Trao quyền cho địa phương tự quyết chuyển đất lúa, đất rừng phòng hộ: Phải đặc biệt xem xét kỹ càng!

Việc cho phép UBND tỉnh tự quyết chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, PGS. TS Bùi Thị An – Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng, đất đai là tài sản vô giá, là tài nguyên rất đặc biệt của đất nước nên phải đặc biệt xem xét rất kỹ càng.

Chiều 13/10, tại chương trình làm việc, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 – 2025).

Một trong những nội dung nằm trong Phương án quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 được Chính phủ trình Quốc hội xem xét là cho phép Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng để thực hiện các dự án mà không phải trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận theo quy định tại Điều 58 Luật Đất đai. Đồng thời, bãi bỏ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 58 Luật Đất đai.

Trao quyền cho địa phương tự quyết chuyển đất lúa, đất rừng phòng hộ, phải đặc biệt xem xét kỹ càng (ảnh st)

Trao đổi với phóng viên báo Nhà báo và Công luận về nội dung này, nguyên lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng: Đây không phải vấn đề đơn giản, phải giải quyết hài hòa được câu chuyện vừa phải quản lí chặt đất đai, đặc biệt là đất nông nghiệp, đất rừng phòng hộ, đặc dụng nhưng cũng phải tạo cơ chế cho các địa phương như thế nào cho hợp lí. Bởi, đầu tư thì phải tranh thủ chớp thời cơ mà ngâm hồ sơ, đi xin mãi thủ tục nhiều tháng không xong như vậy thì còn gì là thời cơ.

Tuy nhiên tạo cơ chế cho địa phương thoải mái cũng rất nguy hiểm. Nếu trao quyền cho địa phương không cẩn thận cũng phức tạp, bởi những nơi làm nghiêm túc không sao, những nơi làm không nghiêm thì sẽ dễ dẫn tới tiêu cực, lợi ích nhóm, rất nguy hiểm.

“Mình làm chặt thì mãi thủ tục chẳng xong, thực trạng đã diễn ra ở nhiều địa phương khi trình vài tháng chẳng xong hồ sơ nhưng nếu thả ra mà không quản được cũng rất nguy hiểm và sẽ dẫn tới tình trạng cấp phép, chuyển đổi bừa bãi đất lúa, đất rừng phòng hộ, đặc dụng”- vị lãnh đạo này cho biết.

Cũng theo vị lãnh đạo này, muốn giải quyết được câu chuyện này thì chỉ có cách, các cơ quan chức năng cấp trên quy định rõ trong thời hạn bao nhiêu ngày phải xử lí xong hồ sơ địa phương trình, trả lời rõ ràng, không được kéo dài dẫn tới trì trệ và nếu quá thời gian trả lời thì địa phương được phép tự thực hiện. Tức qua bao nhiêu ngày không có ý kiến coi như đồng ý, trước đây địa phương cũng phải thực hiện theo lộ trình đó thì mới kịp thời thực hiện các dự án đầu tư.

Đồng quan điểm về việc này, nguyên Chủ tịch tỉnh Bắc Kạn cho rằng: Việc phân cấp cho địa phương sẽ giúp chủ động hơn trong việc xúc tiến đầu tư dự án. Trước đây trên 10 ha phải xin phép Thủ tướng Chính phủ, dưới 10 ha là do Hội đồng nhân dân tỉnh quyết.

”Thủ tục đó làm được thì sẽ đỡ rất nhiều cho địa phương. Trước đây, trên 10 ha phải thông qua Hội đồng nhân dân tỉnh và sau đó HĐND tỉnh mới trình Thủ tướng Chính phủ nhưng quy trình trình rất vất vả, qua nhiều bộ, ngành thẩm định rồi mới đến được bàn Thủ tướng Chính phủ” – nguyên Chủ tịch tỉnh Bắc Kạn cho biết.

Tuy nhiên, vị lãnh đạo này cũng cho rằng, nếu trao quyền cho địa phương phải có những biện pháp quản lí thật nghiêm ngặt để tránh những sai phạm.

PGS. TS Bùi Thị An – Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Hội nữ trí thức Hà Nội.

PGS. TS Bùi Thị An – Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng, mở rộng phân cấp quyền cho địa phương là rất tốt, tuy nhiên, trong vấn đề đất đai, đây là tài sản vô giá, là tài nguyên rất đặc biệt của đất nước, đất đai không bao giờ nở ra nữa. Nếu như trao quyền cho địa phương mà không trình qua Thủ tướng Chính phủ, trong trường hợp với bất kể quy mô diện tích nào thì cần phải xem xét lại.

Bởi theo PGS. TS Bùi Thị An, không phải trình độ của cán bộ địa phương nào cũng giống nhau, không phải cán bộ địa phương nào cũng có tâm và tầm đầy đủ trong ý thức, trách nhiệm quản lí tài sản của đất nước, tài sản của nhân dân, cho nên việc này đề nghị Chính phủ, Quốc hội phải xem xét.

Nói về tình huống các địa phương kêu khó, khổ, mất nhiều thời gian trình cấp thẩm quyền phê duyệt, PGS. TS Bùi Thị An cho rằng: Trước đây có thể có tình trạng cồng kềnh mất nhiều thời gian nhưng bây giờ là thời Chính phủ điện tử, vấn đề ứng dụng công nghệ kỹ thuật số nên câu chuyện thẩm duyệt sẽ không còn là vấn đề.

Được biết, về vấn đề trên, tại chương trình làm việc chiều 13/10 vừa qua, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng: Đây là một thay đổi chính sách lớn, cần được tổng kết, đánh giá kỹ lưỡng. Trong bối cảnh Chính phủ đang chỉ đạo tổng kết thi hành để sửa đổi Luật Đất đai, chưa nên đặt vấn đề này trong dự thảo Nghị quyết về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Trường hợp cần thiết, Chính phủ tổng kết, đánh giá kỹ, trình Quốc hội xem xét khi tiến hành sửa đổi Luật Đất đai thời gian tới.

Quy định tại điểm a khoản 1 Điều 58 Luật Đất đai 2013:

1. Đối với dự án có sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng vào các mục đích khác mà không thuộc trường hợp được Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ được quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất khi có một trong các văn bản sau đây:

a) Văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng từ 10 héc ta đất trồng lúa trở lên; từ 20 héc ta đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng trở lên;…