4 biến chủng nCoV thuộc nhóm “đáng lo ngại trên toàn cầu”

Tổ chức Y tế Thế giới vừa xếp B.1.617 vào nhóm đáng lo ngại trên toàn cầu. Đây là biến chủng lần đầu tiên được tìm thấy ở Ấn Độ.

Việc SARS-CoV-2 biến chủng là điều đã được dự đoán. Tuy nhiên, tình hình hiện tại khiến giới chức y tế toàn cầu không khỏi lo ngại. Nhiều chuyên gia cảnh báo biến chủng virus mới gây ra tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn, qua mặt được các xét nghiệm hoặc khiến vaccine Covid-19 kém tác dụng.

Ngày 10/5, tờ Reuters dẫn lời bà Maria Van Kerkhove, nhà virus học của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), giải thích vì sao họ xếp biến chủng B.1.617 vào nhóm đáng lo ngại trên toàn cầu. Nguyên nhân là biến chủng này “có các thông tin cho thấy chúng lây lan mạnh hơn”. Ngoài biến chủng kép từ Ấn Độ, B.117 (Anh), B.1.351 (Nam Phi) và P.1 (Brazil) cũng được xếp vào nhóm này.

Biến chủng lần đầu tiên được tìm thấy ở Anh, Ấn Độ cũng là hai chủng phổ biến của làn sóng Covid-19 đang bùng phát tại Việt Nam.

Một bệnh nhân mắc Covid-19 trong phòng ICU tại Bệnh viện Đại học Teerthanker Mahaveer ở Moradabad, Uttar Pradesh, Ấn Độ, phải thở bằng máy dưỡng khí. (Ảnh: Prakash Singh/AFP)

Biến chủng kép B.1.617 (Ấn Độ)

Theo Reuters, ca nhiễm nCoV và tử vong ở Ấn Độ tiếp tục đứng ở mức cao chưa từng có trong nhiều ngày qua. Trưởng nhóm các nhà khoa học WHO Soumya Swaminathan khẳng định biến thể của Ấn Độ B.1.617 là một yếu tố góp phần vào “thảm họa” Covid-19 diễn ra ở quốc gia này.

Theo bà Van Kerkhove, WHO sẽ cung cấp thêm thông tin về biến chủng B.1.617 và 3 chủng phụ (B.1.617.1, B.1.617.2, B.1.617.3) trong thời gian tới.

Biến chủng kép B.1.617 lần đầu tiên được xác định ở Ấn Độ vào tháng 12/2020. Tuy nhiên, một phiên bản khác của chủng virus này đã được phát hiện trước đó 2 tháng cũng tại đất nước này.

Anurag Agrawal, Giám đốc Hội đồng Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Ấn Độ, cho biết tỷ lệ lây nhiễm của biến chủng này có thể cao hơn đến hơn 60%.

WHO từng đưa B.1.617 vào danh sách những biến chủng “được quan tâm” – danh sách chỉ ra những loại biến thể nguy hiểm gấp nhiều lần phiên bản virus gốc với khả năng lây truyền nhanh hơn, gây tỷ lệ tử vong cao và giảm hiệu quả vaccine.

Những người tại Ấn Độ khi tham gia lễ hỏa thiêu đeo mặt nạ và đồ bảo hộ. (Ảnh: The New York Times)

Biến chủng B.1.617 của virus SARS-CoV-2 mang theo hai đột biến quan trọng là L452R và E484Q. Cả hai đột biến này đều giúp virus tăng khả năng lẩn tránh hệ thống miễn dịch của con người và qua đó có thể lây lan mạnh hơn.

3 chủng phụ của B.1.617 và biến chủng chính đều có chung một số đột biến đặc trưng, tiến hóa độc lập khi virus thích nghi để lây nhiễm sang người tốt hơn.

Tiến sĩ Chris Murray, chuyên gia dịch tễ học thuộc Đại học Washington (Mỹ), cho biết mức độ nghiêm trọng của các ca bệnh ở Ấn Độ xảy ra chỉ trong thời gian ngắn. Điều đó cho thấy biến chủng có thể “trốn” khỏi sự chế ngự của hệ miễn dịch.

Theo Reuter, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng đột biến L452R có thể tăng cường khả năng lây nhiễm virus ở các tế bào người trong phòng thí nghiệm.

Đây cũng là đột biến từng khiến tình hình dịch Covid-19 tại Mỹ phức tạp. Theo ông Anurag Agrawal, Giám đốc Hội đồng Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Ấn Độ, đột biến L452R đã làm tăng 20% khả năng lây truyền của virus và giảm 50% hiệu quả của kháng thể.

Rakesh Mishra, Giám đốc Trung tâm Sinh học Tế bào và Phân tử, trụ sở tại Hyderabad, chịu trách nhiệm dự án giải trình dự gene nCoV, cảnh báo: “Biến chủng lần này lây lan nhanh hơn bất kỳ chủng nào đã phát hiện trước đó. Không sớm thì muộn, nó sẽ trở thành chủng phổ biến của toàn Ấn Độ”.

