Quảng Nam: “Mạnh tay” loại 4 dự án thủy điện tác động lớn đến môi trường và đất, rừng

Quảng Nam đã thống nhất loại 4 dự án thủy điện chưa cấp quyết định chủ trương đầu tư với công suất thiết kế 49,4MW ra khỏi quy hoạch. Đây là những dự án có công suất nhỏ nhưng tác động lớn đến môi trường và đất, rừng các loại.

Mới đây, HĐND tỉnh Quảng Nam thống nhất đưa ra khỏi quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ đối với 4 dự án thủy điện, gồm: A Vương 4 (công suất 10MW), Sông Bung 3 (công suất 16MW), Đăk Di 4 (công suất 19,2MW), A Banh (công suất 4,2MW).

Việc loại bỏ 4 dự án thủy điện trên là do các dự án có quy mô công suất nhỏ, diện tích chiếm đất lớn, không có hiệu quả kinh tế, tác động lớn đến môi trường và đất, rừng các loại; chậm triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư theo quy định, gây bức xúc trong dư luận, làm ảnh hưởng đến công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng có liên quan.

thủy điện Nước Chè ở huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam thi công dang dở gây nhiều hệ luỵ cho người dân

Ngoài ra, đối với 2 thủy điện Chà Vàl và Đăk Pring 2, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hoàn chỉnh các thủ tục thu hồi chủ trương đầu tư và sẽ trình HĐND tỉnh xem xét loại khỏi quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ trong thời gian đến.

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, đến nay, quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh có 36 dự án với tổng công suất 611,96MW; điện lượng bình quân 2.175,09 triệu kWh/năm.

Tính đến ngày 10/7/2021, 13 công trình đã phát điện với công suất thiết kế 215,96MW, bao gồm: Sông Cùng (1,3MW), Đại Đồng (0,6MW), Khe Diên (15MW), Za Hung (30MW), Trà Linh (7,2MW), An Điềm 2 (15,6MW), Tà Vi (3MW), Đăk Mi 4C (18MW), Sông Bung 4A (49MW), Đăk Sa (1,96MW), A Vương 3 (4,8MW), Đăk Pring (7,5MW), Sông Tranh 3 (62MW); 7 công trình đang thực hiện đầu tư xây dựng với công suất thiết kế 172,4MW.

Theo ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, thời gian qua, việc đầu tư xây dựng và vận hành khai thác các dự án thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh đã góp phần thúc đẩy và phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, đem lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước, cải thiện đời sống của người dân vùng núi qua việc được nhận khoán bảo vệ rừng từ nguồn thu Dịch vụ chi trả môi trường rừng của các nhà máy thủy điện.

Quảng Nam là một trong những địa phương có thủy điện được phê duyệt nhiều nhất cả nước

Tuy nhiên, một số dự án sau khi có chủ trương cho phép nghiên cứu, được sung quy hoạch thì một số nhà đầu tư đã chậm triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư theo quy định, gây bức xúc trong dự luận, nhân dân; làm ảnh hưởng đến công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khác có liên quan gần khu vực dự án.

Hầu hết các dự án thủy điện đều nằm ở các khu vực miền núi nên ít nhiều đều có tác động đến các loại đất rừng, rừng. Một số diện tích đất khai hoang cấp cho dân từ chủ đầu tư các dự án thủy điện rất xấu, sản xuất hiệu quả thấp. Người dân tái định cư được tham gia và hưởng lợi từ việc chăm sóc, bảo vệ rừng nhưng thu nhập cũng chưa cao….