Canh tác nông nghiệp bền vững ở Campuchia

Tại ngôi làng yên bình Prey Veng thuộc xã Srayong, huyện Kulen, tỉnh Preah Vihear của Campuchia, cuộc cách mạng về canh tác bền vững đang diễn ra rộng khắp.

Cơ sở sản xuất phân bón tự nhiên ở tỉnh Preah Vihear, Campuchia. Ảnh: Phnom Penh

Nhận thấy tiềm năng dinh dưỡng của phân động vật, tro, cỏ khô và lá cây đối với cây trồng, ông Chhorn Chhim – một nhà nông có thâm niên hơn 20 năm tại Prey Veng xây dựng một nhà kho ủ phân rộng rãi có thể sản xuất hơn 7 tấn phân bón tự nhiên từ các vật liệu hữu cơ trên.

Được xây dựng với sự hỗ trợ của Quỹ đối tác về các hệ sinh thái trọng yếu (CEPF) tại Campuchia, cơ sở sản xuất phân bón hữu cơ của ông Chhorn Chhim trở thành trung tâm cộng đồng nơi người dân địa phương có thể mang vật liệu tự nhiên đến để nhận thành phẩm phân bón tương ứng đóng góp.

Trò chuyện với tờ Phnom Penh (Campuchia), ông Chhorn Chhim cho biết: “Ban đầu, tôi bắt đầu sản xuất ở quy mô nhỏ trong gia đình. Theo thời gian và sau khi tham gia nhiều khóa đào tạo kỹ thuật khác nhau, tôi bắt đầu sản xuất trên quy mô lớn hơn”.

Mô hình sản xuất phân bón tự nhiên của ông Chhorn Chhim nhanh chóng lan rộng tại Prey Veng và các địa phương lân cận gồm Dong Phlet và Tmat Paeuy, đến nay sản xuất tổng cộng 20 tấn phân bón thân thiện với môi trường này.

Ông Sam Sak – Trưởng thôn Prey Veng cho biết, việc sử dụng phân bón hữu cơ không chỉ góp phần tăng năng suất cây trồng theo hướng bền vững, góp phần bảo vệ môi trường sống mà còn hỗ trợ sức khỏe lâu dài cho người tiêu dùng.

Cạnh đó, nông dân của Prey Veng tích cực tham gia sản xuất lúa hữu cơ thông qua chương trình “Lúa hữu cơ thân thiện với động vật hoang dã” từ năm 2008, theo dự án IBIS Rice do Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã (WCS Campuchia) triển khai.

Ông Phann Sithan – cố vấn kỹ thuật cộng đồng tại WCS Campuchia cho biết, dự án đang được nhân rộng tại nhiều tỉnh thành Campuchia, đặc biệt đối với người sản xuất xung quanh khu bảo tồn.

Nông dân Campuchia tham gia dự án IBIS Rice. Ảnh: Phnom Penh

Theo đó, WCS Campuchia đào tạo nông dân về kỹ thuật trồng lúa và cung cấp các hợp đồng cụ thể để đảm bảo gạo sản xuất ra được mua với giá cao hơn giá thị trường, thường cao hơn 50%.

Theo các quan chức Bộ Môi trường Campuchia, nông nghiệp thân thiện với thiên nhiên hoang dã giúp tăng sản lượng vụ lúa chất lượng cao và lại được giá trên thị trường.

Tuy nhiên, những người đồng ý thực hiện dự án IBIS Rice phải tuân thủ các nguyên tắc: không được phép phá rừng, chặt cây, sử dụng bất kỳ loại thuốc trừ sâu hóa học nào, săn bắt hoặc bẫy động vật hoang dã. Nếu không thực hiện đúng hợp đồng sẽ không nhận gạo sản xuất ra.

Dự án IBIS Rice của WCS sử dụng chuỗi cung ứng bền vững để hỗ trợ việc bảo tồn và bảo vệ động vật hoang dã, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học ở Campuchia nói chung, đồng thời góp phần cải thiện thu nhập cho nhà nông.