Thực tế dịch Covid-19 tại Ấn Độ trong vòng một tháng trở lại đây đã cho thấy cảnh báo của ông Mishra là đúng. Nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature cho thấy B.1.617 trong vài tháng qua đã trở thành chủng virus thống trị ở bang Maharashtra. Các bang khác tại Ấn Độ cũng ghi nhận người nhiễm chủng này.

Một người đàn ông ở Ấn Độ chờ hỏa táng thi thể của người thân. (Ảnh: AP)

B.117 (Anh)

Biến chủng này còn được gọi là VOC202012/01 (viết tắt của Variant of Concern – biến chủng cần được quan tâm, do Public Health England đặt tên). Đây cũng là biến chủng đánh dấu cho đợt bùng phát Covid-19 mới của toàn cầu vào cuối năm 2020.

Một cuộc điều tra của Public Health England cho thấy người đầu tiên nhiễm virus biến chủng này được phát hiện vào ngày 20/9. Đến giữa tháng 11, nó lây truyền cho hơn 20-30% ca bệnh ở London và một số khu vực ở phía đông thành phố.

Ba tuần sau đó, khoảng 60% bệnh nhân mắc mới là nhiễm virus biến chủng này. Ngày 23/12, giới khoa học Anh công bố với thế giới về biến chủng SARS-CoV-2 hoàn toàn mới.

Thông tin của Tổ chức Y tế Thế giới xác định biến chủng này được xếp vào loại “biến chủng cần quan tâm”. Nó có chứa 23 đột biến gene, đặc biệt là không liên quan về mặt di truyền với chủng virus đang gây bệnh cho Anh trong thời điểm đó. Theo Chris Whitty, Giám đốc Y tế của Anh, số lượng này nhiều bất thường.

Ngay lập tức, nó nhanh chóng trở thành chủng virus phổ biến trong các ca bệnh mới tại xứ sở sương mù, nhất là London và những tỉnh miền Đông.

Biến chủng B.1.1.7 từ Anh được cảnh báo có khả năng lây lan cao hơn 70% so với chủng cũ. (Ảnh: CNN)

Các quan chức y tế tại Anh cảnh báo biến chủng B.117 của SARS-CoV-2 có khả năng lây truyền cao hơn tới 70%. Trong bản cập nhật dịch tễ hàng tuần, WHO cũng cảnh báo biết biến chủng B.117 cho thấy khả năng lây nhiễm virus mạnh.

Đến nay, hơn 100 quốc gia đã có người nhiễm biến chủng B.117, trong đó có Việt Nam. Đây cũng là chủng được tìm thấy trong nhiều ca bệnh của đợt bùng phát hiện nay và tại Hải Dương vào tháng 7/2020.

Cuối tháng 4, theo thông tin từ Bộ Y tế, kết quả Viện Pasteur TP.HCM giải trình tự gene của các trường hợp nhập cảnh từ Campuchia vào Việt Nam cho thấy 85,7% mẫu nhiễm biến chủng B.117 (biến chủng được phát hiện ở Anh). 14,3% còn lại mang biến chủng B.1.351 (phát hiện ở Nam Phi).

Theo CNN, một số phát hiện sơ bộ báo cáo chủng virus mới từ Anh có mức độ nghiêm trọng hơn. Tại Anh, các mẫu thử nghiệm SARS-CoV-2 chủng mới đã tăng từ 63% lên 90% sau một tháng (từ 14/12/2020 đến 18/1/2021).

Nhiều chuyên gia nghi ngờ biến chủng mới của SARS-CoV-2 tại Anh sẽ gây tác động tới công cuộc tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 trên toàn cầu. Hiện tại, chúng ta vẫn chưa có căn cứ để khẳng định điều này. Các nhà sản xuất, phân phối vaccine cũng thực hiện nghiên cứu và cho thấy sản phẩm của họ vẫn có hiệu quả trên virus biến chủng mới.

B.1.351 (Nam Phi)

Tháng 12/2020, Bộ Y tế Nam Phi lần đầu tiên thông báo một chủng đột biến mới được phát hiện ở nước này. Từ mùa hè cho tới tháng 10/2020, số ca nhiễm trung bình ở quốc gia này chỉ vào khoảng 2.000 trường hợp mỗi ngày.

Nhưng con số này tăng nhanh kể từ giữa tháng 11/2020. Hơn 16.000 ca nhiễm mới mỗi ngày được ghi nhận trong tháng 11/2020, nhiều hơn mức đỉnh dịch năm 2019. Bộ Y tế Nam Phi cho biết biến chủng này chiếm từ 80% đến 90% các ca nhiễm mới trong nước.

Theo SCMP, ngày 18/1, sau khi khảo sát dữ liệu từ các ổ lây nhiễm chính tại Nam Phi, Giáo sư dịch tễ học Salim Abdool Karim, đồng chủ tịch hội đồng khoa học thuộc Bộ Y tế Nam Phi, cho biết biến chủng virus mới có khả năng lây truyền cao hơn 50% so với chủng cũ. Nhà dịch tễ Tulio de Oliveira, người đứng đầu phòng thí nghiệm Krisp ở Nam Phi, cũng cho hay ông “chưa từng thấy dòng virus nào lây lan nhanh như vậy”.

