Phá rừng tái sinh trồng keo tràm: Các đơn vị liên quan vào cuộc kiểm tra

Quảng Trị- Sau phản ánh của Báo Lao Động về tình trạng chặt phá rừng tái sinh để trồng keo tràm, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị đề nghị các đơn vị liên quan vào cuộc kiểm tra.

Một diện tích có cây rừng tái sinh bị chặt hạ và đốt thực bì để trồng keo tràm ở tiểu khu 603B. (Ảnh: Hưng Thơ)

Chủ cũ bảo vệ, chủ mới đốn hạ

Liên quan đến diện tích đất có nhiều cây rừng tái sinh ở tiểu khu 603B bị đốn hạ, ông Nguyễn Hồng Thái – Giám đốc Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đường 9 (đơn vị quản lý 450ha đất trước kia) cho biết, trong số 450ha đất mà công ty đã bàn giao lại cho huyện Gio Linh quản lý, không ít diện tích có cây rừng tái sinh tự nhiên trên đất.

Cụ thể, khoảng 10 năm trước, khi Công ty Lâm nghiệp Đường 9 thực hiện dự án trồng rừng 661 với mục đích phủ xanh đồi núi trọc ở 450ha nêu trên, thì chỉ những nơi đất trống mới trồng cây. Còn diện tích ở khe suối, đồi núi có dốc dựng đứng, khó đi lại thì có cây tự nhiên tái sinh. Công ty này đã bốc tách ra diện tích có cây rừng tái sinh và chỉ trồng rừng trên diện tích đã thiết kế. Còn khu vực khe suối có cây rừng tái sinh không nằm trong diện tích thiết kế.

Người dân dùng máy cưa cắt cây rừng tái sinh ở tiểu khu 603B. (Ảnh: Hưng Thơ)

Sau nhiều năm trồng, để giao lại đất cho địa phương quản lý theo chủ trương của UBND tỉnh Quảng Trị, Công ty Lâm nghiệp đường 9 đã khai thác các diện tích rừng đã trồng.

Đối với diện tích cây rừng tái sinh tự nhiên, công ty không khai thác mà giữ nguyên hiện trạng và bàn giao cho địa phương.

Tuy nhiên, khi nhận 450ha đất, UBND xã Linh Trường không bóc tách ra các diện tích có cây rừng tái sinh để tiếp tục khoanh nuôi, bảo vệ trước khi bàn giao cho dân, nên người dân đã ồ ạt vào chặt phá để trồng rừng.

Sẽ rà soát, kiểm tra

Ông Trần Văn Tý – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị nói rằng, trước thông tin Báo Lao Động nêu về việc phá cây rừng tái sinh để trồng cây keo tràm, đơn vị đã đề nghị Kiểm lâm huyện Gio Linh khẩn trương kiểm tra, rà soát. Quan điểm của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị, đối với diện tích cây rừng tái sinh có diện tích lớn, đã được khoanh nuôi, bảo vệ thì phải tiếp tục bảo vệ nghiêm ngặt.

Xe ôtô có mặt ở các địa điểm cắt cây đợi vận chuyển đi tiêu thụ. (Ảnh: Hưng Thơ)

Ông Tý cũng nêu một số khó khăn trong việc bảo vệ diện tích cây rừng tái sinh, vì phần lớn mọc từng đám nhỏ xen giữa diện tích rừng trồng. Bên cạnh đó, chủ đất là UBND xã Linh Trường lại không có lực lượng để bảo vệ, nên sẽ gặp không ít khó khăn. “Nhưng không phải vì vậy mà chặt phá luôn diện tích cây rừng tái sinh để trồng keo tràm. Chúng tôi sẽ rà soát lại và đề nghị bảo vệ nghiêm ngặt” – ông Tý, cho hay.

Sau khi tiếp nhận nội dung Báo Lao Động đăng tải, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị nói rằng sẽ đề nghị các đơn vị liên quan kiểm tra, báo cáo rồi sẽ thông tin lại.

Ngày 9.11, Báo Lao Động có bài viết “Ồ ạt đốn hạ cây rừng tái sinh để trồng cây keo tràm”, phản ánh tình trạng nhiều diện tích cây rừng tái sinh ở tiểu khu 603B ở xã Linh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị bị chặt hạ để lấy đất trồng cây. Việc chặt hạ cây diễn ra ồ ạt, nhưng lực lượng Kiểm lâm huyện Gio Linh và chính quyền xã Linh Trường cũng phân vân, lấp lửng không biết nên giữ lại diện tích cây rừng tái sinh này hay chặt hạ đi để trồng lại cây keo tràm.