Giải cứu rùa luýt khổng lồ bị mắc kẹt

Một con rùa luýt khổng lồ đã trở về đại dương an toàn, sau khi được giải cứu khỏi bãi bùn mà nó bị mắc kẹt.

Daily Mail dẫn dòng trạng thái trên Twitter của Thủy cung New England cho hay, con rùa nặng hơn 272kg và dài khoảng 1,5m. Nó bị mắc kẹt trong một bãi bùn vào ngày 10.10 và được ba nhóm tình nguyện viên giải cứu ngày 12.10.

Giám đốc danh dự Bob Prescott của Khu bảo tồn Động vật Hoang dã Vịnh Mass Audubon Wellfleet cho biết, con rùa ban đầu bị mắc kẹt tại sông Herring ở Wellfleet, Massachusetts, Mỹ.

Con rùa nặng tới hơn 272kg. Ảnh: IFAW

Khu bảo tồn cũng đã làm việc với Quỹ Quốc tế về Phúc lợi Động vật và Thủy cung New England nói trên để tái định cư con rùa.

Sau khi đến Herring Cove ở Provincetown, Massachusetts, con rùa được nhân viên thủy cung kiểm tra tình trạng. Họ xác định con rùa khỏe mạnh và sau đó thả nó vào Đại Tây Dương. Rất nhiều người dân chứng kiến vụ việc.

Các nhà nghiên cứu gắn thẻ theo dõi cho con rùa để theo dõi tình trạng sức khỏe của nó trong tháng tới. Họ cũng gắn một thẻ âm thanh riêng biệt để theo dõi sự di chuyển của nó trong nhiều năm.

Theo National Geographic, rùa luýt còn được gọi là rùa da và có tên khoa học là Dermochelys coriacea. Đây là loài rùa còn sống lớn nhất trên Trái đất. Khi trưởng thành, chúng có thể dài tới 2,1m và nặng hơn 907kg. Trong khi tất cả các loài rùa biển khác đều có mai cứng và nhiều xương, thì lưng rùa luýt được bao phủ bởi một lớp da mềm và trơn, khi chạm vào gần giống như cao su.

Trong tất cả các loài bò sát và thậm chí có thể trong bất kỳ loài động vật có xương sống nào, rùa luýt là loài có sự phân bố rộng nhất trên toàn cầu. Chúng có thể được tìm thấy ở vùng biển nhiệt đới và ôn đới của Đại Tây Dương, Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và Địa Trung Hải. Những còn rùa luýt trưởng thành còn đi xa về phía bắc như Canada, Na Uy và xa về phía nam như New Zealand và Nam Mỹ.