Cập nhật Covid-19 ngày 3/6: 7 nước châu Âu cấp hộ chiếu vaccine; Mỹ chuẩn bị chia 80 triệu liều vaccine; Nhật Bản đóng góp ‘khủng’ thứ hai cho COVAX

Theo trang thống kê Worldometers, đến nay, toàn cầu ghi nhận hơn 172,4 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có xấp xỉ 3,7 triệu ca tử vong và hơn 155 triệu bệnh nhân bình phục.

Cập nhật Covid-19 ngày 3/6: 7 nước châu Âu cấp hộ chiếu vaccine; Mỹ chuẩn bị chia 80 triệu liều vaccine; Nhật Bản đóng góp ‘khủng’ thứ hai cho COVAX

* Xét theo khu vực, hiện châu Á đứng đầu với 51.693.565 ca mắc Covid-19, trong đó 694.976 ca tử vong. Trong vòng 24 giờ qua, khu vực này ghi nhận 211.196 ca mắc mới và 4.237 ca tử vong.

Châu Âu đứng thứ hai với 46.711.086 ca mắc và 1.074.551 ca tử vong. Trong vòng 24 giờ qua, châu lục này ghi nhận 51.244 ca mắc mới và 1.372 ca tử vong.

Xếp thứ ba là khu vực Bắc Mỹ với 39.870.847 ca mắc và 899.758 ca tử vong. Trong vòng 24 giờ qua, Bắc Mỹ đã ghi nhận 33.752 mắc mới và 703 ca tử vong.

* Ngày 2/6, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Tổng thống Joe Biden trong tuần này có thể công bố kế hoạch phân phối 80 triệu liều vaccine phòng Covid-19 cho các quốc gia khác trên thế giới. Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ nhấn mạnh Washington sẽ phối hợp với cơ chế COVAX triển khai kế hoạch trên dựa trên khoa học và nhu cầu, không có sự ảnh hưởng chính trị.

Trước đó, Tổng thống Biden cam kết Mỹ sẽ hỗ trợ cho các quốc gia khác 80 triều liều vaccine ngừa Covid-19 đến cuối tháng 6, trong đó có 60 triệu liều vaccine AstraZeneca và 20 triệu liều vaccine của các hãng Pfizer, Moderna hoặc Johnson & Johnson.

* Tại châu Âu

Ngày 1/6, 7 nước châu Âu gồm Bulgaria, Czech, Đan Mạch, Đức, Hy Lạp, Croatia và Ba Lan đã cấp chứng chỉ du lịch Covid-19, hay còn gọi là “hộ chiếu vaccine Covid-19”, đầu tiên của EU, cho phép đi lại xuyên biên giới trong khối 27 thành viên.

Đánh giá về sự kiện trên, thông cáo báo chí của Ủy ban châu Âu nêu rõ: “Hôm nay, Chứng chỉ Covid-19 kỹ thuật số của EU đã đạt được một cột mốc quan trọng khác, với sự ra đời của hệ thống kỹ thuật ở cấp độ Liên minh Châu Âu, cho phép xác minh theo cách an toàn và đảm bảo quyền riêng tư”.

Đức thông báo sẽ dỡ bỏ cơ chế ưu tiên từ ngày 7/6, theo đó toàn bộ công dân từ 12 tuổi trở lên đều được tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19. Trong cuộc họp báo ngày 2/6, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn đã công bố thông tin trên, đồng thời cho biết quyết định này được đưa ra nhằm đảm bảo tiến độ tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 cho công dân nước này.

Ngày 2/6, Bộ trưởng Y tế liên bang Đức Jens Spahn cho biết nước này đã sẵn sàng ứng phó với nguy cơ bùng phát làn sóng lây lan dịch Covid-19 thứ 4 nếu số ca mắc mới bất ngờ tăng giống như hồi mùa Thu năm 2020.

Trong khi đó, Czech cho biết Bệnh viện Đại học Thomayer ở thủ đô Praha sẽ triển khai chương trình tiêm vaccine dành cho người nước ngoài theo hình thức tự trả tiền từ ngày 1/7. Theo đó, người nước ngoài không thuộc diện bảo hiểm y tế công của CH Czech chi trả có thể bắt đầu đăng ký tiêm vaccine ngừa Covid-19 sớm nhất vào giữa tháng 6 và tự chi thanh toán chi phí. Lịch tiêm vaccine diễn ra vào thứ 3 và thứ 5 hàng tuần.

Tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Luxembourg đang có những dấu hiệu tích cực, với việc giảm nhiều ca mắc mới cũng như các trường hợp nhập viện. Do đó, kể từ ngày 13/6, Luxembourg sẽ đưa vào sử dụng CovidCheck như một công cụ cho phép người dân được tự do đi lại. CovidCheck là chứng nhận kỹ thuật số về Covid-19 của nước này, có dạng mã QR được tiêu chuẩn hóa ở cấp độ châu Âu và được công nhận ở tất cả các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU).

Bộ trưởng Y tế Luxembourg, Paulette Lenert cho biết CovidCheck sẽ chứng nhận cho người được cấp theo 3 trường hợp: đã được tiêm chủng ngừa Covid-19; đã xét nghiệm âm tính PCR dưới 72 giờ hoặc xét nghiệm nhanh sau 48 giờ hoặc đã khỏi bệnh. Chứng chỉ sẽ ở dạng giấy hoặc kỹ thuật số, và sẽ được lưu giữ trong điện thoại thông minh. Trong quá trình kiểm soát, nhân viên sẽ đọc nó thông qua một ứng dụng chuyên dụng.

Trong khi đó, chính phủ Hungary mới đây đã công bố kế hoạch sản xuất vaccine ngừa Covid-19 Sinopharm do Trung Quốc phát triển tại nước này. Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho biết sẽ khai trương một nhà máy sản xuất vaccine trị giá 157 triệu Euro (khoảng 193 triệu USD) tại thị trấn Debrecen, miền Đông nước này.

* Tại châu Á

Tại Nhật Bản, một nhóm chuyên gia của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) đã cảnh báo khả năng số ca mắc mới Covid19 ở nước này có thể gia tăng trở lại trong thời gian tới.

Nhóm chuyên gia cho biết hiện nay số ca mắc mới Covid-19 đang có xu hướng giảm ở nhiều khu vực, song lưu lượng người đi lại đang gia tăng khiến tình hình dịch bệnh có nguy cơ nóng trở lại.

Trong bối cảnh Nhật Bản sắp đăng cai tổ chức Olympic và Paralympic Tokyo, nhóm chuyên gia này đã đưa ra một số kế hoạch nhằm đánh giá nguy cơ lây lan dịch Covid-19 liên quan tới các sự kiện thể thao này, đồng thời đề xuất các biện pháp phòng dịch cho các giải đấu. Dự kiến, các đề xuất sẽ được công bố vào tuần tới.

Do lo ngại dịch bệnh Covid-19, hiện gần 10.000 người trong số 80.000 tình nguyện viên đăng ký phục vụ tại các địa điểm thi đấu và làng vận động viên Olympic và Paralympic đã rút lui.

Liên quan đến chương trình COVAX, cơ chế chia sẻ vaccine do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khởi xướng, ngày 2/6, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide tuyên bố sẽ cung cấp thêm 800 triệu USD để hỗ trợ công tác phân phối vaccine ngừa Covid-19 công bằng trên thế giới, qua đó trở thành nước đóng góp lớn thứ hai cho cơ chế này.

Đồng quan điểm, Thủ tướng Hàn Quốc Kim Boo-kyum cho biết nước này cũng có kế hoạch tăng cường đóng góp cho cơ chế COVAX, một nền tảng đa phương nhằm đảm bảo các nước đang phát triển tiếp cận vaccine phòng dịch Covid-19.

Ngày 2/6, Lào đã tiếp nhận lô vaccine ngừa Covid-19 mới từ chương trình COVAX, trong đó có 100.620 liều của vaccine Pfizer/BioNTech.

Theo trang mạng trên, Chính phủ Lào sẽ sử dụng lô vaccine này để tiêm cho 50.300 người trên 60 tuổi và những người có bệnh lý nền. Hoạt động tiêm chủng sẽ bắt đầu tại thủ đô Vientiane và sau đó sẽ được mở rộng sang các khu vực nguy cơ cao khác như tỉnh Bokeo, Champasack và Savannakhet.

Trong khi đó, Giáo sư, Tiến sĩ Adeeba Kamarulzaman, thành viên Hội đồng Khoa học của WHO, dẫn dự báo từ một nghiên cứu cho rằng trong tháng 9/2021, số ca tử vong vì Covid-19 ở Malaysia có thể lên tới 26.000 người, gấp hơn 9 lần tổng số bệnh nhân tử vong vì Covid-19 ở quốc gia Đông Nam Á này cho đến ngày 2/6. Khi đó, Covid-19 sẽ trở thành nguyên nhân gây tử vong lớn thứ 2 ở Malaysia, sau bệnh tim.

Trước nguy cơ trên, Giáo sư Adeeba nhấn mạnh phòng, chống dịch bệnh là chiến trường quan trọng mà mọi người dân Malaysia đều phải tham gia. Bên cạnh chiến dịch tiêm chủng toàn diện, Malaysia cần đề ra một kế hoạch có thể thực sự đem lại hiệu quả.

Cùng ngày, Tập đoàn dược phẩm Sinopharm của Trung Quốc cho biết đủ năng lực cung cấp hơn 1 tỷ liều vaccine ngừa Covid-19 cho thế giới trong giai đoạn 6 tháng cuối năm.

Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Bộ Y tế kêu gọi mỗi người dân:

1. Hạn chế đến nơi công cộng, tụ tập đông người không cần thiết.

2. Không được chủ quan, lơ là. Luôn đề cao cảnh giác phòng chống dịch, khi phát hiện các trường hợp nghi ngờ nhập cảnh trái phép cần lập tức thông báo ngay cho chính quyền địa phương để tổ chức cách ly, xử lý kịp thời.

3. Thực hiện tốt Khuyến cáo 5K: KHẨU TRANG – KHỬ KHUẨN – KHOẢNG CÁCH – KHÔNG TỤ TẬP – KHAI BÁO Y TẾ để phòng, chống dịch Covid-19.

4. Liên hệ với đường dây nóng Bộ Y tế: 1900.9095 để được tư vấn khi cần thiết.

Vì lợi ích của đất nước, cộng đồng và của chính mình, mỗi người dân Việt Nam hãy đồng lòng quyết tâm giữ vững thành quả đã đạt được trong phòng, chống dịch Covid-19!