Phát triển trồng rừng gỗ lớn

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, chủ rừng trên địa bàn tỉnh Phú Yên tập trung đầu tư phát triển rừng trồng gỗ lớn nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững.

Hướng tới trồng rừng gỗ lớn

Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, giai đoạn năm 2016-2020, tỉnh đã triển khai trồng rừng tập trung với diện tích hơn 32.040 ha, trong đó khoảng 30.395 ha rừng sản xuất và 1.645 ha rừng phòng hộ, đặc dụng. Đến nay, diện tích có rừng của tỉnh khoảng 243.876 ha, gồm 127.943 ha rừng tự nhiên, 98.588 ha rừng trồng và 17.345 ha rừng trồng chưa thành rừng, với tỉ lệ che phủ rừng năm 2020 đạt 45,09%.

Lãnh đạo tỉnh Phú Yên tham quan rừng trồng gỗ lớn của Công ty TNHH MTV Bảo Châu Phú Yên ở xã An Thọ, huyện Tuy An. Ảnh: Chung Ngọc.

Đáng chú ý, các chủ rừng đã áp dụng quy trình, kỹ thuật trồng rừng thâm canh, chọn cây giống có chất lượng nên sản lượng gỗ rừng trồng khai thác hàng năm đều tăng, năng suất hiện từ 80-120m3/ha (cây trồng 7-8 năm). Bên cạnh đó, nhiều chủ rừng trên địa bàn tỉnh có nhu cầu trồng rừng kinh doanh gỗ lớn, chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn với mục đích nâng cao giá trị kinh tế.

Điển hình như tại Công ty TNHH MTV Bảo Châu Phú Yên (TP Tuy Hòa) là một trong những đơn vị trồng rừng và chế biến gỗ rừng trồng trên địa bàn tỉnh. Năm 2020, doanh nghiệp đã trồng mới gần 1.000 ha rừng, nâng tổng số diện tích rừng trồng của doanh nghiệp lên hơn 4.200 ha, trong đó có khoảng 1.600 ha đã được cấp chứng chỉ rừng FSC (quản lý rừng theo hướng bền vững).

Theo ông Trần Đăng Khoa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Bảo Châu Phú Yên, để phát triển rừng bền vững, hiện công ty đã liên kết với các ban quản lý rừng và các hợp tác xã lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển trồng gần 5.000 ha rừng, trong đó có khoảng 20-30% trồng rừng kinh doanh gỗ lớn.

Theo ông Khoa, việc chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn là một trong những mục tiêu mà công ty đang hướng tới. Do đó, hàng năm công ty đều xây dựng kế hoạch, theo đó khi khai thác gỗ rừng trồng đã đến tuổi sẽ có một số diện tích phù hợp để chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn với tỉ lệ khoảng 20-30%.

Các chủ rừng đang hướng đến phát triển rừng trồng gỗ lớn. Ảnh: KS.

Tương tự, Ban quản lý Rừng phòng hộ Đồng Xuân (Đồng Xuân, Phú Yên) cũng đang hướng tới việc bảo tồn các loài cây bản địa quý hiếm và phát triển trồng rừng kinh doanh gỗ lớn, đẩy mạnh nghiên cứu, bảo tồn và phát triển trồng cây dược liệu dưới tán rừng.

Ông Nguyễn Trung Háo, Giám đốc Ban quản lý Rừng phòng hộ Đồng Xuân cho biết, từ năm 2019 đến nay, đơn vị đã triển khai bảo tồn và nhân giống cây lan kim tuyến trên diện tích khoảng 0,5 ha để triển khai trồng nhân rộng.

Bên cạnh đó, đơn vị còn gây trồng được khoảng 100 cây trắc nghệ, 3.500 cây dó gạch, hơn 4.500 cây sấu tía. Năm 2019-2020, tại các tiểu khu 73, 78, 79 và 81, đơn vị đã triển khai trồng rừng kinh doanh gỗ lớn với diện tích khoảng 415 ha. Đến nay cây trồng phát triển và sinh trưởng tốt. Ngoài ra đơn vị đang xây dựng kế hoạch từ nay đến năm 2024, trồng các loài cây lan kim tuyến, dó gạch, sa nhân dưới tán rừng với diện tích khoảng 110 -120 ha.

Phú Yên phê duyệt đề án trồng rừng gỗ lớn

Theo Viện Tài nguyên – Môi trường (Đại học Huế), trồng rừng gỗ lớn đòi hỏi nhiều yếu tố như thời gian dài, phù hợp với khí hậu và thổ những, chi phí đầu tư cao…, song hiệu quả kinh tế mang lại là rất lớn. Nhiều mô hình trồng rừng gỗ lớn đã triển khai ở miền Trung bước đầu thành công, trong đó có Phú Yên.

Tuy nhiên để trồng rừng gỗ lớn thành công, các địa phương cần chú ý trồng các loại cây bản địa, đây là giải pháp lâm sinh bền vững, phù hợp với điều kiện tự nhiên ở từng địa phương, đáp ứng tiêu chí đa dạng sinh học, tạo sản phẩm mang tính độc đáo riêng để nâng cao giá trị sản phẩm.

Có thể nói, trồng rừng cây gỗ lớn là định hướng phát triển trong thời gian tới với mong đợi nâng cao thu nhập, sinh lợi ổn định từ rừng của chủ rừng và cộng đồng dân cư…

Ban quản lý Rừng phòng hộ Đồng Xuân trồng thực nghiệm cây lan kim tuyến, kết hợp với chiến lược rừng gỗ lớn. Ảnh: Chung Ngọc.

Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, giá trị trồng rừng gỗ lớn cao hơn 1,5 – 2 lần so với trồng rừng gỗ nhỏ. Cụ thể, đối với loại cây trồng phổ biến gồm keo lai và keo tai tượng, đến năm thứ 6 vẫn còn là rừng trồng gỗ nhỏ.

Vì vậy khi khai thác, chỉ có thể bán làm dăm gỗ, gỗ nhỏ, giá trị khoảng 60 – 80 triệu đồng/ha, thu nhập bình quân từ 10-12 triệu đồng/ha/năm. Tuy nhiên nếu chuyển hóa sang rừng trồng gỗ lớn, đến 10 năm cây sẽ đạt đường kính trên 18 cm, bán theo giá gỗ xẻ, gỗ chế biến với giá trị từ 1,8-2 triệu đồng/m3, tức khoảng 250 – 300 triệu đồng/ha, lợi nhuận bình quân trên 22 triệu đồng/ha/năm.

Trước hiệu quả trên, tỉnh Phú Yên đã phê duyệt đề án trồng rừng gỗ lớn và trồng lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng. Theo đó, đề án chọn thực hiện tại 7 ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và các doanh nghiệp lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhu cầu, đủ điều kiện để trồng rừng với mục đích kinh doanh gỗ lớn, trồng lâm sản ngoài gỗ, trồng dược liệu và chuyển hóa trồng rừng gỗ nhỏ thành rừng trồng kinh doanh gỗ lớn.

Quy mô trồng rừng gỗ lớn, chuyển hóa rừng trồng gỗ nguyên liệu thành gỗ lớn và trồng lâm sản ngoài gỗ, dược liệu dưới tán rừng với tổng diện tích 5.072 ha, trong đó giai đoạn 2017 – 2020 là 3.577 ha, giai đoạn 2021-2025 là 1.495 ha.

Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên cho biết: Mục tiêu của đề án trồng rừng gỗ lớn và trồng lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng của tỉnh nhằm khảo sát, quy hoạch xác lập một số vùng có điều kiện tự nhiên thuận lợi, phù hợp, làm cơ sở cho các chủ rừng triển khai xây dựng vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng có năng suất, chất lượng, ổn định phục vụ chế biến.

Đồng thời, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gỗ rừng trồng qua chế biến theo định hướng tái cơ cấu lâm nghiệp tỉnh Phú Yên. Bên cạnh đó, tổ chức xây dựng một số mô hình trồng lâm sản ngoài gỗ, dược liệu dưới tán rừng tự nhiên, rừng trồng kiểu mẫu, sau đó nhân rộng, phát triển trong thời gian tới…