Động đất và sạt lở ở Nhật Bản – giá phải trả từ những con đập

ThienNhien.Net – Để đáp ứng nhu cầu năng lượng đang ngày càng tăng lên, nhiều con đập thủy điện đã và đang được xây dựng ở Nhật Bản. Trong số đó, nhiều con đập đã bị cáo buộc là nguyên nhân gây nên các trận động đất và sạt lở đất nghiêm trọng cho các khu vực lân cận. Tuy nhiên, bất chấp những tiền lệ nguy hiểm, chính phủ Nhật Bản vẫn đang tiếp tục cho xây dựng thêm các con đập mới.


Ngày 14/6/2008, trận động đất Iwate-Miyagi Nairiku làm rung chuyển khu vực phía bắc đảo Honshu, gây sạt lở đất nghiêm trọng tại con đập Aratozawa. Sau trận lở đất, khu vực này còn bị mưa và tuyết sói lở khiến cây cối, hoa màu bị tàn phá, khung cảnh vô cùng tan hoang.

Theo Viện Quản lý Đất đai và Cơ sở Hạ tầng Nhật Bản, tâm chấn của trận động đất này nằm gần núi Kurikoma, vùng giáp ranh giữa 3 quận Miyagi, Iwate và Akita, là nơi lân cận với 15 con đập, trong đó có đập Aratozawa.

Những tranh luận xung quanh địa điểm xây dựng đập Aratozawa đã xuất hiện từ lâu, nhưng kể từ vụ lở đất ở Aratozawa, người ta nhận thấy rõ rằng lẽ ra không nên xây dựng nhiều con đập ở địa điểm hiện tại của chúng – những nơi đã xảy ra nhiều vụ sạt lở nghiêm trọng.

Ngoài đập Aratozawa, lở đất còn xảy ra ở đập Magio (quận Nagano), đập Otaki (quận Nara) và đập Takizawa (quận Saitama) khi những hồ chứa ở những đập này tích đầy nước.

Điểm chung của tất cả những vụ sạt lở này là cái giá phải trả rất lớn để khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là sau nhiều vụ lở đất do xây dựng đập, chính phủ Nhật Bản vẫn tiếp tục tiến hành những dự án xây dựng mới như dự án đập Yamba ở quận Gunma hay dự án đập Asakawa ở quận Nagano.

Động đất và sạt lở ở chân núi Kurikoma

Theo tài liệu của Cơ quan Khí tượng Nhật Bản, một loạt các trận động đất từng xảy ra ở khu vực núi Kurikoma trong các năm 1957, 1985 và 1986. Trận động đất kinh hoàng vào tháng 6/2008 xảy ra sau khi vùng núi này phải chứng kiến 22 rung chấn trong tháng 5. Động đất xảy ra do sự vận động của magma trong lòng núi lửa. Điều này giải thích vì sao trong những trận động đất ở các đảo của Nhật Bản, các rung chấn thường xuyên xuất hiện xung quanh những khu vực có núi lửa.

Theo nhóm nghiên cứu của Đại học Yamaguchi, đất đá ở núi Kurikoma có thành phần chủ yếu là trầm tích núi lửa hình thành khoảng 15 triệu năm trước cùng với nham thạch. Đỉnh núi là một đống tro núi lửa nên có thể đã bị ảnh hưởng từ các trận lở đất trước khi động đất xảy ra. Theo giải thích của giáo sư Kaneori, đất đá ở đây có nguồn gốc từ tro núi lửa, các rãnh của nó chứa nước vì vậy rất kém bền vững. Chính đặc tính địa chất này cùng với các rung chấn đã gây ra trận lở đất nghiêm trọng.

Con người đã phải trả giá đắt cho thảm họa này. Trận động đất Iwate-Miyagi Nairiku khiến 13 người chết, 10 người mất tích và 450 người bị thương. Thiệt hại về tài sản vô cùng lớn, chỉ tính riêng thiệt hại đối với con đập và hồ chứa nước. Sức chứa của đập Aratozawa giảm 500.000 m3 so với ban đầu (gần 12,5 triệu m3) sau khi đã khắc phục phần nào lượng đất đá khổng lồ bị sói lở xuống hồ (1,5 triệu m3). Ngoài ra, trận động đất và lở đất còn phá hủy cổng xả nước có nhiệm vụ cung cấp nước cho 3000 hộ nông dân ở thung lũng phía dưới.

Không chỉ đập Aratozawa bị thiệt hại, các vùng phụ cận của núi Kurikoma cũng phải gánh chịu hậu quả của trận động đất và lở đất này. Một mặt núi Kurikoma bị sạt lở đã chôn lấp cả một thung lũng nhỏ, nơi có khu nghỉ dưỡng suối nước nóng Kurikoma. Trận động đất cũng được cho là nguyên nhân gây nên những vết rạn nứt ở phân nửa trong số 14 con đập xung quanh.

Những thiệt hại này gần như không thể khôi phục hoàn toàn. Tính riêng chi phí để khắc phục hậu quả đối với nông nghiệp, lâm nghiệp và nguồn nước đã lên tới 133 tỉ yên và quá trình này có thể kéo dài ít nhất 10 năm.

Đập Magio bị cho là nguyên nhân gây ra trận động đất Nagano Seibu

Đã có tiền lệ về các thảm họa mà sụt lở của núi lửa do động đất gây ra với khu vực xung quanh các đập nước và thực tế cho thấy cần rất nhiều thời gian và cực kì tốn kém để khắc phục. Ngày 14/09/1984, trận động đất 6,8 độ Nagano Seibu đã làm sụp đổ toàn bộ mặt phía nam của núi Ontake. Tâm chấn của trận động đất này ở gần làng Otaki (quận Nagano), cách núi Ontake 20 km về phía tây bắc và cách đập Magio 4 km.

Khi núi Ontake bị sụt lở, khoảng 340 triệu feet khối đất đá đã đổ xuống dòng sông Otaki chảy bên dưới chân núi và đổ vào đập Magio. Trận lở đất tạo ra một con đập tự nhiên và chôn lấp hoàn toàn con đập trên sông Ontake. Một phần đất rừng trượt xuống hồ chứa của đập Magio, kéo theo nhiều nhà dân và cắt đứt một con đường. 29 người chết và mất tích.

Nhiều người cho rằng, trận động đất Nagano Seibu là trận động đất do chính các con đập gây nên cũng như đập Hoover ở Mỹ hay đập Koyna ở Ấn Độ. Các nhà nghiên cứu đã tiến hành điều tra khả năng này ở Nhật Bản. Năm 1974, nhà nghiên cứu Otake Mazukasu thuộc Viện Nghiên cứu Xây dựng đã tính toán số liệu của các rung chấn xảy ra ở khu vực xung quanh đập Kurobe và phát hiện ra rằng có mối liên hệ nhân quả giữa chiều cao của mực nước và sự xuất hiện của động đất. Sau khi nghiên cứu số liệu thống kê của trung tâm khí tượng về 42 con đập từ năm 1926 đến năm 1983, ông đi đến kết luận, ở 8 con đập (trong đó có đập Magio), động đất mạnh lên sau khi các hồ chứa tích đầy nước.

Tháng 8 năm 1984, sau khi Otake trình bày nghiên cứu của mình tại Hội địa chấn Nhật Bản, nghiên cứu này được giới thiệu trên báo chí. Quốc hội Nhật Bản sau đó đã mở hội thảo bàn về vấn đề này vào tháng 3/1995 theo đề xuất của Ủy ban các vấn đề môi trường của Hạ viện. Tuy nhiên Bộ Xây dựng Nhật Bản vẫn không cho rằng các con đập là thủ phạm gây ra động đất.

Đập Otaki, nơi mối quan hệ nhân quả giữa các hồ chứa nước và sạt lở đất được thừa nhận

Cho đến gần đây nhà chức trách Nhật Bản mới thừa nhận mối quan hệ nhân quả giữa các hồ chứa nước và hiện tượng sạt lở. Công trình đập Otaki (quận Nara) hoàn thành vào năm 1977 sau hơn 2 thập kỷ xây dựng và nhiều năm được mở rộng, tháng 3/2003 đã bắt đầu tích nước. Một tháng sau đó, dốc bên phải của con đập bắt đầu xuất hiện vết lún sâu ở khu vực Shiroya. Các nhà nghiên cứu xác định rằng vết nứt này có độ sâu tới 70m và khuyến cáo tất cả cư dân trong khu vực phải di chuyển tới nơi an toàn hơn.

Mặc dù vậy, điều này đã không được thực hiện. Vì theo nhà chức trách không nhất thiết phải di dời nếu có những biện pháp ngăn ngừa sạt lở đất. Nhưng sau đó, họ lại cho rằng việc tiến hành các biện pháp ngăn ngừa sạt lở rất tốn kém, thêm vào đó không có căn cứ để khẳng định vết nứt có độ sâu tới 70m. Vì vậy họ chỉ lấp đất vào vết nứt khoảng 20m.

Ngay sau đó, Bộ Xây dựng Nhật Bản“nhận ra rằng chính dòng nước bị con đập ngăn lại là nguyên nhân gây ra lở đất”. Vào tháng 3/2003, Bộ này thành lập một ủy ban điều tra vết nứt ở vùng Shiroya, hiện tượng tương tự các vụ đập trữ nước gây sạt lở đất như ở đập Odo (quận Kochi) năm 1982, đập Hachisu (quận Mei) năm 1991 . Lúc này Bộ Xây dựng mới nhận thức rõ ràng về hậu quả sạt lở mà chính các con đập đã gây ra.

Cần dừng ngay dự án xây dựng đập Yamba

Tuy nhiên, dường như những tiền lệ sạt lở và động đất chưa đủ để kìm chân các nhà hoạch định và những nhà đầu tư các dự án đập. Đơn cử, mặc dù có bằng chứng rõ ràng cần phải đình chỉ ngay dự án xây dựng đập Yamba tại quận Gunma, Bộ Giao thông Nhật Bản dường như không muốn thực hiện điều này.

Bộ này đã xác định các sườn núi xung quanh khu vực hồ chứa có nguy cơ sạt lở cao và nhận thấy có 22 vị trí nguy cơ cao khi hồ chứa được tích đầy nước. Tuy nhiên, cuối cùng Bộ này quyết định chỉ áp dụng những biện pháp phòng ngừa ở 6 điểm “nơi mà nước trữ trong hồ có nhiều khả năng dẫn tới sạt lở”. Trong khi đó khu vực xung quanh con đập thường xuyên chịu ảnh hưởng từ các hoạt động của núi lửa và thậm chí được ghi nhận trên website của Bộ Giao thông là khu vực có mạch nước nóng. Những địa điểm như vậy đặc biệt dễ xảy ra lở đất.

Ba ngày sau trận động đất Iwate-Miyagi Nairiku, ông Toyooku Yukio, một đại diện Đảng dân chủ tại Thượng viện đã chất vấn Chính phủ về các biện pháp gia cố đập và bảo đảm an toàn cho khu vực lân cận: 1) Liệu đập Yamba có khả năng chống chịu một trận động đất tương đương với trận động đất ở Iwate-Miyagi? 2) Nếu một trận động đất như vậy xảy ra, liệu chính phủ có thể bảo đảm rằng những cư dân phải di chuyển để xây dựng đập sẽ tránh được những thiệt hại mà cư dân ở Iwate và Miyagi vừa trải qua? 3) Liệu Chính phủ có thể cam đoan rằng sẽ không có lở đất xảy ra tại khu vực này? 4) Có khả năng nào cho thấy thân đập sẽ tránh được mọi tác động địa chất?

Trả lời những chất vấn này, Chính phủ Nhật Bản cho rằng “do chúng ta chưa hiểu biết đầy đủ về cơ chế của động đất cho nên khả năng gây hư hại đối với con đập cũng như các vùng tái định cư và khả năng sạt lở đất là rất khó xác định. Thêm vào đó, chúng tôi sẽ đảm bảo lớp thi công đá ở khu vực này theo những quy định về xây dựng ở địa hình sông suối, vì vậy sẽ không có bất kì vấn đề gì đáng lo ngại.”

Dẫu vậy, vấn đề đặt ra là liệu chính phủ có thực sự muốn tìm hiểu về cơ chế của động đất hay không? Và quan trọng hơn, liệu chính phủ có thể đình chỉ các dự án xây dựng đập khi thấy có rủi ro? Bởi lẽ, thực tế đã cho thấy chỉ áp dụng các thiết kế tốt nhất là chưa đủ để tránh những thảm họa không đáng có.