Những điều ít biết về Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên – Văn Bàn

ThienNhien.Net – Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên – Văn Bàn tiếp giáp Vườn Quốc gia Hoàng Liên có tổng diện tích tự nhiên 24.938,88ha, nằm trên địa bàn hai xã Nậm Xé, Nậm Xây và một phần diện tích xã Liêm Phú, huyện Văn Bàn.

Cán bộ kiểm lâm xác định ranh giới giữa các khu rừng
Cán bộ kiểm lâm xác định ranh giới giữa các khu rừng

Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên – Văn Bàn được thành lập ngày 27/3/2007 theo quyết định của UBND tỉnh Lào Cai, sau khi có báo cáo của Tổ chức Bảo tồn động thực vật Quốc tế Fauna & Flora International (FFI) tiến hành khảo sát và báo cáo về một số loài động thực vật quý hiếm có nguy cơ bị đen dọa toàn cầu…

Khu BTNN Hoàng Liên – Văn Bàn tiếp giáp Vườn Quốc gia Hoàng Liên có tổng diện tích tự nhiên 24.938,88ha, nằm trên địa bàn hai xã Nậm Xé, Nậm Xây và một phần diện tích xã Liêm Phú, huyện Văn Bàn. Đây là vùng rừng nguyên sinh nằm trên các sườn núi cao từ 800 – 1900m, nhiều nơi chưa in dấu chân người.

Tổ chức FFI đã tổ chức nhiều chuyến khảo sát, báo cáo kết quả của FFI đã khiến nhiều nhà khoa học kinh ngạc về những loài động, thực vật đang có mặt tại đây. Đó là cơ sở để tỉnh Lào Cai thành lập Khu BTNN Hoàng Liên – Văn Bàn tháng 3/2007.

Hệ động vật trong Khu BTTN Hoàng Liên – Văn Bàn rất đa dạng về thành phần loài và đặc trưng cho khu hệ động vật vùng Tây Bắc Việt Nam. Tại đây đã phát hiện có 486 loài động vật thuộc 89 họ và 27 bộ. Trong đó lớp thú có 60 loài; Lớp chim có 310 loài; Lớp bò sát có 64 loài; Lưỡng cư có 52 loài. 15-13-53_1 Tổ tuần tra bảo vệ rừng Hệ thú của Khu BTTN Hoàng Liên Văn Bàn có quan hệ mật thiết với yếu tố địa lý – động vật ôn đới núi cao Hymalaya và chịu ảnh hưởng của các yếu tố Ấn Độ, Mã Lai và phía Nam Trung Quốc. Trong đó có loài đứng trước nguy cơ diệt chủng gồm vượn đen, khỉ mặt đỏ, cầy vằn, báo gấm, báo lửa, gấu ngựa, khỉ mốc, nhím đuôi ngắn…

Thực vật có 2.500 loài, trong đó có 8 loài lần đầu tiên phát hiện thấy ở Việt Nam, có 6 loài rất mới mà khoa học cần nghiên cứu. Kết quả của các đợt khảo sát đã phát hiện Khu BTTN có nhiều loài động thực vật đang có nguy cơ bị đe dọa toàn cầu: Vượn đen tuyền, cầy vằn bắc, chim trèo cây lưng đen, cá cóc Tam Đảo là loài hiện mới chỉ ghi nhận tại miền Bắc Việt Nam… Về thực vật có pơ mu, đặc biệt có loài bách tán Đài Loan (Taiwania cryptomerioides), hiện chỉ còn một quần thể duy nhất tại Văn Bàn với khoảng 120 cá thể. Khu BTTN Hoàng Liên – Văn Bàn đã được công nhận là một trong 63 vùng chim quan trọng nhất Việt Nam.

Theo báo cáo của FFI, Việt Nam hiện có khoảng hơn 120 cá thể vượn đen ở Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải (Yên Bái) có khoảng hơn 80 cá thể, Khu BTTN Hoàng Liên – Văn Bàn 30 – 50 cá thể. Đây là loài linh trưởng cực kỳ nguy cấp trên toàn cầu, có tên trong sách đỏ Việt Nam và thế giới. Trong quá trình điều tra, cán bộ Khu BTTN Hoàng Liên – Văn Bàn đặt các thiết bị máy ghi âm đã nghe được tiếng hót của 1 đàn tại khu vực đỉnh Khao Sip, thuộc tiểu khu 528 xã Nậm Xây. Đàn này có 4 cá thể, 3 đực và 1 cái.

Theo người dân khu rừng hai xã Nậm Xé và Nậm Xây, hiện có 7 – 10 đàn, khoảng 20 – 30 con, phân bố ở các khu vực phía Tây đỉnh Sinh Cha Pao 1 – 2 đàn, có 3 – 6 cá thể; Khu Phu Nam Than 2 – 4 đàn, chưa xác định số cá thể. Khu Phu Mang Pang 1 đàn, có 3 – 4 cá thể; Khu bắc đỉnh Khao Sip 1 đàn, có 4 cá thể; Khu đỉnh 1.882m thuộc tiểu khu 533 có 1 đàn, 3 – 4 cá thể; Khu suối Nậm Xây, nằm giữa Khao Po và Lùng Cúng có 1 đàn, 3 – 4 cá thể.

Thống kê các loài cây
Thống kê các loài cây

So sánh với một số khu bảo tồn và vườn quốc gia ở khu vực miền núi phía Bắc, thì thực vật ở Khu BTTN Hoàng Liên – Văn Bàn có số lượng loài cây khá phong phú. Điển hình các loài thực vật quý hiếm như pơ mu, thông nàng, sến mật, giổi găng… luôn đi kèm với nhau trong khu phân bố. Hệ thực vật trong Khu BTTN Hoàng Liên – Văn Bàn, tổng số có 179 họ, 4 chi với 33 loài. Như vậy, có thể khẳng định trong 10 họ đa dạng nhất ở Khu BTTN Hoàng Liên – Văn Bàn thì ít nhất mỗi họ có 33 loài trở lên. Đặc biệt loài bách tán Đài Loan được xếp vào danh mục các loài cần bảo tồn có tên trong sách Đỏ thế giới.

Là loài cây lá kim, đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái rừng Việt Nam. Loài cây này có thể sống tới 1.000 năm và chỉ có duy nhất ở Khu BTTN Hoàng Liên – Văn Bàn. Trong số 120 cây mọc trên diện tích 3 km2, có hai cây cao 25 – 30m, tuổi đời trên 400 năm.

Đứng trước sự nguy cấp của nhiều loài động thực vật quý hiếm tại Khu BTTN Hoàng Liên – Văn Bàn, ngày 18/6/2015 tỉnh Lào Cai thành lập Hạt Kiểm lâm Khu BTTN Hoàng Liên – Văn Bàn trực thuộc Chi cục Kiểm lâm Lào Cai với 16 cán bộ công chức, để tăng cường bảo vệ rừng.

 

Nguồn: