Sáng 4/4, Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng, Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc cùng một số cơ quan liên quan đã công bố Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) 2017.
Dân lạc quan hơn về sự kiểm soát tham nhũng
Theo báo cáo này, người dân lạc quan hơn về hiệu quả kiểm soát tham nhũng trong khu vực công. Trong số 6 chỉ số nội dung, chỉ số “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” có mức cải thiện đáng kể nhất ở cả phương diện cảm nhận và trải nghiệm thực tế của người trả lời.
Ví dụ, tỷ lệ người trả lời cho biết họ đã phải hối lộ khi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, con số đã giảm từ 23% năm 2016 xuống còn 17% năm 2017, và tỷ lệ người trả lời cho biết họ đã phải hối lộ nhân viên y tế tại bệnh viện công tuyến huyện/quận, giảm từ 17% năm 2016 xuống còn 9% năm 2017.
Mặc dù vậy, mức độ chịu đựng tham nhũng lại có xu hướng tiếp tục gia tăng. Mức tiền bị vòi vĩnh trung bình buộc người trả lời phải tố giác hành vi đòi hối lộ của cán bộ, công chức địa phương năm 2017 là 27,5 triệu đồng, tăng gần 2 triệu đồng so với mức tiền trung bình 25,6 triệu đồng theo số liệu PAPI năm 2016.
Nhìn chung, mặc dù người dân đánh giá nỗ lực kiểm soát tham nhũng của các cấp chính quyền năm 2017 tốt hơn vài năm trước, song mức độ hài lòng chưa đạt mức của năm 2012. Vì vậy, những nỗ lực kiểm soát tình trạng tham nhũng vẫn cần được duy trì.
Về kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, hơn nửa số tỉnh/thành phố (33) đạt mức gia tăng đáng kể về điểm ở nội dung này trong năm 2017. Quảng Ninh, Bạc Liêu, Bà Rịa-Vũng Tàu, Lào Cai và An Giang được người dân ghi nhận nhiều nhất cho những nỗ lực của chính quyền địa phương trong phòng chống tham nhũng năm 2017, với mức gia tăng điểm số đạt trên 20% so với năm 2016 ở mỗi tỉnh/thành phố.
Trong số 6 tỉnh có điểm số giảm điểm đáng kể (trên 5%) thì Đắk Nông, Hưng Yên và Hải Phòng có mức suy giảm trên 9%.
Nhìn chung, đánh giá của người dân cho thấy hiện tượng vòi vĩnh, nhũng nhiễu, đòi đưa hối lộ của cán bộ, công chức có thuyên giảm so với năm 2016. Tuy nhiên, trong số những người trả lời nhiều người cho biết họ đã phải đưa hối lộ trên phạm vi toàn quốc, chỉ có 3% cho biết đã tố giác về những hành vi đó, một tỷ lệ tương đương với năm 2016.
Trong số những phát hiện có ý nghĩa chính sách và thực tiễn đối với các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương, thì sự cải thiện về kiểm soát tham nhũng trong khu vực công năm 2017 có ý nghĩa quan trọng nhất.
“Có thể những động thái trong việc xử lý các vụ việc tham nhũng ở cấp quốc gia đã có tác động lan tỏa tới các cấp chính quyền địa phương. Cũng có thể là do việc báo chí đưa tin về những động thái ở cấp trung ương, góp phần tạo ra phần nào hy vọng trong công chúng”, báo cáo nhận định.
Mặc dù điểm số tổng hợp của chỉ số này chưa đạt đến ngưỡng của năm 2011 và 2012, song xu hướng đảo chiều trong năm 2017 rất đáng ghi nhận.
Ô nhiễm môi trường, đói nghèo là mối lo lắng nhất
Báo cáo cũng đề cập đến việc thu hồi và bồi thường thu hồi đất đai. Tỷ lệ người dân phản ánh hộ gia đình bị thu hồi đất tiếp tục giảm nhẹ trong năm 2017. Trên phạm vi toàn quốc, chưa đến 7% số người trả lời cho biết gia đình họ bị thu hồi đất trong năm 2017, thấp hơn so với tỉ lệ 9% trước khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực năm 2014.
Song, bồi thường thu hồi đất vẫn là vấn đề đáng quan ngại, bởi tỷ lệ người bị thu hồi đất hài lòng với mức tiền bồi thường thu hồi đất giảm dần qua các năm. Năm 2014, 36% số người bị thu hồi đất cho rằng giá bồi thường xấp xỉ giá thị trường; đến năm 2017 tỷ lệ này giảm xuống còn 21%.
Cũng theo khảo sát này, trong 3 năm liên tiếp từ 2015 đến 2017, người dân cho rằng đói nghèo luôn là vấn đề đáng quan ngại nhất. Theo kết quả khảo sát năm 2017, tỷ lệ người trả lời cho rằng đói nghèo là vấn đề hệ trọng nhất cần được Nhà nước tập trung giải quyết là 28%, tăng 4% so với kết quả khảo sát năm 2016.
Ô nhiễm môi trường cũng được đánh giá là một trong 4 vấn đề hệ trọng nhất và nhà nước cần ưu tiên giải quyết.
Kết quả phân tích về việc người dân lựa chọn giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, đặc biệt khi sinh kế là mối quan tâm hàng đầu của họ, cho thấy đa số không chấp nhận đánh đổi môi trường cho các dự án phát triển kinh tế gây tổn hại tới môi trường.
“Nền kinh tế Việt Nam càng phát triển thì chính quyền càng gặp nhiều thách thức và cơ hội trong đảm bảo quản trị tốt trong bối cảnh trình độ dân trí ngày càng cao và nhu cầu tương tác của người dân ngày càng lớn”, báo cáo nêu.
Theo đó, nhiều người, đặc biệt là người nghèo và những người sống ở các tỉnh nghèo, lo lắng về khả năng bản thân hoặc người thân trong gia đình bị rơi vào nghèo đói. Đặc biệt hơn, đa số người trả lời cho biết họ quan ngại về đói nghèo vì đói nghèo ảnh hưởng đến sự phát triển chung của đất nước, đến khả năng gây dựng nền giáo dục phát triển có thể tạo ra lực lượng lao động có chất lượng trong tương lai.
Khi được hỏi về loại dự án đầu tư nào họ chấp nhận ở địa phương, đa số cho rằng họ không chào đón những dự án gây tác động tiêu cực tới môi trường mặc dù những dự án đó có thể tạo nhiều việc làm.
Tương tự như vậy, khi được hỏi về tác động của các dự án nhà máy nhiệt điện than, người dân quan ngại về hệ quả của những dự án điện đó tới môi trường hơn lợi ích có nguồn điện ổn định, thường xuyên. Điều này cho thấy mặc dù quan ngại về sinh kế, người dân không sẵn sàng chấp nhận những tổn hại về môi trường.
Khoảng cách lớn giữa các địa phương
Về cấp tỉnh, nhìn chung, năm 2017 không tỉnh/thành phố nào thuộc về nhóm đạt điểm cao nhất ở tất cả 6 chỉ số nội dung của PAPI. Quảng Bình, Bến Tre và Bạc Liêu thuộc về nhóm này ở 5 trong 6 chỉ số nội dung. Bạc Liêu vẫn thuộc nhóm các tỉnh/thành phố đạt điểm trung bình thấp ở chỉ số nội dung “Trách nhiệm giải trình với người dân”. Khoảng cách giữa địa phương có điểm số cao nhất và địa phương có điểm số thấp nhất còn tương đối lớn (39,52 điểm so với 33,09 điểm). Hơn nữa, còn khoảng cách rất lớn giữa điểm PAPI cao nhất cấp tỉnh (39,52 điểm) so với điểm tối đa mong đợi (60 điểm), trên thang điểm PAPI tổng hợp từ 10-60 điểm. Vì vậy, các cấp chính quyền địa phương cần thực hiện tốt hơn nhiệm vụ phục vụ nhân dân nhằm đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi ngày càng cao của người dân. |