ThienNhien.Net – Gỗ sưa là mặt hàng quý hiếm, giá cả nhảy vọt một cách chóng mặt, gây biết bao phiền toái cho hoạt động quản lý, từ quản lý khai thác, vận chuyển, mua bán đến quản lý hành chính. Thế nhưng, tới nay vẫn nhiều người nhận diện sai loài cây mà giá bán tính theo ký này.
Sưa rừng

Từ năm 2000, ở Quảng Bình đã bắt đầu có hiện tượng khai thác trái phép, vận chuyển và mua bán lén lút gỗ huê. Vào thời điểm đó, cán bộ kiểm lâm Quảng Bình xử lý các vụ việc đều gọi tên cây là “huê mộc” và tên sản phẩm là “gỗ huê”. Mãi về sau, khoảng năm 2005 – 2006, huê mộc mới được xác định là sưa, và để phân biệt với nhiều loại sưa theo cách gọi từng vùng miền, nó được định danh sưa Bắc bộ, với tên khoa học là Dalbergia tonkinensis Prain, thuộc họ đậu – fabaceae.
Sưa còn có tên là sưa đỏ, huê mộc vàng (Bắc bộ), huê mộc (Quảng Bình), trắc thối, huỳnh đàn (Nam Trung bộ và Tây Nguyên). Cây phân bố rải rác ở rừng ẩm thường xanh mưa mùa nhiệt đới, từ Tây Nguyên ra tới Tây Bắc, tập trung nhất là ở Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình).
Đây là một loài cây gỗ rừng quý hiếm được ghi ở nhóm 1A trong danh mục đính kèm của nghị định 48/2002/NĐ-CP và sau này là Nghị định 32/2006/NĐ-CP về quản lý, bảo vệ các loài động, thực vật quý hiếm. Nó cũng được ghi ở Sách đỏ Việt Nam, phần Thực vật, năm 1996 và mới đây năm 2008, ở tình trạng V (vulnerable: sẽ nguy cấp). Trong Danh sách đỏ các loài bị đe doạ của Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) năm 2012, nó cũng được xếp ở cấp V.
Sưa phố

Thật ra, sưa là loài cây khá quen thuộc với người Hà Nội, bởi là loài cây được trồng khá phổ biến ở nhiều đường phố, công viên từ rất lâu. Người Hà Nội từng nhầm lẫn nó với cây thàn mát (Millettia ichthyotona Drake) nên gần đây, cơ quan quản lý cây xanh Hà Nội đã đóng bảng tên cho sưa là “sưa đỏ” và cho thàn mát là “sưa trắng”.
Nhiều thành phố ở Bắc bộ và Trung bộ cũng từng dẫn giống sưa từ Hà Nội về trồng làm cây xanh đường phố, công viên và vẫn có sự đánh đồng giữa hai loài sưa và thàn mát. Huế là một ví dụ điển hình: khoảng năm 2004, trung tâm Công viên cây xanh Huế đã triển khai trồng sưa trên một số tuyến phố (Nguyễn Đình Chiểu, Lê Quý Đôn, Nguyễn Tất Thành…), và đến bây giờ trên các tuyến phố ấy vẫn có sự đan xen của sưa và thàn mát.
Sưa vườn

Không hiểu vì sao ở nước ta loài sưa vườn chỉ thấy ở Quảng Nam. Đây là một loài độc đáo chưa được ghi vào danh lục thực vật Việt Nam, chưa từng xuất hiện trong các tài liệu chính thống về hệ thực vật Việt Nam như Cây cỏ Việt Nam (Phạm Hoàng Hộ, 1991), Cây gỗ Việt Nam (Trần Hợp, 2002), Danh lục các loài thực vật Việt Nam (trung tâm Nghiên cứu tài nguyên và môi trường – đại học Quốc gia Hà Nội và viện Sinh thái – tài nguyên sinh vật – trung tâm Khoa học tự nhiên và công nghệ quốc gia, 2003), Sách đỏ Việt Nam (bộ Khoa học và công nghệ 2008)…
Sưa vườn là cách gọi của người Quảng Nam, thật ra nó là một loài không cùng chi với sưa, mà qua nghiên cứu chúng tôi xác định được tên khoa học của nó là Pterocarpus echinatus Pers., tức “giáng hương cầu gai”. Đây là loài có quan hệ rất gần gũi với giáng hương Ấn, chỉ khác ở chỗ vỏ quả có nhiều lông gai. Nó cũng có dạng lá kép, hoa vàng như giáng hương và giáng hương Ấn, vì thế có người cho nó cái tên khác nữa là “sưa hoa vàng”.
Qua tìm hiểu, chúng tôi biết được ngày trước cây chỉ xuất hiện ở một vài nơi đất công với tên gọi là sưa, từ khi người dân chặt nhánh làm trụ cho cây leo nông nghiệp trong vườn nhà, cây sưa này bén rễ tái sinh thành cây mới thì tên “sưa vườn” bắt đầu xuất hiện. Tuy thế, những thợ mộc kinh nghiệm gọi nó là “hương vườn” vì cho rằng gỗ của nó rất giống gỗ giáng hương. Ngày nay, đến Quảng Nam, đi từ thành phố Tam Kỳ lên huyện Tiên Phước, chúng ta sẽ bắt gặp rất nhiều tụ điểm sưa vườn này.
Giáng hương cầu gai là loài cây gỗ quý đa chức năng, có thể sử dụng làm nguyên liệu trồng rừng, trồng tôn tạo cảnh quan, trồng phòng hộ. Hiện giáng hương cầu gai đang lọt vào tầm ngắm của các nhà chơi cây cảnh, cũng là đối tượng được thương lái dùng “đánh lận con đen” khi vận chuyển gỗ sưa bằng cách trà trộn gỗ sưa vườn với gỗ sưa kèm theo chứng từ gỗ sưa vườn mà địa phương vô tình cấp cho. Vì thế, các nhà khoa học cần vào cuộc để tư vấn cho Nhà nước có chủ trương đúng đắn về việc quản lý và bảo tồn loài giáng hương cầu gai.