Vùng đất ở Australia vẫn có thể bị nhiễm phóng xạ hạt nhân sau 65 năm

65 năm sau các vụ thử vũ khí hạt nhân của Anh, vùng đất hẻo lánh miền nam Australia vẫn có thể bị rò ri plutonium – một nguyên tố hóa học có tính phóng xạ cao.

Theo Daily Mail, vào giữa những năm 1950, Anh đã tiến hành bảy vụ thử vũ khí hạt nhân tại Maralinga – một khu vực rộng khoảng 3.367km2 ở nam Australia.

Đến nay, chính phủ Australia đã bồi thường hơn 27 triệu USD cho người dân Maralinga Tjarutja do nhiễm phóng xạ còn sót lại sau các vụ thử hạt nhân vào những năm 1950. Ảnh: The National Archives of Australia

Các cuộc thử nghiệm chính là Chiến dịch Buffalo năm 1956 và Chiến dịch Antler năm 1957, theo sau là một loạt thử nghiệm nhỏ. Trớ trêu thay, những thử nghiệm nhỏ đó lại tạo ra sự ô nhiễm nặng hơn so với hai cuộc thử nghiệm chính.

Theo các nhà nghiên cứu, các vụ thử hạt nhân đã phát tán 22,2kg plutonium và hơn 40kg uranium ra khắp vùng đất hẻo lánh này. Để so sánh, quả bom hạt nhân Mỹ ném xuống thành phố Nagasaki, Nhật Bản chứa 6,4kg plutonium và quả bom ném xuống thành phố Hiroshima chứa 64kg uranium.

Năm 1956 và 1957, chính phủ Anh đã tiến hành hơn 7 vụ thử hạt nhân ở Maralinga, một vùng hẻo lánh ở miền nam Australia. Ảnh: The National Archives of Australia

Phải mất một thập kỷ sau, vào năm 1967, chính phủ Australia mới nỗ lực làm sạch chất phóng xạ. Vào năm 1985, quyền sở hữu vùng đất đã được cấp cho người dân bản địa Maralinga Tjarutja. Tuy nhiên, các chuyên gia đã phát hiện ra những nguy cơ bức xạ vẫn tồn tại ở nhiều địa điểm.

Việc dọn dẹp thêm đã mất nhiều thập kỷ và tiêu tốn hơn 170 triệu USD của chính phủ Australia. Chính phủ nước này đồng thời đã trả hơn 27 triệu USD tiền bồi thường cho Maralinga Tjarutja.

Nhưng theo phát hiện mới của các nhà nghiên cứu, được công bố trên tạp chí Scientific Reports, các hạt phóng xạ nhỏ được gọi là hạt nóng vẫn đang lan rộng khắp vùng đất Maralinga.

Nhóm nghiên cứu cho biết đã tìm thấy plutonium và uranium ở dạng hạt có kích thước từ vài micromet đến nanomet ở các mẫu nghiên cứu từ Maralinga.

Ở dạng ổn định, các hạt plutonium và uranium khá lành tính. Tuy nhiên, theo báo cáo, lớp vỏ bên ngoài ổn định đó có thể bị phá vỡ trong môi trường khắc nghiệt ở vùng hẻo lánh của Australia.

Họ viết: “Các quá trình hóa học và vật lý tự nhiên trong môi trường hẻo lánh có thể gây ra sự giải phóng chậm plutonium từ các hạt nóng trong thời gian dài”.

Biểu đồ chứng minh các chất phóng xạ có thể dễ dàng được hấp thụ bởi thực vật, động vật hoang dã và con người. Ảnh: The National Archives of Australia

Điều đó giải phóng bức xạ vào đất và nước ngầm, nơi nó có thể được hấp thụ bởi thực vật, động vật hoang dã và cả con người.

Plutonium phát ra bức xạ alpha, tiếp xúc lâu dài với nó có thể gây bệnh phóng xạ, ung thư phổi và tổn thương di truyền. Bức xạ alpha không được hấp thụ qua da, nhưng nó có thể được hấp thụ qua đường ăn, uống hoặc thở.