Thái Nguyên: “Nhường” đất lúa, đất rừng làm sân chơi nhà giàu?

Hai nhiệm kỳ qua, tỉnh Thái Nguyên có chục dự án sân golf mang tầm cỡ quốc tế, được khảo sát, lập quy hoạch, có dự án đang chờ phê duyệt.

Nếu tất cả dự án sân golf được hoàn tất và đưa vào sử dụng nhiệm kỳ 2021-2025, nó sẽ giúp Thái Nguyên trở thành “thủ phủ golf” để phục vụ những người thuộc tầng lớp có thu nhập cao, sân chơi của giới nhà giàu.

Những sân golf tại Thái Nguyên đã được đề xuất vào quy hoạch gồm: Sân Golf Long Sơn (Lương Sơn, TP Thái Nguyên), Sân Golf Yên Bình (huyện Phú Bình và huyện Phổ Yên); Sân Golf Hồ Núi Cốc (xã Quyết Thắng, TP Thái Nguyên); Sân Golf Phú Đình (xã Phú Đình, huyện Định Hoá); Sân golf hồ Núi Cốc (xã Phúc Trìu, TP Thái Nguyên) và mới nhất là Sân golf DanKo tại hồ Ghềnh Chè (TP Sông Công); Sân golf MDA E&C tại hồ Suối Lạnh (TX Phổ Yên)…

Các dự án sân golf Thái Nguyên đều có quy mô lớn, với rất nhiều tiện ích dành cho người sử dụng, theo chuỗi khép kín như “Tổ hợp sân Golf, Khu du lịch sinh thái, biệt thự nghỉ dưỡng”. Vì thế, nó cũng là những dự án chiếm nhiều diện tích đất nông nghiệp, mà chủ yếu là đất ruộng, đất màu, đất rừng sản xuất và cả đất rừng phòng hộ, đất ở.

Riêng tại Dự án sân golf Hồ Núi Cốc, diện tích đất rừng phòng hộ nằm trong quy hoạch dự án này là khoảng 80ha. Còn đối với dự án sân golf 36 lỗ Yên Bình thì có cả trăm ha đất lúa và đất rừng sản xuất…

Trong giai đoạn chưa thể làm được sân golf, Doanh nghiệp và nhà quy hoạch đã quy hoạch theo hướng Khu thể dục thể thao nghỉ dưỡng phục vụ công cộng, hay Khu du lịch sinh thái để có được sân tập golf như: Khu sinh thái An Bình, có quy mô 12 ha, được bao quanh bởi dòng sông Công thơ mộng và dòng suối La Đà ngay xã Thịnh Đức, TP. Thái Nguyên và điểm nhấn ở đây là một sân golf có diện tích khoảng 4 ha, bao gồm sân tập và sân trải nghiệm…

Sân tập golf An Bình cách trung tâm TP Thái Nguyên khoảng 10 km, đã đáp ứng tốt nhu cầu trải nghiệm môn thể thao của người khấm khá tại Thái Nguyên. Ảnh TL

Còn trong Quyết định phê duyệt số 2012/QĐ-UBND ngày 18/5/2020 của UBND huyện Phú Bình, ngay tên gọi đã được dùng thuật ngữ mềm mại như: Khu thể dục thể thao phục vụ công cộng Núi Ngọc. Bao gồm các khu tập luyện thể dục thể thao, các công trình phục vụ thể thao (văn phòng, nhà hàng, nghỉ dưỡng, khách sạn…) và các khu chức năng có liên quan trên quy mô diện tích 176,6 ha, thấp hơn quy hoạch cũ của Dự án Sân golf Yên Bình, đã được UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt quy hoạch chi tiết khoảng 3,4 ha.

Ở đây, người làm quy hoạch không nói đến sân golf, chỉ khi người đọc nhìn kỹ vào biểu chi tiết thể hiện trên quy hoạch như: Diện tích khu sân là 471.540m2, chưa kể đất cây xanh, cảnh quan mặt nước là 638.800m2, khu luyện tập cơ bản 120.870m2 hay khu thể thao tập trung 99.570m2… thì nó đã hiển hiện chả khác gì một quần thể sân golf mang tầm cỡ quốc tế?

Hơn nữa, việc Doanh nghiệp cho đặt tên Khu thể dục thể thao phục vụ công cộng Núi Ngọc, nghe đã mềm mại, nên dễ bề được phê duyệt bởi chữ ký của Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Bình, thay vì phải trình dự án này lên đến Chủ tịch UBND tỉnh. Nếu là sân golf mà thu hồi nhiều đất lúa, đất rừng còn phải được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.

