Xem xét, bổ sung thiệt hại do thiên tai đối với tôm nuôi ở Cà Mau

ThienNhien.Net – Sau cây lúa, đến lượt con tôm ở Cà Mau bị thiệt hại nặng nề vì hạn hán. Hiện tỉnh Cà Mau đang xem xét, bổ sung thiệt hại do thiên tai đối với tôm nuôi, nhằm có những hỗ trợ cần thiết cho người dân…

Sau khi khảo sát thực tế về tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại huyện Thới Bình và U Minh (Cà Mau), Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Vũ Văn Tám, cùng đoàn công tác của Bộ đã có buổi làm việc với chính quyền tỉnh Cà Mau vào sáng ngày 18-5.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho rằng, qua khảo sát thực tế cho thấy, tình trạng tôm chết ở Cà Mau hiện nay là rất nghiêm trọng. “Tôi nói rất nghiêm trọng để địa phương thấy được mức độ và tính bức thiết phải vào cuộc khẩn cấp, quyết liệt nhằm có những giải pháp đổng bộ để ứng phó” – Thứ trưởng nhấn mạnh.

Thứ trưởng cũng đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau xem xét bổ sung công bố thiên tai đối với tôm, để có biện pháp chỉ đạo và hỗ trợ kịp thời cho nông dân. Trong trường hợp không công bố thiên tai thì cũng xác nhận thiệt hại để dân được hỗ trợ theo quy định của ngành. “Tỉnh Cà Mau cũng cần gắn kết với ngân hàng và nông dân, giúp nông dân vay vốn có hỗ trợ lãi suất trong thời gian thả tôm khắc phục thiệt hại. Trong việc chi hỗ trợ cũng cần giám sát tốt, tránh để xảy ra tiêu cực” – Thứ trưởng Vũ Văn Tám lưu ý.

Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Sở NN&PTNT Lê Văn Sử cho biết, ngoài lúa và cây trồng hệ ngọt bị ảnh hưởng, tình trạng hạn hán gay gắt kéo dài còn ảnh hưởng đến hàng chục nghìn diện tích nuôi tôm trong tỉnh. Hiện, độ mặn trên các tuyến sông tăng cao từ 36 – 42‰. Còn trong ao, đầm nuôi tôm, độ mặn giao động từ 40 – 55‰, có nơi lên đến 60‰.

Chính quyền địa phương thực tế hộ nuôi tôm bị chết ở xã Hồ Thị Kỷ (huyện Thới Bình).
Chính quyền địa phương thực tế hộ nuôi tôm bị chết ở xã Hồ Thị Kỷ (huyện Thới Bình).

Nắng gắt và độ mặn tăng cao làm dịch bệnh phát sinh, khiến gần 52.500 ha tôm nuôi quảng canh và quảng canh cải tiến bị thiệt hại, chiếm khoảng 20% tổng diện tích nuôi tôm toàn tỉnh Cà Mau. Trong đó, mức độ tôm chết từ 70% trở lên là hơn 17.600 ha; từ 30-70% là hơn 34.800 ha và ước tổng thiệt hại do tôm chết không dưới 260 tỷ đồng.

Nếu tình hình nắng hạn còn tiếp tục kéo dài thì đến hết tháng 5 và sang đầu tháng 6, hầu hết các vùng nuôi tôm nằm xa các trục kênh chính đều bị thiếu nước, độ mặn hầu hết vượt ngưỡng 50‰. Khi ấy, tôm nuôi sẽ bị thiệt hại rất nghiêm trọng, và diện tích bị thiệt hại có thể lên đến 100.000 ha, đời sống người nuôi tôm sẽ gặp khó khăn chồng chất – ông Sử lo lắng.

Chủ động ứng phó tình hình tôm chết do nắng hạn, tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải đã chỉ đạo Sở NN&PTNT tỉnh cử ngay lực lượng chuyên trách xuống các địa phương để chỉ dẫn, khuyến cáo người nuôi có cách ứng phó phù hợp, giảm thấp nhất thiệt hại có thể; ngành nông nghiệp phối hợp chặt chẽ chính quyền địa phương thống kê cụ thể mức độ, diện tích bị thiệt hại để báo cáo với UBND tỉnh xác nhận và có chính sách hỗ trợ cho nông dân; khuyến cáo nông dân nuôi tôm sử dụng thuốc, thức ăn loại nào, xác định giá từng loại và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để dân biết; tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng chủng loại các loại phân bón, thức ăn dùng trong nuôi tôm để loại bỏ những hàng hóa không bảo đảm chất lượng nhưng mang đi bán, đánh lừa người dân…

Đồng chí Chủ tịch tỉnh Cà Mau cũng trăn trở về việc hỗ trợ trực tiếp bằng tiền, thay vì chọn mua con giống tốt về thuần hóa cho khỏe mạnh, đủ sức chống chịu với thời tiết khắc nghiệt rồi hỗ trợ cho người nuôi tôm bị thiệt hại. “Dù hỗ trợ bằng hình thức gì, thì những hộ trong vùng ngọt nhưng tự ý đưa mặn vào nuôi tôm, hoặc hộ dân vùng mặn chuyên nuôi tôm nhưng thực hiện không đúng khuyến cáo thời vụ của ngành chức năng thì vẫn không thuộc diện được xem xét nhận hỗ trợ” – đồng chí Nguyễn Tiến Hải lưu ý.