Giảm thiểu nguy cơ rủi ro từ động đất

Sáng 23-11, tại Hà Nội, Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam) tổ chức hội thảo “Tuyên truyền, phổ biến kiến thức về động đất và các kỹ năng phòng tránh rủi ro cho cộng đồng”.

Theo báo cáo kết quả nghiên cứu của Viện Vật lý địa cầu, mặc dù không nằm trên “vành đai lửa” của các tâm chấn động đất mạnh trên thế giới, Việt Nam vẫn có mối hiểm họa động đất khá cao. Những trận động đất mạnh nhất với độ lớn (Magnitude-M) đạt tới 6,7-6,8 đã được ghi nhận trong lịch sử, điển hình như trận động đất năm 1935 tại Điện Biên M= 6,7, Tuần Giáo năm 1983 là M=6,8. Chỉ tính riêng từ năm 1903 đến năm 2021, hệ thống trạm địa chấn quốc gia đã ghi nhận trên 545 trận động đất với độ lớn trên dưới 4,0 ( động đất cơ độ lớn nhỏ, nhẹ) xảy ra tại khu vực Tây Bắc lãnh thổ nước ta.

Theo nghiên cứu có tổng cộng 46 hệ thống đới đứt gãy sinh chấn chính trên lãnh thổ, thềm lục địa và Biển Đông Việt Nam. Đây chính là nguồn nguy cơ tiềm ẩn hiểm họa động đất có thể xảy ra bất kỳ lúc nào tại Việt Nam trong tương lai. Bên cạnh đó, hoạt động của hệ thống các đập thủy điện trên khắp lãnh thổ Việt Nam cũng có thể trở thành nguồn gây động đất kích thích.

Toàn cảnh hội thảo sáng ngày 23-11. (Ảnh: Báo Quân đội nhân dân)

Cho đến nay chưa có quốc gia nào trên thế giới có thể dự báo chính xác (dự báo ngắn hạn) về thời gian sẽ xảy ra động đất (chỉ có thể dự báo dài hạn về động đất). Vì thế việc ứng phó với động đất gặp rất nhiều khó khăn.

Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Phương, Viện Vật lý địa cầu cho hay: Tây Bắc là khu vực có nguy cơ động đất cao nhất ở nước ta. Khu vực thứ 2 là có nguy cơ động đất cao sau vùng Tây Bắc là khu vực Bắc Trung Bộ. Tiếp sau đó là các vùng như vùng Đông Bắc; Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, miền Đông Nam Bộ. Riêng miền Tây Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng là vùng ít nguy cơ xảy ra động đất nhất.

Các đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: Báo Quân đội nhân dân)

Chính vì vậy, việc trang bị kiến thức, kỹ năng về động đất và chuẩn bị sẵn sàng và các kỹ năng ứng phó là chìa khóa cho sự an toàn đối với người dân và cộng đồng, đặc biệt đối với những người sống trong vùng có hoạt động địa chấn, vùng có nguy cơ cao về động đất nhằm giảm thiểu thiệt hại về tính mạng. Chẳng hạn cúi gập người, dùng tay che đầu, ẩn nấp vào gầm bàn, tránh xa  khu vực có cửa kính, đồ vật dễ đổ vỡ, không nên dùng thang máy khi động đất xảy ra…