Yếu tố môi trường thúc đẩy di cư và phân bố loài thuộc họ chào mào

Họ chào mào (Pycnonotidae) có hơn 150 loài phân bố khắp châu Á và châu Phi với 24 loài ở Nam Á và một nửa trong số này là loài đặc hữu của khu vực. Tuy nhiên, phân tích di truyền từ một nghiên cứu gần đây cho thấy những cá thể chim chào mào Nam Á lại có nguồn gốc từ thềm Sudan (vốn là các hòn đảo ngày nay tạo nên Indonesia và Malaysia) sau làn sóng di cư từ vùng lục địa Đông Nam Á đến tiểu lục địa Ấn Độ. Và yếu tố môi trường chính là nguyên do thúc đẩy sự phân bố cũng như tiến hóa đa dạng của loài chim biết hót này.

Ashish Jha, tác giả chính nghiên cứu và là nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm bảo tồn các loài nguy cấp ở Hyderabad, Ấn Độ cho biết: “Khi đặt trên cây tiến hóa toàn cầu, đặc điểm nhận dạng di truyền của họ chào mào ở nhiều khu vực khá trùng khớp, minh chứngnhững loài này đã chiếm đóng Nam Á vào những khoảng thời gian khác nhau”.

Jha và đồng nghiệp đã so sánh di truyền học của loài chim chào mào Nam Á với các loài họ hàng ở châu Á để tái lập cây tiến hóa và lập bản đồ các yếu tố thúc đẩy sự phân bố loài hoặc cách chúng phát triển theo thời gian. Do dữ liệu về một số loài chào mào đặc hữu Nam Á bị thiếu trong hệ thống phát sinh loài toàn cầu hiện có nên nhóm sử dụng dữ liệu di truyền có sẵn và bổ sung vào dữ liệu di truyền của các loài đặc hữu từ Ấn Độ và Sri Lanka.

“Bán đảo Ấn Độ từng được che phủ bởi những cánh rừng nhiệt đới ẩm ướt nhưng khoảng 12 triệu năm trước, trong thời kỳ hậu thế Trung Tân, nó bắt đầu trở nên khô hạn, vì vậy các khu rừng dần bị thu hẹp khiến các loài bị phân tách và tiến hóa riêng biệt”, Jha cho biết.

Kết quả xác định niên đại phân tử cho thấy loài cổ nhất trong số các loài chào mào Nam Á là chào mào vạch (Pycnonotus striatus) và chào mào núi (Ixos mcclellandii) trên dãy Himalaya; loài P. xantholaemus P. luteolus của bán đảo Ấn Độ, phân kỳ vào cuối thế Trung Tân (11,63 triệu đến 5,33 triệu năm trước). Các loài chào mào đặc hữu ở Ghat Tây, Ấn Độ khác biệt với các loài họ hàng của chúng trong thế Thượng Tân (khoảng 5,33 triệu đến 2,58 triệu năm trước).

Các loài đặc hữu lâu đời nhất ở khu vực bán đảo là P. penicillatus ở vùng Deccan của Ấn Độ và P. penicillatus của Sri Lanka. Cả hai loài này đều không có họ hàng nào gần gũi, vì vậy chúng ở nhánh độc nhất trong cây tiến hóa.

Pycnonotus xantholaemus là một trong những loài chào mào Nam Á cổ nhất trong lịch sử tiến hóa (Ảnh: Ashish Jha)

Ngoài ra, nghiên cứu cũng chứng minh chào mào Nam Á thuộc chi Pycnonotus đã di cư qua Bán đảo Ả Rập và Trung Đông đến châu Phi từ thế Thượng Tân trong khi những cá thể thuộc chi Hypsipetes vượt đảo đến Madagascar và quần đảo Mascarene từ đầu thế Canh Tân (khoảng 2,58 triệu đến 12.000 năm trước).

Ngày nay, có hai loài thuộc chi Hypsipetes ở Nam Á gồm cành cạch đen (Hypsipetes leucocephalus) ở dãy Himalaya và Hypsipetes ganeesa ở Ghat Tây và Sri Lanka. Nhiều người cho rằng các loài này có họ hàng với nhau nhưng thực tế loài ở dãy Himalaya lại liên quan đến chào mào Philippines (H. philippinus) trong khi loài ở Ghat Tây và Sri Lanka có quan hệ họ hàng gần với chào mào Madagascar (H. madagascariensis). Sự phân bố của chúng liên quan đến những thay đổi về địa chất và khí hậu theo thời gian, chẳng hạn loài Pycnonotus penicillatus ở Sri Lanka phân bố phổ biến trong các vùng cao nguyên miền Trung, xuất hiện ngay cả trong vườn nhà và các khu đô thị nhưng không thể tìm thấy chúng ở độ cao thấp hơn 1.200 m.

Các nhà nghiên cứu rất ngạc nhiên trước sự tiến hóa và phân bố của các loài trước những tác động của quá trình khô cằn cùng các yếu tố môi trường khác diễn ra hàng triệu năm trước, giúp dự đoán tiến trình tiến hóa tiếp theo nếu có những thay đổi tương tự xảy ra.

Thùy Dung (Theo Mongabay)

Nguồn: