“Kim chỉ nam” cho thập kỷ mới về bảo tồn đa dạng sinh học: Nhìn lại 7 năm thực hiện Chiến lược quốc gia về ĐDSH

Mới đây, Bộ TN&MT đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức đánh giá việc thực hiện Chiến lược quốc gia về ĐDSH đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Báo cáo cho thấy, sau 7 năm triển khai bảo tồn ĐDSH đã đạt được một số thành tựu. Tuy nhiên, do hệ thống bộ máy tổ chức quản lý ĐDSH phân tán, nguồn tài chính, nhận thức…còn hạn chế nên một số chỉ tiêu vẫn chưa đạt.

Điểm sáng trong công tác bảo tồn

Thực hiện Chiến lược quốc gia về ĐDSH đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đến nay, công tác bảo tồn ĐDSH đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đó là việc là mở rộng hệ thống khu bảo tồn và hành lang ĐDSH theo quy hoạch: Đã có 34 địa phương đã xây dựng quy hoạch bảo tồn ĐDSH; 23 tỉnh đã quy hoạch thêm các đối tượng quy hoạch mới (44 khu bảo tồn thiên nhiên, 37 cơ sở bảo tồn ĐDSH và 15 hành lang ĐDSH); số lượng các khu bảo tồn, khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (khu Ramsar) tiếp tục gia tăng.

Bên cạnh đó, các hệ sinh thái tự nhiên bị suy thoái đã được chú trọng phục hồi. Các địa phương đã trồng được 21.000 ha rừng ven biển, trong đó, trồng rừng mới 13.660 ha, trồng bổ sung, phục hồi rừng kém chất lượng 7.340 ha. Kết quả trồng rừng ven biển cả giai đoạn 2015 – 2020 ước đạt 25.000 ha. Chính nhờ các đề án bảo tồn và trồng rừng ven biển mà diện tích rừng trên đất ngập nước năm 2019 đạt 238.294 ha. Các rạn san hô cũng được tái tạo ở một số khu bảo tồn biển như Cồn Cỏ, Sơn Trà, Cù Lao Chàm, Vịnh Nha Trang… Từ năm 2013, chuyên gia của Viện Hải dương học Nha Trang đã trồng được hơn 6.000 tập đoàn san hô tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm ở khu vực Bãi Xếp, Hòn Lao, Bãi Tra, Bãi Nần, Bãi Bắc.

500 cá thể voọc chà vá chân xám tại Konplon, Kon Tum được bảo tồn.

Các loài nguy cấp như loài hươu sao đã tuyệt chủng ngoài tự nhiên đã được gây nuôi. Loài cá sấu nước ngọt đang có nguy cơ tuyệt chủng được phục hồi nhờ Chương trình tái thả lại tự nhiên tại Vườn Quốc gia Cát Tiên. Loài thông nước/thủy tùng đang được nghiên cứu và đã có những kết quả thành công bước đầu trong việc nhân giống vô tính, mở ra những hy vọng cho việc bảo tồn và phát triển loài cây sắp bị tuyệt chủng này. Đã có một số loài thủy sản nguy cấp hoặc có giá trị kinh tế được nghiên cứu gây nuôi để bảo tồn và thương phẩm như: cá anh vũ, cá hô, cá lăng, cá chiên, cá ngựa thân trắng.

Nhờ bảo tồn tại chỗ mà số lượng cá thể một số loài linh trưởng tăng lên như 500 cá thể voọc chà vá chân xám tại Konplon, Kon Tum; hơn 200 cá thể voọc xám Đông Dương tại Khu bảo tồn Xuân Liên, Thanh Hóa; hơn 150 cá thể voọc mông trắng ở vùng núi đá vôi đầm Vân Long (Ninh Bình) và khoảng 40 cá thể ở vùng núi đá vôi Hà Nam. Sự gia tăng các đàn linh trưởng là dấu hiệu tích cực bởi đã có sự mở rộng diện tích của các nơi cư trú phù hợp của mỗi nhóm loài linh trưởng này.

Công tác thu thập, lưu giữ bảo tồn nguồn gen được thực hiện hàng năm và tăng đáng kể. Năm 2020 thu thập được tổng cộng 88.968 nguồn gen, tăng 3,12 lần so với năm 2010.  Đã phát hiện thêm nhiều nguồn gen mới trong giai đoạn này. Trong đó đã đánh giá ban đầu 41.363 nguồn gen, đánh giá chi tiết 3.136 nguồn gen.

Cơ chế chi trả dịch vụ hệ sinh thái (PES) được áp dụng để những người được hưởng lợi từ các dịch vụ hệ sinh thái chi trả cho những người bảo vệ và phát triển các dịch vụ của hệ sinh thái được công nhận là một trong mười thành tựu lớn nhất của ngành lâm nghiệp giai đoạn 2011 – 2015.

Vẫn còn khó khăn

Mặc dù Bộ TN&MT cũng như các Bộ, ban, ngành, địa phương đã nỗ lực để thực hiện Chiến lược, nhưng một số mục tiêu đề ra trong Chiến lược còn chậm tiến độ. Cụ thể, diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên trên cạn (rừng đặc dụng) mới chiếm khoảng 7% diện tính lãnh thổ trên lục địa, không đạt mục tiêu 9% như Chiến lược đề ra; Diện tích khu bảo tồn biển mới đạt 0,185% diện tích vùng biển Việt Nam so với 0,24% như mục tiêu Chiến lược…

Bảo tồn và phát triển loài cây sắp bị tuyệt chủng.

Điều tra, đánh giá dịch vụ hệ sinh thái của các khu bảo tồn thiên nhiên được thực hiện rất hạn chế. Các kế hoạch dài hạn về đầu tư phát triển vùng đệm của các khu bảo tồn chưa được thực hiện trên toàn hệ thống. Tiến độ xác định các khu vực ĐDSH cao, các hệ sinh thái bị suy thoái còn chậm, ảnh hưởng đến việc thực hiện các giải pháp bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái…

Các chương trình bảo tồn loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, đặc biệt ưu tiên đối với các loài thú lớn nguy cấp: Voi, hổ, sao la và các loài linh trưởng đã được phê duyệt nhưng thiếu kinh phí nên mới chỉ tập trung nguồn lực cho các hoạt động bảo tồn voi…

Dựa trên kết quả của việc thực hiện Chiến lược giai đoạn trước, Bộ TN&MT đang xây dựng Chiến lược quốc gia về ĐDSH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chiến lược giai đoạn tới sẽ khắc phục những hạn chế tồn tại ở giai đoạn trước. Đồng thời, tập trung giảm thiểu các mối đe dọa tới ĐDSH tại các khu vực ĐDSH cao, các vùng đất ngập nước quan trọng, các cảnh quan sinh thái quan trọng, thúc đẩy các phương thức sử dụng bền vững tài nguyên sinh vật; tăng cường hợp tác hiệu quả giữa các ngành trong việc khai thác, sử dụng các dịch vụ hệ sinh thái phục vụ các nhu cầu phát triển.