USAID tài trợ 1,11 triệu USD giúp Lào Cai bảo tồn đa dạng sinh học rừng có giá trị cao

Ngày nay, việc bảo tồn đa dạng sinh học có ý nghĩa rất quan trọng cho mục tiêu phát triển bền vững. Nhằm mục tiêu đó, dự án bảo tồn sinh học rừng trị giá 1,11 triệu USD (gần 25,8 tỉ đồng) được triển khai trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Lào Cai cho biết, Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) vừa quyết định tài trợ thực hiện thực hiện Dự án “Quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học. Theo đó, mục tiêu nhằm giảm phát thải khí nhà kính, tăng khả năng hấp thụ carbon trong rừng sản xuất và bảo tồn đa dạng sinh học ở những khu vực rừng có giá trị cao.

Đây là dự án hỗ trợ kỹ thuật không hoàn lại được triển khai thực hiện trong thời gian 6 năm, từ năm 2021 đến hết ngày 31/12/2026 do Sở NN&PTNT tỉnh Lào Cai làm chủ dự án.

Trong đó có 5 huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh Lào Cai được thụ hưởng dự án gồm Si Ma Cai, Mường Khương, Bắc Hà, Văn Bàn và thị xã Sa Pa. Dự án bao gồm 5 tiểu hợp phần chính: Cải thiện quản lý rừng của cộng đồng dân cư, quản lý rừng có sự tham gia của người dân; Thúc đẩy phát triển sinh kế bền vững cho các cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng; Tăng cường thực thi pháp luật đối với các vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp; Cải tiến giải pháp kỹ thuật quản lý rừng sản xuất; Huy động các nguồn lực cho quản lý và bảo vệ rừng.

Đa dạng sinh học có ý nghĩa quan trọng trong cuộc sống và đóng góp quan trọng vào sự phát triển đất nước. (Ảnh: laocai.gov.vn)

Tổng vốn dự án thực hiện tại tỉnh Lào Cai là 1,11 triệu USD, tương đương 25.768 triệu đồng; Trong đó vốn ODA là 1 triệu USD, tương đương 23.210 triệu đồng và vốn đối ứng từ ngân sách tỉnh 0,11 triệu USD, tương đương 2.558 triệu đồng.

Được biết, Lào Cai có 3 khu rừng đặc dụng với tổng diện tích quy hoạch là 64.526 ha, trong đó: Diện tích có rừng 56.247,7 ha, rừng tự nhiên 55.884,9 ha, rừng trồng 326,8 ha, đất trống 8.278,8 ha. Gồm: Vườn quốc gia Hoàng Liên có diện tích 20.951 ha, Khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên – Văn Bàn có diện tích 24.939 ha và Khu bảo tồn thiên nhiên Bát Xát có diện tích 18.637 ha. Đây là những khu rừng có diện tích tập trung lớn liền vùng và giữ vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, điều tiết nguồn nước, là nơi có tính đa dạng sinh học cao, có nhiều loài động, thực vật đặc hữu và quý hiếm cần được bảo vệ.

Trên cơ sở kế thừa các tư liệu nghiên cứu liên quan đến hệ thực vật của các khu rừng đặc dụng cho thấy, hệ thực vật các khu rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh Lào Cai khá phong phú và đa dạng, phân bố trên nhiều sinh cảnh khác nhau như trảng cỏ, cây bụi, các loài cây gỗ trên núi đất và núi đá. Qua các kết quả điều tra, nghiên cứu bước đầu đã tổng hợp thống kê được hệ thực vật các khu rừng đặc dụng có 6 ngành, 2 lớp, 231 họ, 1.254 chi và 3.864 loài thực vật bậc cao có mạch. Ngành Mộc lan đa dạng nhất có 193 họ với 3326 loài. Có 354 loài thực vật đặc hữu, quý, hiếm trong đó 161 loài đặc hữu, 195 loài quý hiếm.

Khu hệ động vật rừng đặc dụng của Lào Cai cũng rất phong phú về thành phần loài, với 955 loài động vật, thuộc 106 họ và 29 bộ. 5 Lớp. Trong đó, có 155 loài quý, hiếm chiếm 16,23%, có 20 loài quý hiếm nằm trong Sách Đỏ Việt Nam và Sách Đỏ Thế giới chiếm 2,3%, có 19 loài thuộc phụ lục của Công ước CITES, có 22 loài đặc hữu điển hình cho vùng núi cao Hoàng Liên Sơn.

Đa dạng sinh học có ý nghĩa quan trọng trong cuộc sống, mang lại những lợi ích thiết thực cho con người và đóng góp quan trọng vào sự phát triển đất nước. Việc đầu tư vào thiên nhiên sẽ góp phần vào các nỗ lực phục hồi bằng cách tạo ra việc làm, hướng tới các cộng đồng nghèo nhất và xây dựng khả năng phục hồi lâu dài. Đồng thời, các hệ sinh thái lành mạnh giúp hỗ trợ giảm thiểu biến đổi khí hậu và tăng khả năng phục hồi của các cộng đồng dễ bị tổn thương nhất trên thế giới.