128 cá thể voọc chà vá xuất hiện tại Bạch Mã

Vườn quốc gia Bạch Mã ghi nhận sự xuất hiện của 12 đàn voọc chà vá chân nâu (voọc ngũ sắc) với khoảng 128 cá thể liên tục xuất hiện.

Thời gian qua, Vườn quốc gia Bạch Mã đã ghi nhận sự xuất hiện của 12 đàn voọc chà vá chân nâu (voọc ngũ sắc) với khoảng 128 cá thể liên tục xuất hiện tại rừng Bạch Mã (tại địa phận tỉnh Thừa Thiên Huế) để kiếm ăn.

Vườn quốc gia Bạch Mã có diện tích gần 37,5 nghìn ha được bao phủ bởi hai kiểu rừng, là rừng kín lá thường xanh mưa nhiệt đới và á nhiệt đới. Núi Bạch Mã nằm giữa Trung tâm Vườn Quốc gia Bạch Mã có độ cao 1.400 m so với mặt nước biển, là nơi lý tưởng cho loài voọc chà vá chân nâu tìm đến trú ngụ và sinh sống.

Đàn vọoc xuất hiện tại Vườn quốc gia Bạch Mã. Ảnh: Vườn quốc gia Bạch Mã

Qua các cuộc khảo sát, chương trình bẫy ảnh ghi nhận, tại Vườn quốc gia Bạch Mã có trên 1.700 loài động vật hoang dã, chiếm 7% tổng số loài động vật hoang dã trên cả nước. Trong số đó có đến 69 loài động vật quý, hiếm đưa vào Sách Đỏ Thế giới và Việt Nam, như sói lửa, cầy mực, báo hoa mai, sao la, gà lôi lam mào trắng và 15 loài đặc hữu của Việt Nam…

Một thời gian dài, do tác động của con người, nên số lượng cá thể voọc chà vá chân nâu xuất hiện tại núi Bạch Mã giảm đáng kể. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, các hoạt động bảo tồn, bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã có nhiều chuyển biến tích cực.

Ông Nguyễn Vũ Linh, Giám đốc Vườn quốc gia Bạch Mã cho biết hiện có 12 đàn Voọc với 128 cá thể voọc chà vá chân nâu, trong đó riêng núi Bạch Mã có 6 đàn với hơn 85 con. “Đàn vọọc chỉ mới quay lại núi 3 – 4 năm nay, cho thấy sinh cảnh tại Vườn Quốc gia Bạch Mã đang được quản lý, bảo vệ an toàn”, ông Linh nói.

Ông Linh cho biết Vườn thường xuyên tổ chức các đợt tuần tra rừng với thời gian dài. Tại các cửa, lối ra vào rừng được chốt chặn, phát hiện, xua đuổi kịp thời các đối tượng nghi vào rừng săn bẫy động vật hoang dã. Cán bộ kiểm lâm cũng thường xuyên tổ chức gỡ hàng ngàn bẫy thú rừng.