Nguy cơ tái bùng phát đại dịch: Thận trọng khi dỡ bỏ hạn chế

Mặc dù nhiều quốc gia đã kiểm soát được đại dịch COVID-19 và tình hình ở nhiều nơi được cải thiện, song thế giới vẫn phải đối mặt với nguy cơ tái bùng phát, do các chủng virus mới nguy hiểm hơn vẫn tiềm tàng khả năng xuất hiện. Thận trọng khi dỡ bỏ các hạn chế phòng dịch, vì vậy, vẫn luôn thật cần thiết.

Tất cả các hoạt động tập trung đông người tại Iceland sẽ không còn bị hạn chế. (Ảnh minh họa: icelandmonitor.mbl.is)

Nhiều quốc gia đã “mở cửa” và chấp nhận mạo hiểm với COVID-19

Có thể thấy ngay từ đầu năm nay, một số quốc gia trên thế giới đã bắt đầu nới lỏng các hạn chế phòng chống đại dịch COVID-19. Đặc biệt, thời gian gần đây, một số quốc gia đã áp dụng nới lỏng mạnh hơn, thậm chí dỡ bỏ phần lớn hoặc hoàn toàn các hạn chế này.

Đáng chú ý, Iceland đã trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên dỡ bỏ tất cả hạn chế trong nước khi ngày 25/6 cho biết sẽ chấm dứt tất cả các biện pháp kiểm soát dịch được áp đặt trước đó trên toàn quốc. Theo đó, những quy định về giãn cách xã hội, đeo khẩu trang, hạn chế tập trung đông người được dỡ bỏ, trong khi các quán bar, nhà hàng cũng được mở cửa trở lại như bình thường từ ngày 26/6. Quyết định dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp hạn chế được lên kế hoạch từ trước đó sau khi Iceland đạt được những tiến bộ trong chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, 75% dân số trên 16 tuổi tại nước này đã được tiêm chủng ít nhất 1 mũi.

Đặc biệt, nước Anh đã trở thành một trường hợp thử nghiệm toàn cầu về cách quốc gia đối phó với biến thể Delta trong khi cố gắng mở cửa lại nền kinh tế. Chính phủ Anh đã dỡ bỏ hoàn toàn lệnh phong tỏa nhằm kiểm soát dịch COVID-19 vào ngày 19/7 vừa qua, với kỳ vọng nền kinh tế nước này sẽ phục hồi. Theo đó, kể từ ngày 19/7, hầu như tất cả các hạn chế ở vùng England sẽ được dỡ bỏ. Quy định bắt buộc đeo khẩu trang sẽ không còn nữa, giới hạn về số người có thể tụ tập trong nhà hoặc ngoài trời sẽ chấm dứt, giãn cách xã hội chỉ được áp dụng với những người có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 và tại sân bay. Các địa điểm khác như câu lạc bộ đêm hay sân vận động sẽ được tự do mở cửa để hoạt động hết công suất. Trong khi các cố vấn khoa học của chính phủ cho rằng Anh có thể sẽ trải qua làn sóng dịch thứ ba vào giữa tháng 8 khi các ca mắc mới có thể lên tới 100.000 ca/ngày trong vài tuần thì Chính phủ nước này vẫn quyết định dỡ bỏ các biện pháp hạn chế phòng dịch theo kế hoạch do các tiêu chí để mở cửa trở lại đều được đáp ứng, đặc biệt các ca nhập viện và tử vong do COVID-19 đều giảm nhờ vào hiệu quả của chương trình tiêm chủng.

Không những thế, truyền thông Anh ngày 27/7 tiếp tục cho biết nước này sẽ bỏ hạn chế đối với những người được tiêm chủng đầy đủ và mở cửa lại biên giới cho du khách châu Âu và Mỹ từ tháng 8. Theo báo chí Anh, Thủ tướng Boris Johnson đã quyết định rằng, kể từ ngày 16/8, những người đã được tiêm chủng đầy đủ sẽ không phải làm xét nghiệm dẫu cho họ tiếp xúc với người mắc bệnh, trừ khi họ có các triệu chứng. Với số ca mắc COVID-19 giảm nhiều ngày liên tiếp, ông Boris Johnson cũng đã quyết định mở cửa trở lại cho khách du lịch nước ngoài từ EU và Bắc Mỹ đã được tiêm phòng đầy đủ.

Tại Mỹ, với việc chính quyền Tổng thống Joe Biden đẩy nhanh tiêm phòng vaccine phòng COVID-19, nhiều tiểu bang cũng đã gỡ bỏ các hạn chế, xóa bỏ yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang và cho phép các doanh nghiệp mở cửa trở lại. Trong tháng 6, California – tiểu bang đông dân nhất nước Mỹ – tuyên bố viêc “tái mở cửa rầm rô”, còn New York City gỡ bỏ gần như toàn bộ các hạn chế, do tỷ lệ tiêm vaccine tại nơi này đã vượt mức 70%…

Còn có thể kể thêm một số quốc gia khác cũng đã triển khai nới lỏng các hạn chế phòng dịch và một số chính phủ nữa cũng đang lên kế hoạch áp dụng nhiều biện pháp nới lỏng, song liệu thực sự việc tạm gác nỗi lo dịch bệnh nhường chỗ cho tham vọng mở cửa nền kinh tế có phải vẫn là quá sớm, quá nhanh !?

Nhưng thế giới có đang “mạo hiểm” với sinh mạng của chính mình hay không ?

Thực tế cho thấy kể từ khi Hà Lan đẩy sớm việc mở cửa trở lại, bãi bỏ đeo khẩu trang tại hầu như toàn bộ các địa điểm, và thanh niên được khuyến khích sinh hoạt ngoài trời trở lại thì các ca lây nhiễm đã tăng mạnh, lên mức cao nhất kể từ tháng 12. Đến giữa tháng 7, số ca nhiễm COVID-19 tại Hà Lan đã tăng hơn 500%, so với thời điểm Chính phủ dỡ bỏ đa số biện pháp hạn chế hôm 26/6, buộc Chính phủ nước này sau đó phải tái áp đặt các biện pháp hạn chế với hộp đêm, lễ hội, nhà hàng. Các hộp đêm phải đóng cửa ít nhất đến 13/8, trong khi quán bar phải dừng hoạt động từ nửa đêm. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte hôm 12/7 đã bày tỏ lấy làm tiếc vì đã dỡ bỏ hạn chế quá nhanh, đồng thời thừa nhận đây là “nhận định sai lầm” của Chính phủ.

Trong khi đó, số liệu khảo sát của Cơ quan Thống kê quốc gia (ONS) Anh công bố ngày 30/7 cho thấy, sau khi chính phủ nước này nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19, số ca mắc mới ở England đã tăng khoảng 114.500 ca (15,4%) trong tuần kết thúc ngày 24/7. Mặc dù con số này ngược với số liệu do Bộ Y tế công bố về số ca xét nghiệm mỗi ngày, trong đó ghi nhận số ca dương tính giảm đáng kể trong tuần, song các chuyên gia cho rằng con số mà ONS đưa ra đáng tin cậy hơn khi được thu thập trên cơ sở ngẫu nhiên, và việc xét nghiệm hằng ngày không hiệu quả trong phát hiện ca nhiễm mới.

Tại Mỹ, vốn từng là quốc gia dẫn đầu thế giới về số lượng tiêm chủng vào tháng 4, thì gần đây tỷ lệ tiêm chủng lại bắt đầu sụt giảm khi sắp đạt đến khả năng miễn dịch cộng đồng. Tại các bang miền Nam, chưa đến 50% dân số được tiêm mũi vaccine đầu tiên. Dữ liệu của Our World in Data cho thấy khoảng 49% người Mỹ được tiêm đủ 2 liều vaccine, tương đương 163 triệu người. Trong khi đó, các ca nhiễm COVID-19 hàng ngày đang gia tăng trở lại sau khi giảm hồi tháng 5 và tháng 6. Sự gia tăng trở lại này đã nâng tổng số ca nhiễm ở Mỹ lên 35.688.506 ca và 629.064 ca tử vong cho đến hôm nay (31/7).

Thực tế biến thể Delta khiến số ca COVID-19 tăng mạnh này đã buộc Chính quyền liên bang, quan chức địa phương và các doanh nghiệp Mỹ phải áp dụng các biện pháp phòng ngừa y tế trong những ngày gần đây. Chính phủ liên bang Mỹ cũng thắt chặt các quy định về sức khỏe đối với hàng triệu nhân viên. Họ sẽ phải tiêm vaccine, đeo khẩu trang và xét nghiệm thường xuyên, ngay cả những người làm việc tại những khu vực có số trường hợp COVID-19 thấp. Thậm chí, ngày 30/7, Tổng thống Mỹ Joe Biden còn cho biết nước này có khả năng sẽ áp dụng các hướng dẫn hoặc hạn chế mới để đối phó với sự trở lại của COVID-19.

Không thể phủ nhận mong muốn dỡ bỏ các lệnh phong tỏa hoặc hạn chế, trở lại cuộc sống bình thường của một số quốc gia khi họ đạt được bước tiến lớn trong chiến dịch tiêm chủng song thực tế là đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc và các biện pháp hạn chế không nên được nới lỏng quá nhanh.

Thế giới đã trải qua gần hai năm thật dài khi đại dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, làm đảo lộn cuộc sống của người dân, khiến tinh thần của nhiều người trở nên mệt mỏi và một lẽ tự nhiên là mọi người đều muốn thư giãn sau khoảng thời gian thử thách… Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể quên tình huống tương tự đã xảy ra vào mùa hè năm ngoái khi các quy định hạn chế được nới lỏng quá nhanh, và sau đó là sự gia tăng mạnh số ca nhiễm và tử vong tại nhiều quốc gia trên thế giới, khiến các biện pháp phong tỏa lại được tái áp dụng.

Như đánh giá được Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực châu Âu, Tiến sỹ Hans Kluge đưa ra hôm 19/7, sau một năm hệ thống y tế, trường học, các hoạt động đời sống, các nền kinh tế, sức khỏe thể chất và tinh thần phải đối mặt với nhiều sức ép, song chúng ta không thể lặp lại sai lầm tương tự. Quan chức WHO cũng cảnh báo rằng, dù các hoạt động tiêm chủng đang được đẩy mạnh ở khắp châu Âu, tuy nhiên, một phần lớn dân số tại khu vực này vẫn chưa được tiêm chủng, trong khi các biến thể virus có tốc độ lây lan mạnh đang lưu hành.

Trong công bố ngày 27/7, nhóm nghiên cứu tại Đại học East Anglia và Viện Earlham cũng cho rằng việc nới lỏng biện pháp hạn chế lây nhiễm có thể tạo điều kiện cho virus SARS-CoV-2 sản sinh rộng hơn, đột biến mạnh hơn cũng như xuất hiện khả năng kháng vaccine. Nhóm nhà khoa học khẳng định nhân loại đang trong một cuộc “chạy đua vũ trang” chống lại virus SARS-CoV-2 với vũ khí là tiêm chủng vaccine, công nghệ và thay đổi hành vi sinh hoạt. Tuy nhiên, họ cảnh báo rằng virus luôn biến đổi để thích nghi với điều kiện mới.

Gần đây nhất, kết quả mô hình hóa do Viện Khoa học và công nghệ Áo thực hiện trong một nghiên cứu toàn châu Âu cùng Ngân hàng Tây Ban Nha và Trường Y thuộc Đại học Geneva cũng khuyến cáo, các chính phủ nên duy trì những hạn chế chống COVID-19 cho đến khi họ đã tiêm chủng đầy đủ cho dân hoặc đạt miễn dịch cộng đồng để tránh sự gia tăng của các biến thể virus kháng vaccine. Nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, sự phát tán của biến thể Delta khắp châu Âu là bằng chứng cho thấy virus có thể lây lan nhanh chóng ở những người chưa được tiêm chủng, gây áp lực lên các dịch vụ y tế trong nước.

Có thể thấy rằng việc chiến thắng đại dịch chưa bao giờ là một điều dễ dàng và nhanh gọn. Đối với các bệnh truyền nhiễm, việc khống chế và loại bỏ triệt để dịch bệnh lại càng khó và đòi hỏi quyết tâm và sự kiên nhẫn hơn bao giờ hết. Công tác phòng chống dịch, vì vậy, cũng cần thận trọng, không thể thay đổi liên tục theo mong muốn chủ quan của con người. SARS-CoV-2 là một loại virus rất nguy hiểm, không những không tìm ra được nguồn gốc mà còn liên tục đột biến tạo ra các biến thể mới. Công tác phòng chống dịch trên toàn cầu, vì vậy, phải được thắt chặt, và bất kỳ hành động buông lỏng nào cũng đều có thể tạo cơ hội cho virus lây lan, khiến dịch bệnh bùng phát và hoành hành trở lại. Đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc và các biện pháp hạn chế không nên được nới lỏng quá nhanh. Chúng ta cần thận trọng để không lặp lại những sai lầm tương tự trong quá khứ.