Bởi theo quy chuẩn quốc tế, một sân golf 18 lỗ (1 vòng chơi) có diện tích trung bình là 57ha. Một lỗ sẽ bao gồm các khu phát bóng, đường bóng và đồi quả, các chướng ngại vật khác. Với sân golf nam độ dài sẽ khoảng từ 6.500 đến hơn 7.000 thước Anh, đây là tổng khoảng cách từ điểm phát bóng đến lỗ golf của cả 18 lỗ.

Chúng ta đều biết, ở trong nước hay ngoài nước, môn thể thao golf chỉ để phục vụ những người có nhiều tiền đến chơi, thư giãn hoặc mua đất tích giữ, hay xây biệt thự để nghỉ dưỡng.

Sân golf Đại Lải cách TP Thái Nguyên 45 km, là điểm đến ưu thích của người dân Thái Nguyên và các tỉnh trong Khu vực Việt Bắc muốn trải nghiệm môn thể thao thư giãn này. Ảnh VB.

Chỉ theo mức phí công khai được sân golf Vân Trì (xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội) đưa ra tại thời điểm hiện tại, với mỗi năm người chơi golf phải chi là 132 ngàn USD, tương đương 3.075.600.000 đồng với cá nhân; hay với thẻ công ty ghi danh một người, hai người và ba người lần lượt là: 3.690.720.000 đồng, 6.643.296.000 đồng, 9.964.944.000 đồng, với mức giá chơi như trên, người ta gọi môn golf là sân chơi đẳng cấp, giới nhà giàu hay là môn thể thao quý tộc cũng rất đúng.

Mỗi sân golf, hay là Tổ hợp thể thao dịch vụ công cộng là một cuộc thu gom, giải phóng mặt bằng đất lúa, đất rừng cực lớn, sẽ có nhiều hộ gia đình mất đất trồng cấy vĩnh viễn. Người nào may mắn sẽ được tuyển dụng làm thuê nhặt bóng, lái xe điện, bảo vệ… tại sân golf, còn phần nhiều sẽ bị tha phương cầu thực, mất ổn định cuộc sống.

Chẳng hạn tới đây, khi doanh nghiệp tiến hành đền bù, giải phóng mặt bằng theo quy hoạch Khu thể dục thể thao phục vụ công cộng Núi Ngọc, sẽ mất 176,6 ha đất trồng cấy của nông dân các xã Điềm Thụy, Nga My, Úc Kỳ (huyện Phú Bình), sẽ buộc nhiều hộ phải làm nghề khác kiếm sống bởi “miệng ăn núi lở”, số tiền bồi thường giải phóng mặt bằng dù dè xẻn cũng chẳng sinh tồn được mấy năm…

Nhiều người dân lo lắng cho rằng; việc nhường ruộng, rừng để làm các khu công nghiệp, hay cụm công nghiệp thì dân rất hưởng ứng, bởi sau giải phóng mặt bằng, có nhà máy xí nghiệp mọc lên, thì con em những người nông dân mất đất lúa, đất rừng sẽ có cơ hội việc làm khác, có thu nhập ổn định hơn là nhường đất cho dự án sân golf, hay tổ hợp vui chơi nghỉ dưỡng của nhóm người giàu.

Theo Quyết định số 1946/QĐ-TTg ngày 26/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ (Về việc phê duyệt Quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020), có quy định “sân golf không được sử dụng đất rừng, đất lúa” đã được ghi rõ tại điểm d, mục 2, Điều 1 là: “Các dự án sân golf không được sử dụng đất lúa, đất màu và đất quy hoạch xây dựng khu công nghiệp; khu đô thị; đất rừng (đặc biệt là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng);”. Nội dung này tiếp tục được Thủ tướng Chính phủ nhắc lại trong Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 18/4/2012.

Văn bản của Chính phủ để bảo vệ đất trồng lúa, màu, nương rẫy với mục đích đảm bảo an sinh lâu dài cho người dân. Thế nhưng, những nhà quy hoạch và một số doanh nghiệp đã, đang khéo léo vượt qua, để cố gắng giúp Thái Nguyên trở thành tỉnh dẫn đầu về Khu thể thao, sân golf, sân tập golf trong khu vực.

Thiết nghĩ, câu chuyện “nhường” đất rừng, đất lúa, đất ở… để làm sân golf trong nhiệm kỳ mới 2021-2025 tại Thái Nguyên, rất cần có sự đánh giá kỹ lưỡng cả về khoa học và thực tiễn để đảm bảo quyền, lợi ích lâu dài của số đông người dân, thay vì làm theo lợi ích hay sở thích của một nhóm người.