Sử dụng kiến thức bản địa trong ứng phó biến đổi khí hậu ở ĐBCSL

ThienNhien.Net – Những tác động của biến đổi khí hậu đã và đang trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống kinh tế – xã hội của mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Để tìm ra được giải pháp ứng phó, bên cạnh những cơ sở khoa học thì cần nghiên cứu, kết hợp với những tri thức bản địa của người dân địa phương.

Đặc điểm nổi bật của tri thức bản địa là kiến thức có ở bên trong một cộng đồng, điều này đôi khi trái ngược với kiến thức mới và các ứng dụng kỹ thuật chủ yếu từ bên ngoài đưa vào. Đặc biệt, tri thức bản địa luôn luôn đổi mới, biến mất rồi lại xuất hiện trở lại. Nó thường xuyên được chọn lọc, vay mượn từ nhiều nguồn khác nhau và thích ứng với các điều kiện tiến hóa. Thậm chí, một số kiến thức hoàn toàn từ bên ngoài cũng được điều chỉnh để có thể thích nghi với cộng đồng vì nó phát triển theo hướng phù hợp với cộng đồng. Sự kết hợp này được xem là giải pháp khoa học trong xây dựng chiến lược thích ứng biến đổi khí hậu bởi tri thức bản địa vốn là những kinh nghiệm tích lũy từ lâu đời, được người dân đúc rút và thực hành tại một vùng nhất định. Vì thế nó có thể là những biện pháp kỹ thuật, kiến thức ứng phó hữu ích cho chính cộng đồng đối với vấn đề biến đổi khí hậu diễn ra tại địa phương.

Nhiều diện tích lúa ở Cà Mau bị chết do hạn mặn (Ảnh: SGGP)
Nhiều diện tích lúa ở Cà Mau bị chết do hạn mặn (Ảnh: SGGP)

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng trọng điểm sản xuất lương thực của cả nước, sản lượng lúa hàng năm toàn vùng chiếm hơn 53% tổng sản lượng lúa và đóng góp tới 90% sản lượng gạo xuất khẩu quốc gia. Tuy nhiên, sinh kế của người dân nơi đây phụ thuộc khá nhiều vào diễn biến thời tiết và nguồn nước tự nhiên. Vùng ĐBSCL lại là một trong những đồng bằng chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Vì vậy, việc nghiên cứu các biện pháp ứng phó của người dân trong khu vực là hết sức cần thiết, đặc biệt là các phương thức ứng phó biến đổi khí hậu dựa vào tri thức bản địa.

Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu – Đại học Cần Thơ mới đây đã tập trung vào mục tiêu trên, cụ thể là đánh giá và hệ thống hóa tri thức bản địa liên quan đến ứng phó các sự kiện thời tiết bất thường trong sản xuất lúa ở hai tỉnh vùng lũ ĐBSCL là An Giang, Đồng Tháp và vùng ven biển các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh. Nghiên cứu tiến hành xem xét các trường hợp điển hình trong sản xuất nông nghiệp kết hợp các ghi nhận từ quan sát hiện trường, đồng thời đánh giá sự sắp xếp lịch thời vụ hợp lý, xây dựng các bảng phân loại hình thức lưu giữ kiến thức bản địa và trao đổi chuyên sâu trực tiếp với nông dân (Hình 1).

Hình 1
Hình 1

Số liệu nghiên cứu được thu thập thông qua hoạt động phỏng vấn trực tiếp 600 hộ trồng lúa ở các huyện: Chợ Mới, Thoại Sơn, Châu Phú (tỉnh An Giang) và Cao Lãnh, Tháp Mười, Thanh Bình (tỉnh Đồng Tháp) và 300 hộ nông dân có sản xuất lúa thuộc các huyện Hòa Bình (tỉnh Bạc Liêu), Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) và Duyên Hải (tỉnh Trà Vinh). Các hộ được lựa chọn một cách ngẫu nhiên. Kết quả nghiên cứu được tóm tắt tại bảng 1 và 2.

Kết quả cho thấy thời tiết thay đổi bất thường đã gây khó khăn cho hoạt động sản xuất của người dân địa phương. Trước kia, người dân theo dõi các hiện tượng thời tiết trong canh tác lúa nhờ vào kinh nghiệm truyền khẩu, quan sát các hiện tượng thay đổi cho cây, con và dòng chảy cũng như tự cải tiến các nông cụ và phương thức canh tác. Hiện nay, thời tiết diễn biến bất thường, không theo quy luật làm cho việc dự đoán bằng kinh nghiệm gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, người dân đã biết cập nhật diễn biến và dự báo thời tiết qua thông tin dự báo trên các phương tiện truyền thông như truyền hình, radio, loa phát thanh… để thực hiện các  biện pháp ứng phó phù hợp. Dù vậy, để nâng cao hơn nữa hiệu quả ứng phó biến đổi khí hậu cho người dân trong khu vực, cần lồng ghép các kiến thức bản địa vào hệ thống dịch vụ và chuyển giao kỹ thuật cho người dân, đồng thời cung cấp các giống chịu hạn, mặn đến địa phương nhằm đảm bảo tất cả các hộ đều được tiếp cận và vận dụng vào trong sản xuất.

290216_khohanbang1

290216_khohanbang2 290216_khohanbang2.1

Lê Anh Tuấn – Nguyễn Kim Uyên – Bùi Quang Vinh (Khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên, Đại học Cần Thơ)

Nguồn: