Sản xuất lương thực kém hiệu quả làm tăng khí thải và mất đa dạng sinh học

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ), ông António Guterres đã cảnh báo sản xuất lương thực toàn cầu kém hiệu quả là nguyên nhân dẫn đến nạn đói gia tăng, cũng như dẫn đến 1/3 tổng lượng khí thải và 80% mất mát đa dạng sinh học. Ông kêu gọi tất cả các nước chuyển đổi hệ thống lương thực để tăng tốc độ phát triển bền vững.

2,5 triệu người ở Cộng hòa Trung Phi (CAR) đang phải đối mặt với nạn đói. Ảnh: WFP / Bruno Djoye

Theo ông Guterres, có tới 811 triệu người phải đối mặt với nạn đói vào năm 2020 – nhiều hơn 161 triệu người so với năm 2019. Ông Guterres cho biết: “Thế giới đang đi chệch hướng để đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) của LHQ vào năm 2030. Nghèo đói, bất bình đẳng về thu nhập và chi phí thực phẩm cao đã gây ra những hệ lụy và biến đổi khí hậu và xung đột là hậu quả cũng như nguyên nhân của vấn đề trên”.

Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, bà Amina Mohammed nhấn mạnh rằng, việc giải quyết nạn đói ngày càng gia tăng và tình trạng nghèo dinh dưỡng là những thách thức mà cộng đồng quốc tế phải nỗ lực vượt qua.

Bà Mohammed hoan nghênh việc 145 quốc gia đã tổ chức các cuộc đối thoại quốc gia để đưa ra quyết định về hệ thống lương thực bền vững vào năm 2030. Những cuộc đối thoại này được tổ chức theo hình thức các cuộc họp trực tuyến thường xuyên, diễn đàn công khai và khảo sát thanh niên, nông dân, người dân bản địa, xã hội dân sự, các nhà nghiên cứu, khu vực tư nhân, các nhà lãnh đạo chính sách và các bộ trưởng nông nghiệp, môi trường, y tế, dinh dưỡng và tài chính.