Làng giấy Dương Ổ – Bao giờ mới hết ô nhiễm?

ThienNhien.Net – Dương Ổ cũng như bao làng nghề khác của Việt Nam, đang chuyển mình trong nền kinh tế mở. Làng Dương Ổ, thuộc xã Phong Khê, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh xưa nổi tiếng với nghề làm giấy gió, giờ đã chuyển sang làm giấy tái chế. Những mái nhà cũ kỹ được thay dần bằng những ngôi nhà cao tầng khang trang. Cuộc sống đã đổi thay, nhưng người dân nơi đây vẫn đau đáu một nỗi lo. Đó là nỗi lo ô nhiễm.

Đổi thay

Nghề giấy dó cổ truyền của Dương Ổ không biết có tự khi nào, chỉ biết rằng cuốn gia phả họ Ngô, cổ nhất làng đã được viết trên giấy dó từ giữa thế kỷ 15, nay vẫn còn lưu giữ.

Giấy dó được sản xuất từ nguyên liệu gốc là vỏ cây dó, được giã thủ công và làm thành giấy với kĩ nghệ gia truyền. Trước đây, sản phẩm chính của làng là giấy bản và giấy dó dùng để viết, vẽ tranh, làm hàng mã, làm ngòi pháo, áo pháo lưu hành khắp vùng. Tuy nhiên, giấy dó là loại giấy đặc biệt, phải mua nguyên liệu từ vùng rừng núi, sản xuất thủ công, giá thành cao nên chỉ làm theo đơn đặt.

Khoảng năm 1993, nghề giấy Dương Ổ phát triển cực thịnh do nhu cầu thị trường lớn phục vụ làm pháo. Nhưng ngay sau đó, lệnh cấm đốt pháo (1994) đã làm cho phần lớn gia đình trong làng lao đao. Sản phẩm làm ra không tiêu thụ được. Cuộc sống của người dân khó khăn.

Một số gia đình đã tìm hướng đi riêng, chuyển sang sản xuất giấy tái chế. Dựa trên kinh nghiệm sẵn có kết hợp với nhu cầu mới này sinh, người dân đã tìm tòi học hỏi và đầu tư công nghệ sản xuất giấy từ giấy loại. Từ hộ Ông Nguyễn Văn Năng là hộ đầu tiên sản xuất giấy bằng máy đến nay cả xã đã có 180 cơ sở sản xuất với hơn 200 dây chuyền.

Sản phẩm giấy của Phong Khê khá đa dạng với các loại giấy khác nhau như giấy ăn, giấy viết, giấy bìa, giấy vệ sinh…Nguồn nguyên liệu chủ yếu phục vụ cho quá trình sản xuất tại địa phương là giấy loại thu mua chủ yếu từ Hà Nội và các tỉnh thành lân cận.

Năm 2003, khoảng 60 cơ sở sản xuất đã được tập trung vào cụm công nghiệp với diện tích khoảng 12,6 ha.

Rước về ô nhiễm

Quá trình tái chế nói chung gây nhiều ô nhiễm nếu không được quản lý tốt, từ khâu thu mua, vận chuyển đến phân loại, xử lý… Ở Dương Ổ, các lò sấy khô giấy chủ yếu sử dụng than. Với 200 dây chuyền sản xuất hoạt động liên tục, mỗi ngày làng Dương Ổ đốt hết khoảng 500 tấn than, thải trực tiếp vào không khí.

Bên cạnh đó, người dân còn sử dụng hóa chất trong quá trình tẩy trắng, làm mềm giấy như xút, nhựa thông, phèn chua và đủ các loại phẩm màu. Dòng nước thải sau đó cứ vô tư đổ về dòng mương chảy qua làng chẳng hề qua công đoạn xử lý sơ bộ nào.

Nếu tính đơn giản cứ mỗi dây chuyền sản xuất thải ra 3m3/ngày thì 200 dây chuyền sản xuất thải ra hơn 600m3. Qua nhiều ngày tích tụ lại, có thể tưởng tượng rằng dòng kênh ấy đen và hôi thối ra sao, nhất là những ngày oi ả.

 Dương Ổ
Rác chất cao như núi.

Lại nói về rác ở Dương Ổ, cũng bức xúc chẳng kém. Từ đầu làng tới cuối làng, đâu đâu cũng lù lù những đống to đống nhỏ rác. Rác cuốn theo gió, cuốn vào bánh xe bay khắp các xó xỉnh.

Ông Lê Văn Bấc – PCT xã cho biết: “Làng có bãi rác khoảng 2 ha để chứa rác thải nhưng quản lý vẫn chưa tốt”. Vì vậy, vẫn mạnh ai nấy đỏ, vung vãi khắp làng.

Mục sở thị bãi rác của làng, tôi xác nhận quả thực có một bãi rác ở đó, cách nhà dân chưa đầy 400m, “tọa” ngay sát con sông Ngũ Huyện Khê và hiện đang quá tải.

Chất lượng cuộc sống – cải tiến hay cải lùi

Đến Phong Khê bây giờ bạn có thể thấy được những tòa nhà cao tầng mọc lên ngày càng nhiều. Điều kiện vật chất ngày càng đầy đủ song điều đó không có nghĩa bà con Phong Khê nói chung và Dương Ổ nói riêng đang có một cuộc sống tốt.

Theo kết luận của Sở KHCN-MT tỉnh Bắc Ninh, do nguồn nước, bầu không khí ô nhiễm nên ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân là không tránh khỏi.

Bác sĩ Lê Ngọc Long – trạm trưởng trạm y tế xã Phong Khê cho biết “Những năm gần đây tỉ lệ người mắc các bệnh về đường hô hấp, bệnh ngoài da …tăng cao.Cứ 100 người đến khám thì có 50% là trẻ em”. Ngồi trong căn trạm y tế nhỏ chừng 30 phút, tôi thấy chóng mặt vì kẻ ra người vào khám bệnh liên tục.

Tại cánh đồng đầu làng, cụm công nghiệp giấy Phong Khê tập hợp hơn 60 xưởng, mỗi năm làm ra hơn 40.000 tấn giấy các loại, từ giấy ăn, giấy vệ sinh đến giấy vàng mã, vốn mỗi doanh nghiệp ít cũng từ vài tỉ đến vài chục tỉ đồng.

Nhưng đối nghịch với sự thịnh vượng giàu có ấy, môi trường địa phương ngày càng xuống cấp, sức khỏe người dân ngày càng bị đe dọa nghiêm trọng. Dường như chính quyền và người dân nơi đây chưa ý thức được rằng những “thành tựu” hôm nay mà họ có được sẽ phải trả bằng một cái giá đắt hơn gấp bội phần trong ngày mai.

Giấy dó Phong Khê từng là niềm tự hào của người dân Bắc Ninh nói riêng và cả miền Bắc nói chung. Nhưng dường như người dân nơi đây đang đánh mất đi niềm tự hào cũng như hủy hoại sức khỏe của chính mình.

Đường làng bụi mù mịt, tấp nập xe tải vào ra. Tiếng máy nghiền giấy chạy ầm ầm suốt ngày đêm…