Bắc Giang tìm cách đưa vải thiều ra khỏi tâm dịch

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp Bắc Giang khẳng định vùng trồng vải ở địa phương đang kiểm soát tốt dịch bệnh. Tuy nhiên, ông vẫn đưa ra những phương án ứng phó nếu dịch bệnh kéo dài.

Bắc Giang “trúng” mùa vải giữa lúc dịch bệnh đang hoành hành. Sản lượng vải ước tính 180.000 tấn, tăng 15.000 tấn so với năm ngoái.

Để duy trì mục tiêu kép, lãnh đạo ngành nông nghiệp địa phương kêu gọi người dân cả nước tin tưởng vải thiều Bắc Giang an toàn.

Có hồ sơ truy xuất nguồn gốc vải

Trao đổi với Zing, ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Giang, cho biết địa phương đang bán 45.000 tấn vải sớm. Vải chính vụ còn khoảng 135.000 tấn, dự kiến bắt đầu bán từ 10/6.

Người dân Lục Ngạn chở vải thiều đến điểm thu mua (ảnh chụp trước thời điểm có dịch Covid-19). (Ảnh: Ngọc Tân)

“Ngày 26/5, chúng tôi làm lễ xuất hành đưa hơn 10 tấn vải VietGap đi Nhật Bản. Vải sẽ được chuyển xuống sân bay Nội Bài để xuất bằng đường hàng không. Đây là lần đầu tiên vải sớm được xuất đi Nhật, trước đó chỉ xuất vải chính vụ “, ông Tùng hồ hởi chia sẻ.

Việc thu hoạch và bán vải sớm tại Bắc Giang đang tương đối thuận lợi, các điểm cân vải hoạt động bình thường. Tính đến ngày 25/5, cả tỉnh tiêu thụ được hơn 4.000 tấn vải.

Với thị trường Trung Quốc, việc lưu thông vải diễn ra bình thường qua 2 cửa khẩu tại Lạng Sơn và Lào Cai. Bắc Giang đã cử 2 tổ công tác lên 2 cửa khẩu này để hỗ trợ thông thương nông sản.

Dù được mùa, giá vải hiện nay vẫn đảm bảo từ 20.000-27.000 đồng/kg. Giá vải vẫn tốt một phần vì năm nay thời tiết rất thuận, quy trình chăm sóc tốt nên chất lượng quả nâng lên.

Người dân Lục Ngạn livestream để quảng cáo vải thiều. (Ảnh chụp màn hình)

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp Bắc Giang chia sẻ điều khiến ông lo lắng nhất là thương hiệu vải của tỉnh sẽ bị ảnh hưởng khi liên quan đến “vùng dịch”.

Tuy nhiên, ông Tùng khẳng định: “Covid-19 ở những khu cách ly tập trung, tỉnh đã quản lý rất tốt, còn ở vùng trồng vải chẳng có vấn đề gì cả”.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp cho biết điều quan trọng nhất là tỉnh đã có bộ hồ sơ truy xuất nguồn gốc và chứng minh vải xuất đi là an toàn dịch bệnh. Từ người thu hái, người đóng gói, người vận chuyển đều đảm bảo.

Bắc Giang đang tập trung kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt là ở các vùng có vải thiều như Lục Ngạn, Tân Yên. Toàn bộ F1 đã được đưa ra khỏi địa bàn trồng vải để cách ly tập trung.

Người dân được tuyên truyền ở nhà chăm sóc vải, không tụ tập, giao lưu với bên ngoài. Các chốt chống dịch được dựng lên để kiểm soát người ra vào vùng vải.

Các phương án ứng phó

Trong cuộc họp với Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên vào sáng 25/5, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái đánh giá vụ vải thiều năm nay sẽ rất khó khăn do dịch bệnh. Trước tình hình đó, tỉnh Bắc Giang đề nghị Bộ Công Thương quan tâm đẩy mạnh truyền thông đối với hàng nông sản của tỉnh.

Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang họp với Bộ Công thương về phương án tiêu thụ vải thiều. (Ảnh: BGP)

Bí thư tỉnh nhận định vải sớm tiêu thụ thuận lợi do sản lượng ít, nhu cầu tiêu dùng cao. Tuy nhiên, việc vận chuyển vải vào miền Nam qua rất nhiều chốt kiểm soát, mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến chất lượng quả vải.

Đồng quan điểm, Giám đốc Sở Nông nghiệp Bắc Giang nhận định dịch bệnh sẽ kéo theo rất nhiều vấn đề khác như việc lưu thông đi cách tỉnh, việc cách ly xã hội ảnh hưởng đến hoạt động thu hoạch…

Ông Tùng cho biết đã tính đến phương án dịch bệnh lan rộng khiến nhiều người phải cách ly, dẫn đến thiếu nhân lực thu hoạch, vận chuyển vải. Sở đã chuẩn bị các phương án ứng phó.

“Thứ nhất là tạo điều kiện cho lao động ở nơi không có dịch đi vào vùng trồng vải (có xét nghiệm âm tính) để bổ sung nhân lực. Thứ 2 là nông dân ở vùng vải chín muộn sẽ hỗ trợ thu hoạch vùng chín sớm và ngược lại. Cuối cùng là phương án kêu gọi các lực lượng khác hỗ trợ như sinh viên tình nguyện, quân đội…”, ông Tùng chia sẻ.

Ngoài ra, tỉnh cũng đang đẩy mạnh thương mại điện tử, bán online, kết nối qua mạng… tích cực liên kết với các kênh phân phối lớn.

Đến nay, hầu hết kênh phân phối như chợ đầu mối, các chuỗi siêu thị… đã đến Bắc Giang để đặt vấn đề thu mua. Tỉnh cũng đã tổ chức các tuần lễ xúc tiến tiêu thụ vải ở Hà Nội, TP.HCM để quảng bá sản phẩm.

“Từ nay đến khi tiêu thụ vải chính vụ vẫn còn thời gian để dập dịch và bố trí nhân lực cho vùng trồng vải. Chúng tôi hy vọng đến khi đó thì dịch bệnh sẽ được kiểm soát tốt hơn”, Giám đốc Sở Nông nghiệp Bắc Giang chia sẻ.

Tính đến tối 25/5, Bắc Giang ghi nhận 1.399 ca mắc Covid-19 sau hơn 2 tuần dịch bệnh bùng phát. Ngoài các bệnh nhân tiếp tục phát sinh ở ổ dịch tại KCN Vân Trung và Quang Châu, địa phương cũng ghi nhận thêm các ca bệnh mới không phải công nhân, phát hiện thông qua xét nghiệm sàng lọc.