Campuchia cứu hộ cá thể hổ bị 1 người Trung Quốc nuôi nhốt, bẻ răng nanh

Điều kiện nuôi nhốt trong nhà “không phù hợp với các động vật hoang dã”.

Các cơ quan chức năng Campuchia đã tịch thu, cứu hộ một cá thể hổ bị nuôi nhốt trong một biệt thự ở thủ đô Phnom Penh sau khi phát hiện người chủ khoe “thú cưng” này trên mạng xã hội TikTok, hãng tin AFP cho hay.

Người phát ngôn Bộ Môi trường Campuchia, ông Neth Pheaktra cho biết hôm 27-6, giới chức Campuchia đã tịch thu một cá thể hổ đực, nặng 70 kg, 18 tháng tuổi, do một nam giới người Trung Quốc nuôi như thú cưng trong nhà.

Ông Pheaktra cho biết giới chức Campuchia đã bắt đầu điều tra về con hổ này từ khi các hình ảnh về con vật được lan truyền trên TikTok từ cuối tháng 4. Theo thông tin hiện có, cá thể hổ này được công dân Trung Quốc kể trên nhập từ nước ngoài về Campuchia.

Con hồ 18 tháng tuổi bị nuôi làm thú cưng ở Phnom Penh (Campuchia) và người chủ (áo trắng). Ảnh: AFP

“Người dân không có quyền nuôi động vật hoang dã quý hiếm làm thú cưng” – ông Pheaktra nhấn mạnh.

Theo hình ảnh mà Bộ Môi trường Campuchia công bố hôm 27-6, con hổ đã được đưa vào một lồng kim loại lớn để đưa tới Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Phnom Tamao ở ngoại ô Phnom Penh.

Trước đó một ngày, một người dùng Twitter đã chia sẻ hình ảnh chụp từ trên cao cho thấy con hổ này đi lang thang trong một khu vườn ở quận Boeung Keng Kang – khu vực có nhiều biệt thự sang trọng ở thủ đô Phnom Penh.

Lực lượng cứu hộ chuẩn bị cho con hổ vào lồng để đưa tới trung tâm cứu hộ ở ngoại ô Phnom Penh (Campuchia). Ảnh: AFP

Còn hình ảnh về con hổ trên TikTok là do chính người chủ đăng tải. Người đàn ông Trung Quốc này đã đăng hình ảnh con hổ ngồi trên lối vào nhà cùng với một chú chó (cũng là thú cưng), cùng với một đoạn video con hổ được tắm bằng vòi nước.

Tham gia nỗ lực cứu hộ này còn có các thành viên của Wildlife Alliance (tạm dịch là “Liên minh Động vật hoang dã”) – một tổ chức phi chính phủ chuyên về cứu trợ động vật hoang dã. Tổ chức này nhấn mạnh rằng điều kiện nuôi nhốt trong nhà “không phù hợp với các động vật hoang dã”.

Tổ chức này cũng chỉ trích việc cá thể hổ đã bị rút móng vuốt và bẻ răng nanh – “điều làm giảm đáng kể chất lượng sống của con hổ”.