Thí điểm mua bán điện năng lượng tái tạo: Nên làm

Chuyên gia cho rằng việc có cơ chế phát triển điện năng lượng tái tạo sẽ giúp điện mặt trời, điện gió phát triển do được tham gia đầu tư bởi khối doanh nghiệp.

Bộ Công Thương đã có dự thảo lấy ý kiến về việc thực hiện thí điểm mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo (bao gồm điện mặt trời, điện gió) với khách hàng sử dụng điện.

Theo đó, khách hàng sử dụng điện công nghiệp có thể trực tiếp đàm phán giá điện với đơn vị phát điện năng lượng tái tạo qua hợp đồng kỳ hạn.

Khách hàng được thỏa thuận tiền điện

Theo dự thảo, đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo (đơn vị phát điện) là các tổ chức, cá nhân sở hữu dự án nhà máy điện nối lưới sử dụng công nghệ phát điện từ sức gió hoặc bức xạ mặt trời (có công suất lắp đặt lớn hơn 30 MW).

Còn khách hàng sử dụng điện tham gia thí điểm mua bán điện trực tiếp sẽ sử dụng điện phục vụ cho mục đích sản xuất công nghiệp tại cấp điện áp từ 22 kV trở lên.

Đặc biệt, thông qua dự thảo này khách hàng sẽ được trực tiếp đàm phán, thỏa thuận mua bán điện với đơn vị phát điện thông qua việc ký kết một hợp đồng có kỳ hạn. Các giao dịch mua bán điện giữa các bên được thực hiện qua thị trường điện giao ngay theo quy định vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh do Bộ Công Thương ban hành.

Cũng theo dự thảo, các tiêu chí tham gia thí điểm mua bán điện trực tiếp như sau: Khách hàng có cam kết mục tiêu về sử dụng năng lượng tái tạo hoặc doanh nghiệp sản xuất trong chuỗi cung ứng của các tập đoàn, doanh nghiệp (có cam kết mục tiêu về sử dụng năng lượng tái tạo). Đồng thời khách hàng có cam kết tỉ lệ sản lượng điện trong ba năm đầu tham gia thí điểm mua bán điện trực tiếp đạt từ 80% trở lên.

Trong khi đó, đơn vị phát điện có cam kết mốc thời gian đưa toàn bộ dự án nhà máy điện vào vận hành thương mại và tham gia thị trường điện không lớn hơn 270 ngày làm việc (tính từ ngày được công bố lựa chọn tham gia thí điểm mua bán điện trực tiếp). Ngoài ra, đơn vị phát điện phải có văn bản của các tổ chức tài chính, tín dụng về việc hỗ trợ tài chính cho dự án nhà máy điện.

Theo dự thảo, khách hàng có thể thỏa thuận tiền điện trực tiếp với đơn vị phát điện. Trong ảnh: Nhà máy điện mặt trời Cư Jut (Đắk Nông). Ảnh: ĐÀO TRANG

Nên tính toán những dự án có công suất nhỏ

Ông Bùi Việt Phương, Trưởng bộ phận marketing điện mặt trời Công ty TNHH Kỹ thuật Đạt, cho rằng: Việc có cơ chế phát triển điện năng lượng tái tạo sẽ giúp điện mặt trời, điện gió phát triển, do được tham gia đầu tư mạnh mẽ bởi khối doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp mua điện sẽ được sử dụng giá điện ổn định, sử dụng điện sạch và cam kết giảm phát khí CO2.

Tuy nhiên, theo ông Phương, vấn đề chính hiện nay là truyền tải điện và sự khác nhau về giờ cao điểm phát điện và cao điểm về nhu cầu sử dụng. Bởi thường giờ cao điểm của điện mặt trời lại không phải là giờ cao điểm sử dụng của nhà máy. Lúc này, điện mặt trời sẽ đẩy lên lưới điện nhưng hiện nay thì lưới điện cũng đang quá tải.

“Trong khi đó, đối với các dự án điện mặt trời có công suất trên 30 MW có ở Việt Nam không nhiều và thường tập trung ở một khu vực nhất định. Do đó, khi hai đơn vị tổ chức mua bán điện sẽ khó khăn. Theo đó, Bộ Công Thương nên tính toán những dự án điện mặt trời có công suất nhỏ hơn” – ông Phương đánh giá.

