Muốn bán tín chỉ carbon, trước tiên phải có uy tín về bảo vệ rừng

Quảng Nam vừa được Chính phủ đồng ý thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon (CO2). Đây là tín hiệu vui cả cho sự phát triển kinh tế lẫn công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng.

Một vụ đốt rừng để trồng rừng vừa xảy ra giữa tháng 5.2021 tại huyện Phước Sơn, Quảng Nam. (Ảnh: Huy Kha)

UBND Quảng Nam cho biết, Văn phòng Chính phủ vừa có Công văn gửi cho Bộ NN&PTNT và chính quyền tỉnh này về việc đồng ý cho phép Quảng Nam lập đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon.

Theo Bộ NN&PTNT, mỗi năm Việt Nam có thể bán ra thị trường thế giới 57 triệu tín chỉ carbon. Nếu được giá bán 5 USD/tín chỉ, thì mỗi năm Việt Nam có thể thu về hàng trăm triệu USD.

Trong đó, Quảng Nam với 628.000 ha rừng tự nhiên, mỗi năm có khả năng bán được 1 triệu tín chỉ carbon ra thị trường thế giới. Nếu thành công với đề án này thì bình quân mỗi năm tỉnh này sẽ thu được từ 5 triệu đến 10 triệu USD.

Tín chỉ carbon được xem là “chứng chỉ xanh”, “trái phiếu xanh”, được các doanh nghiệp, các quốc gia trên thế giới mua để bù trừ cho lượng phát thải (khí CO2- khí gây hiệu ứng nhà kính) của mình).

Ngoài ngân sách, nếu bán được tín chỉ carbon, cùng với các khoản thu từ dịch vụ môi trường rừng, Quảng Nam chắc chắn sẽ gia tăng tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, cũng như phát triển rừng gỗ lớn. Hướng đến sản xuất công nghiệp có giá trị gia tăng cao, thay vì duy trì trồng rừng gỗ nhỏ, có giá trị gia tăng thấp, gây trọc hóa, cháy rừng và sạt lở núi… như hiện nay.

Tuy vậy, ngoài những khó khăn về tính pháp lý để được xác nhận, định lượng, công nhận quyền sở hữu tín chỉ carbon, tạo điều kiện giao dịch, mua bán, thì Quảng Nam cần phải hoàn thiện cơ chế quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đáng tin cậy hơn.

Rừng tự nhiên ở Quảng Nam được xác định có gần 630.000ha, nhưng liệu trong 5 -10 năm tới có giữ được diện tích đó hay không? Hiện, mỗi năm địa phương này xảy ra hàng chục vụ cháy rừng do dân và chủ rừng phát dọn thực bì, phóng hỏa gây ra, làm mất cả ngàn héc ta rừng. Hàng chục chục vụ khai thác gỗ trái phép vẫn thường xuyên xảy ra mỗi năm. Chưa kể vấn nạn khai thác khoáng sản, đào vàng vẫn âm thầm diễn ra trong rừng sâu, thung vắng, đe dọa tính bền vững của rừng.

Trong khi đó, việc sử dụng nguồn tiền từ Quỹ Bảo vệ phát triển rừng để trồng bù, tái tạo rừng lại có dấu hiệu sai phạm. Nhiều chủ rừng – Ban quản lý bảo vệ rừng các huyện đã dùng tiền từ Quỹ – lẽ ra chỉ để trồng bù rừng, để xây dựng, trang bị tại trụ sở làm việc. Cá biệt, có nơi dùng để hội họp, tiếp khách, mua sắm vô tội vạ… Ngay việc thuê doanh nghiệp, người dân phát dọn thực bì để trồng bù rừng cũng thiếu giám sát, không quản lý chặt, gây cháy cả trăm héc-ta rừng…

Muốn bán được tín chỉ carbon, không những Quảng Nam phải có đủ diện tích rừng, mật độ cây rừng tự nhiên đủ tạo ra trữ lượng cả triệu tấn khí ôxy – O2, mà còn phải chứng minh được mình là địa phương có biện pháp quản lý, bảo vệ rừng tốt, phát triển, khai thác rừng bền vững.

Bán tín chỉ carbon mà liên tục để xảy ra các vụ khai thác gỗ trái phép, cháy rừng tan hoang, hay trồng cây gỗ nhỏ sản xuất, để rồi chỉ 3-5 năm lại khai thác, trọc hóa, sạt lở tan nát mỗi mùa mưa bão… thì khó mà có được khách hàng.

Tóm lại, muốn tín chỉ carbon của mình có uy tín, có niềm tin và mua bán được trên thị trường quốc tế, Quảng Nam phải có uy tín về bảo vệ và phát triển rừng bền vững.