Kích thước cơ thể con người được định hình bởi khí hậu

Nghiên cứu mới kết hợp dữ liệu từ hóa thạch với các mô hình khí hậu, tiết lộ ảnh hưởng của khí hậu lên kích thước cơ thể và bộ não con người.

Trong quá trình tiến hóa, con người gia tăng kích thước cơ thể và não bộ. Loài của chúng ta, Homo sapiens, là một phần của chi Homo và xuất hiện cách đây khoảng 300.000 năm. Chúng ta lớn hơn nhiều so với các loài Homo trước đó và có bộ não lớn gấp ba lần con người sống cách đây một triệu năm.

Đã có nhiều tranh luận về những yếu tố nào khiến con người tiến hóa theo cách này, và mới đây, một nhóm nghiên cứu từ Đại học Cambridge, Anh và Đại học Tübingen, Đức đã kết hợp dữ liệu về hơn 300 hóa thạch người từ giống Homo với các mô hình khí hậu để xác định vai trò của yếu tố khí hậu trong sự phát triển của con người. Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature Communications.

Những hóa thạch người này minh họa sự biến đổi về kích thước não (hộp sọ) và cơ thể (xương đùi) liên quan đến các yếu tố môi trường. Hộp sọ từ trái qua: Người Neanderthal (55.000 năm tuổi), được phát hiện ở Israel; Homo sapiens (32.000 năm), phát hiện ở Pháp; Người Homo Pleistocen giữa, (430.000 năm), ở Tây Ban Nha.

Nhóm nghiên cứu đã xác định nhiệt độ, lượng mưa và các điều kiện khí hậu khác mà mỗi hóa thạch đã từng trải qua khi còn sống; và từ đó tìm thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa nhiệt độ với kích thước cơ thể, cho thấy khí hậu là động lực quan trọng của kích thước cơ thể con người trong quá trình tiến hóa.

“Càng lạnh, kích thước con người càng lớn”, Tiến sĩ Manuel Will, nhà nghiên cứu tại Đại học Tübingen và là đồng tác giả nghiên cứu mới, cho biết. “Với cơ thể lớn hơn, con người tạo ra nhiều nhiệt hơn đồng thời ít mất nhiệt”.

Mối quan hệ giữa khí hậu và khối lượng cơ thể như vậy phù hợp với quy tắc Bergmann – quy tắc này dự đoán rằng trọng lượng cơ thể sẽ trở nên lớn hơn trong môi trường lạnh hơn và giảm đi trong môi trường ấm. Điều này được quan sát thấy ở các loài động vật như gấu – chẳng hạn như gấu bắc cực sống ở Bắc Cực, nặng hơn rất nhiều so với gấu nâu sống ở vùng khí hậu tương đối ấm.

“Kết quả không hoàn toàn ngạc nhiên, nhưng thật thú vị khi thấy rằng quá trình tiến hóa của chúng ta không khác nhiều so với các loài động vật có vú khác”, Tiến sĩ Nick Longrich ở Trung tâm Tiến hóa của Đại học Bath Milner, người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết. “Con người phải đối mặt với những vấn đề tương tự về nhiệt độ, vì vậy chúng ta dường như đã phát triển theo những cách tương tự các động vật có vú khác”.

Nghiên cứu mới cũng tìm thấy mối liên hệ giữa kích thước não và khí hậu, nhưng kết quả cho thấy các yếu tố môi trường ảnh hưởng ít hơn đến kích thước não so với kích thước cơ thể.

Kết quả cho thấy không có mối liên hệ giữa kích thước não với nhiệt độ. Thay vào đó, những vùng khí hậu ổn định hơn thường xuất hiện các bộ não với kích thước lớn hơn.

“Khí hậu càng ổn định, thì bộ não càng lớn”, Will nói. “Bạn cần rất nhiều năng lượng để duy trì một bộ não lớn – trong môi trường ổn định, con người có thể tìm thấy nguồn thức ăn ổn định hơn, và có đủ dinh dưỡng để cung cấp năng lượng cho bộ não”.

Ngoài ra “có những yếu tố khác ngoài khí hậu ảnh hưởng đến kích thước cơ thể và bộ não con người – các yếu tố cạnh tranh, xã hội, văn hóa và công nghệ – không được kiểm tra trong nghiên cứu này”, Longrich lưu ý.

Will chỉ ra rằng quá trình tiến hóa vẫn đang diễn ra, và luôn có những yếu tố tác động, nhưng các yếu tốtừ một triệu năm trước khác so với bây giờ. “Quá khứ cho chúng ta manh mối về tương lai, chúng ta có thể học hỏi từ nó, nhưng không thể ngoại suy nó một cách đơn giản”, Will nói. Chẳng hạn, mặc dù hiện tại chúng ta đang thấy rằng khí hậu đang ấm dần lên, nhưng không có nghĩa là cơ thể con người sẽ tiến hóa theo hướng nhỏ lại.