Thông tin về vụ phá rừng ở Kon Tum: Các cơ quan chức năng đã khẩn trương vào cuộc, xác minh

Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường của Bộ Công an phối hợp với Công an tỉnh Kon Tum, Chi cục kiểm lâm tỉnh Kon Tum và các đơn vị địa phương tiến hành đo, đếm số lượng gỗ bị tàn phá tại các huyện Đắk Glei, Sa Thầy và Ia H’Drai.

Cục cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C05) đã kiểm tra khu vực rừng của 03 huyện giáp biên giới của tỉnh Kon Tum, thành lập đoàn kiểm tra liên ngành và thống kê số liệu gỗ bị tàn phá.

Sau 08 ngày làm việc đoàn kiểm tra liên ngành đã khẩn trương tiến hành đo, đếm khối lượng gỗ rừng bị phá của 03 khu vực với hàng trăm cây gỗ với khối lượng vài trăm m3 gỗ. Bước đầu đã có những kết quả nhất định.

Đoàn liên ngành tiến hành đo, đếm gỗ tang vật.

Hiện tại, đoàn kiểm tra tại huyện Đắk Glei đã tiến hành tổng hợp số liệu, theo đó, tại hiện trường ghi nhận 43 gốc cây gỗ bị cắt hạ, khối lượng tính sơ bộ ban đầu 122,334m3 gỗ quy tròn chủng loại gỗ nghi là Giổi (nhóm III), Thông Nàng (nhóm IV) và một số cây gỗ chưa xác định được chủng loại; gỗ không thuộc loài nguy cấp quý hiếm; toàn bộ số gỗ còn nguyên tại hiện trường.

Theo ghi nhận sơ bộ ban đầu, tại hiện trường các thân cây gỗ đã cũ, không còn lá trên cành, vỏ thân cây đã khô, bong tróc, một số đã hư mục, một số cây rỗng ruột, có dấu vết cắt chéo trên các thân cây, chưa xác định được thời gian bị cắt hạ. Trong đó: Tại hiện trường Tiểu khu 114 phát hiện tại Lô 05, Khoảnh 2, Tiểu khu 114 có 01 gốc cây gỗ bị chặt hạ, khối lượng 2,683m3 gỗ tròn, chủng loại gỗ nghi là Thông Nàng (nhóm IV); gỗ không thuộc loài nguy cấp quý hiếm. Tại hiện trường Tiểu khu 119 phát hiện tại Lô 05, Khoảnh 2, Tiểu khu 119; Lô 06, Khoảnh 2, Tiểu khu 119; Lô 07, Khoảnh 2, Tiểu khu 119; Lô 07, Khoảnh 3, Tiểu khu 119; Lô 02, Khoảnh 5, Tiểu khu 119; Lô 03, Khoảnh 7, Tiểu khu 119 và Lô 05, Khoảnh 2, Tiểu khu 119 có 42 gốc cây gỗ bị chặt hạ, khối lượng 119,651m3 gỗ tròn, chủng loại gỗ nghi là Giổi (nhóm III), Thông Nàng (nhóm IV) và một số cây gỗ chưa xác định được chủng loại; gỗ không thuộc loài nguy cấp quý hiếm.

Tại hai huyện Sa Thầy và Ia H’Drai, số liệu gỗ bị cắt xẻ vẫn đang tiếp tục được tổng hợp.

Hiện vụ việc đang được các cơ quan chức năng hoàn tất thủ tục hồ sơ để xử lý theo quy định của pháp luật.