn 110 hội viên của FPA Bình Định.

Năm 2021 là năm đầy sóng gió, sau làn sóng dịch Covid-19 đầu tiên, các doanh nghiệp ngành gỗ Bình Định đã nhận rất nhiều đơn hàng nhưng gặp phải bộn bề khó khăn như: Nguyên liệu gỗ, phụ kiện, dầu màu bị thiếu hụt và giá tăng đột biến, trong khi giá dăm gỗ và viên nén giảm mạnh. Một khó khăn lớn nhất trong năm 2021 được dự báo có thể kéo dài đến hết quý 1/2022 là tình trạng thiếu tàu vận tải biển, thiếu container, giá cước phí vận tải đường biển tăng quá cao dẫn tới đứt gãy chuỗi cung ứng hoàng hóa đầu vào và đầu ra của các doanh nghiệp.

Dự báo đầu năm 2022, ngành gỗ nói chung, trong đó có ngành gỗ Bình Định sẽ còn đối mặt với nhiều thách thức, nhất là vật tư, nguyên, phụ liệu tăng cao. (Ảnh: VĐT).

“Nguyên liệu gỗ nhập khẩu từ các nước cung cấp chính hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, thiếu nguồn cung hoặc gián đoạn chuỗi cung, đẩy giá nguyên liệu tăng cao, ảnh hưởng nhiều đến việc nhận đơn hàng mùa mới. Hiện các doanh nghiệp ngành gỗ ở Bình Định phải chi thêm 25 – 32 USD để nhập gỗ bạch đàn Nam Mỹ. Gỗ dán trước đây chỉ có giá 380 – 400 USD giờ đã tăng trên 500 USD/m3. Các nhóm hàng vật tư, phụ kiện như ốc vít, pát, thanh trượt, hóa chất, bao bì vừa tăng giá vừa khan hiếm nguồn cung”, ông Lê Minh Thiện cho hay.

Thêm vào đó, giá nguyên liệu gỗ rừng trồng trong nước cũng bị kéo tăng theo khoảng 5%; nguồn cung cấp sắt, thép, nhôm, vật tư phụ kiện, hóa chất, bao bì từ các tỉnh miền Nam bị ảnh hưởng nặng do dịch Covid-19 vừa làm giá tăng cao vừa làm chậm tiến độ giao hàng, khiến các doanh nghiệp ngành gỗ ở Bình Định “gánh” thêm nhiều khoản chi phí và bất ổn trong kế hoạch nhận đơn hàng, trong hoạt động sản xuất.

Quyết phá kỷ lục năm cũ

Được dự báo gặp không ít thách thức trong năm 2022, tuy nhiên, FPA Bình Định vẫn lạc quan quyết phá kỷ lục về kim ngạch xuất khẩu trong năm 2021.

Theo ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch FPA Bình Định, trong năm 2022, ngành gỗ Bình Định sẽ phấn đấu đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu khoảng 1 tỷ USD, tăng 8-10% so với năm 2021 và chiếm khoảng 69% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh Bình Định.

“Đặc biệt, ngành gỗ Bình Định sẽ tập trung triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển ngành gỗ theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững thương hiệu “Đồ Gỗ Bình Định”, góp phần đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ cả nước khoảng 16,5 tỷ USD trong năm 2022”, ông Thiện cho hay.

Ngành gỗ Bình Định vẫn lạc quan đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn năm 2021. (Ảnh: VĐT).

Để đạt được kết quả trên, ngay từ đầu năm 2022, ngành gỗ Bình Định tiếp tục triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo phương châm “thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả, bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh”.

Bên cạnh đó, FPA Bình Định sẽ bám sát thị trường để nghiên cứu, phân tích, đánh giá tình hình nhằm chủ động đề xuất các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các doanh nghiệp. Thông qua các kênh hợp tác với các hiệp hội bạn, các tổ chức trong nước và quốc tế, đặc biệt là phối hợp với Cục Kiểm lâm (Bộ NN-PTNT), Sở NN-PTNT cùng Chi cục Kiểm lâm và Hải quan Bình Định triển khai Nghị định 102/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam; triển khai hiệu quả hệ thống phân loại doanh nghiệp ngành gỗ có sự kết hợp với hệ thống trách nhiệm giải trình trực tuyến về nguồn gốc gỗ của FPA Bình Định do Chương trình FAO EU FLEGT tài trợ.

“Trong năm 2022, chúng tôi sẽ mở rộng hoạt động triển khai chiến lược phát triển Bình Định trở thành một trong những trung tâm sản xuất tủ bếp, tủ nhà tắm và ván trang trí với các doanh nghiệp tiên phong như: Tiến Đạt, Đại Thành, Thắng Lợi Phú Tài, Thiên Phát để cung ứng cho thị trường các nước Mỹ, Anh; giám sát chặt chẽ những rủi ro liên quan chính sách đầu tư, thương mại từ các hiệp định thương mại, đầu tư tự do như CPTPP, EVFTA, RCEP…”, Chủ tịch FPA Bình Định Lê Minh Thiện bày tỏ quyết tâm.

“Tỉnh đánh giá cao nỗ lực vượt khó của ngành gỗ để đóng góp rất quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Bình Định. Lãnh đạo tỉnh Bình Định và các sở, ban, ngành tiếp tục đồng hành với ngành gỗ tỉnh nhà để giải quyết khó khăn vướng mắc; đầu tư mở rộng cơ sở sản xuất kinh doanh; đồng thời, đề nghị FPA Bình Định tiếp tục nỗ lực đạt hiệu quả các hoạt động nhằm nâng cao thương hiệu “Đồ gỗ Bình Định”, ngoài sản phẩm xuất khẩu cũng cần quan tâm hơn đến tiêu thụ ở thị trường nội địa.

Trong thời gian tới, FPA Bình Định và các doanh nghiệp ngành gỗ cần phối hợp tốt với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Bộ NN-PTNT để tham mưu, thực hiện các giải pháp ngăn chặn đầu tư bất hợp pháp liên quan đến xuất xứ hàng hóa của ngành gỗ tại Bình Định và các thị trường khác”, ông Nguyễn Phi Long, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nhấn mạnh.