TS Nguyễn Dáo, Khoa điện – điện tử Trường ĐH Tôn Đức Thắng, đánh giá đây là một đề xuất hay và nên ủng hộ. Bởi hiện nay, các doanh nghiệp đang tích cực đầu tư vào năng lượng tái tạo, song hệ thống mạng lưới truyền tải không đảm bảo. Do đó, nếu triển khai thí điểm mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện thì cả người bán và người mua đều hưởng lợi. Đây cũng được coi là một hình thức mở cửa cho các nhà đầu tư.

Tương tự, TS Võ Viết Cường, Khoa điện – điện tử ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho rằng việc thí điểm này sẽ tạo khả năng cạnh tranh giữa các doanh nghiệp kinh doanh điện. Do đó, TS Cường ủng hộ và cho rằng khách hàng cũng sẽ có thêm sự lựa chọn đối với những nhà cung cấp điện.

Theo TS Cường, hiện nay Bộ Công Thương đang mở cửa, chủ yếu với các dự án lớn có công suất 30 MW thì đối tượng áp dụng chủ yếu phục vụ cho các khu công nghiệp. Song nguồn điện từ điện năng lượng không thực sự ổn định, các doanh nghiệp trên cũng cần tính toán mua điện từ hai nguồn (điện lực và doanh nghiệp điện năng lượng) để chia sẻ áp lực với ngành điện. Bên cạnh đó, hiện nay có nhiều doanh nghiệp có vốn, có tiềm lực nên khi Bộ Công Thương và ngành điện mở cửa sẽ thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư lớn.

“Hiện nay hệ thống hạ tầng ngành điện đã phân bổ đến 98% khách hàng sử dụng điện. Do đó, khi doanh nghiệp đầu tư thì cần tính toán đến hệ thống phân phối riêng. Theo đó, các doanh nghiệp khi đầu tư cần tính toán chi phí đầu tư, đảm bảo cạnh tranh với ngành điện thì mới thu hút được khách hàng” – TS Cường phân tích.

TS Cường cũng cho rằng hiện nay Bộ Công Thương đang lấy ý kiến, nếu được triển khai thì đối tượng chủ yếu là khách hàng lớn, mang tính chất thí điểm. Theo đó, nếu thuận lợi có lẽ Bộ Công Thương sẽ kiến nghị mở rộng mức công suất xuống 2-3 MW cho nhiều doanh nghiệp cùng tham gia. Lúc này Nhà nước sẽ có nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng khác phục vụ an ninh quốc phòng.

Theo dự thảo của Bộ Công Thương, dự kiến thí điểm cơ chế này trong giai đoạn 2021-2023 với tổng công suất khoảng 1.000 MW. Sau thời gian thí điểm, Cục Điều tiết điện lực sẽ tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện. Từ đó nghiên cứu, đề xuất các nội dung để hoàn thiện cơ chế mua bán điện trực tiếp báo cáo bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét. Sau đó trình Thủ tướng Chính phủ để quyết định việc áp dụng chính thức cơ chế mua bán điện trực tiếp.
Cách đăng ký mua bán điện năng lượng tái tạo

Phạm vi Bộ Công Thương thực hiện thí điểm mua bán điện trực tiếp sẽ được triển khai trên toàn quốc.

Đơn vị phát điện và khách hàng cùng chuẩn bị và nộp hồ sơ đăng ký theo hình thức đăng tải các tài liệu trong hồ sơ đăng ký (dạng file điện tử) trên cổng đăng ký của trang thông tin điện tử thí điểm mua bán điện trực tiếp (viết tắt là trang tin điện tử) do Bộ Công Thương công bố. Đồng thời gửi một bản giấy bằng phương thức gửi trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính theo hướng dẫn trên trang tin điện tử.

Thời hạn thực hiện đăng ký là 45 ngày làm việc, kể từ ngày Bộ Công Thương mở cổng đăng ký trên trang tin điện tử. Cổng đăng ký được đóng lại khi hết thời hạn đăng ký.

Thời điểm xác nhận đăng ký thành công được xác định căn cứ theo hệ thống đếm giờ và thư điện tử xác nhận đăng ký thành công của cổng đăng ký trên trang tin điện tử.