Các biến chủng mới của nCoV khiến nhiều nước trên thế giới lao đao vì số ca mắc Covid-19 tăng nhanh, virus có thể kháng lại vaccine. (Ảnh: CNBC)

Biến chủng Nam Phi (501.V2 hay B.1.351) mang 3 đột biến (E484K, K417N và N501Y) tại các vùng quan trọng của gene. Đây là nơi tạo ra protein gai mà virus dùng để gắn vào tế bào người. Trong đó, E484K có khả năng làm giảm độ nhận biết của kháng thể người với virus. Nhờ đó, nCoV vượt hàng rào miễn dịch do vaccine sinh ra dễ dàng hơn.

Ngày 7/2, giới chức y tế Nam Phi đã tuyên bố tạm hoãn tiêm chủng vaccine Covid-19 của AstraZeneca. Động thái này được đưa ra sau khi một nghiên cứu cho thấy loại vaccine trên ít có tác dụng bảo vệ hơn đối với người nhiễm biến chủng B.1.351.

Cuối tháng 2, các nhà khoa học tại Đại học Texas Medical Branch (UTMB) công bố nghiên cứu trên tạp chí Y học New England (NEJM) cho thấy biến chủng B.1.351 có thể giảm 2/3 kháng thể do của vaccine Pfizer/BioNTech tạo ra. Họ thử nghiệm biến chủng virus từ Nam Phi được thiết kế lại, sau đó kiểm tra với máu của những người đã được tiêm vaccine. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng trên người cho thấy ảnh hưởng của B.1.351 tới vaccine.

Vaccine của Johnson & Johnson cho hiệu quả 72% trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối tại Mỹ. Tuy nhiên, khi gặp biến chủng B.1.351, con số này giảm xuống còn 57%. Tương tự, Novavax chỉ còn giữ được 49% thay vì 89% tác dụng bảo vệ của vaccine trước biến chủng từ Nam Phi.

P.1 (Brazil)

Biến chủng này lần đầu được phát hiện trên nhóm 4 người ở Nhật Bản hồi tháng 1. Theo New York Times, đây là những du khách mắc biến chủng mới sau chuyến du lịch ở Brazil,

Các nghiên cứu sau đó phát hiện biến chủng P.1 khởi phát từ thành phố Manaus, đô thị 2 triệu dân lớn nhất khu vực Amazon, từ khoảng cuối năm 2020. P.1 đã nhanh chóng trở thành chủng virus thống trị ở Manaus và đang lan rộng khắp Brazil.

Nhóm nghiên cứu các mối đe dọa do virus đường hô hấp mới và đang phát triển (NERVTAG) – tổ chức cố vấn y tế chính của Bộ Y tế Anh – cảnh báo P.1 là một “biến chủng đáng lo ngại”.

P.1 có 17 đột biến amino acid độc nhất và 4 đột biến thay thế, trong đó ba đột biến đáng lo ngại nhất là K417T, E484K và N501Y. Đặc biệt, E484K thu hút sự chú ý lớn nhất. Nó cũng đã được tìm thấy trên biến chủng B.1.351 từ Nam Phi. Nó được cho là khiến P.1 lây nhiễm cho cả những người từng hồi phục sau khi mắc Covid-19 chủng virus khác trước đó.

Brazil từng là ổ dịch Covid-19 nguy hiểm nhất thế giới vì biến chủng nCoV. (Ảnh: Reuters)

Đột biến này xuất hiện trên gai protein của virus, khiến biến chủng P.1 thay đổi hình dáng, tránh bị phát hiện bởi các kháng thể sản sinh sau khi tiêm vaccine Covid-19, hoặc sau lần đầu người bệnh mắc Covid-19 do các chủng virus khác.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học từ Đại học Imperial College London (Anh), E484K giúp biến chủng P.1 giảm đáng kể hiệu quả của vaccine CoronaVac (do Trung Quốc phát triển). Tờ Los Angeles Times dẫn lại nghiên cứu cho thấy hai loại vaccine Pfizer-BioNTech và Moderna kém hiệu quả hơn trước biến chủng P.1 và B.1.351.

Công bố trên tạp chí khoa học New Scientist hồi đầu năm nay cũng có kết quả tương tự trên vaccine do Johnson & Johnson phát triển. Biến chủng P.1 làm giảm hiệu quả của vaccine Johnson & Johnson xuống chỉ còn 66%.

Ngoài ra, đột biến N501Y và K417T chính là tác nhân khiến biến chủng P.1 lây lan mạnh hơn các chủng virus khác. Theo New York Times, kết quả nghiên cứu tại thành phố Manaus cho thấy P.1 có khả năng lây lan mạnh hơn các chủng virus cũ từ 40-120%.