TPHCM: Dự kiến chi 553 tỉ đồng kiểm soát khí thải xe máy để giảm ô nhiễm

Nếu được Chính phủ chấp thuận, TPHCM dự kiến sẽ chi 553 tỉ đồng kiểm soát khí thải xe máy trong 10 năm tới để giảm ô nhiễm môi trường.

Ngày 27.1 Sở GTVT TPHCM tổ chức Hội nghị tổng kết chương trình “Nghiên cứu thí điểm kiểm tra khí thải xe máy, hướng tới thí điểm kiểm soát khí thải xe máy đang lưu hành trên địa bàn thành phố”.

Trước đó, từ ngày 15.5 – 2.9.2020, Sở GTVT TPHCM phối hợp Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam kiểm tra, đo khí thải xe máy ở quận 1, 3, Phú Nhuận và Tân Bình. Sau 6 tháng, hơn 10.600 xe được kiểm tra, phần lớn xe sau 5 năm sử dụng không đạt chuẩn khí thải.

Nhân viên đại lý tiến hành kiểm tra khí thải xe máy ở TPHCM. Ảnh: Minh Quân

Theo ông Đinh Trọng Khang – Phó Giám đốc Viện Chuyên ngành môi trường (Viện Khoa học công nghệ GTVT – Nhóm nghiên cứu đề án) cho biết, hiện TPHCM có hơn 7,4 triệu xe máy (chiếm 93% tổng lượng xe tại thành phố), chưa kể xe vãng lai.

Trong trường hợp thành phố không thực hiện kiểm soát khí thải xe máy, hàng năm lượng khí thải gia tăng thêm từ loại phương tiện này với khí CO (Cacbon monoxit) là 68.479 tấn/năm (tương ứng với mức gia tăng là 15,88% trên một năm) và khí HC (Hydrocarbon) là 4.475 tấn/năm (tương ứng với mức gia tăng là 12,85% trên một năm).

Đề án tính toán, khi áp dụng kiểm soát khí thải xe máy, mỗi năm TPHCM giảm hơn 56.000 tấn khí CO, 4.400 tấn khí HC thải ra môi trường.

Theo đề án, việc kiểm soát khí thải xe máy sẽ chia nhiều giai đoạn. Giai đoạn đầu 2021-2022, tập trung tuyên truyền đến người dân. Giai đoạn từ 2023-2025, sẽ thí điểm kiểm soát, có thu phí 50.000 đồng/xe/năm khu vực quận 1, 3, 10.

Xe máy là nguồn phát thải lớn nhất gây ô nhiễm không khí tại TPHCM. Ảnh: Minh Quân

Sau năm 2025, triển khai khu vực quận 1, 3, 5, 10 và Tân Bình. Sau năm 2027 sẽ kiểm soát 13 quận trung tâm. Xe gắn máy được yêu cầu kiểm soát là xe sử dụng trên 5 năm.

Tổng chi phí đầu tư nhân lực, hệ thống kiểm soát khí thải xe máy đến năm 2030 được tính toán khoảng 553 tỉ đồng.

Trong đó, giai đoạn 2021 – 2024 chi 203,464 tỉ đồng; giai đoạn 2025 – 2030 là 345,6 tỉ đồng. Dự kiến nguồn phí thu được từ Đề án và phương án đầu tư giai đoạn 2023 – 2024 là 348 tỉ đồng; giai đoạn từ 2025 trở đi, mỗi năm sẽ thu được 299 tỉ đồng, tổng thu đến 2030 là 2.142 tỉ đồng.

Khoản chênh lệch gần 1.600 tỉ đồng sẽ nộp ngân sách, tái đầu tư lại đề án, các chính sách hỗ trợ cho người thu nhập thấp, thu hồi các xe không đạt tiêu chuẩn khí thải.

Theo ông Bùi Hòa An – Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM, Sở báo cáo kết quả thực hiện chương trình thí điểm lên UBND TPHCM để làm cơ sở đề xuất HĐND thành phố trình Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai thí điểm kiểm soát khí thải xe máy, mô tô đang lưu thông trên địa bàn.

Cuối tháng 12.2020, Thủ tướng đã giao Bộ GTVT hướng dẫn cụ thể, nên hiện nay TPHCM đang tiếp tục chờ Bộ hướng dẫn để có cơ sở pháp lý chặt chẽ và đồng bộ trên toàn quốc.

Ông Bùi Hòa An cho biết, qua khảo sát cho thấy có đến 70 – 80% người dân sinh sống tại TPHCM dùng xe gắn máy để đi lại, mưu sinh. Do đó nếu thực hiện kiểm soát khí thải đột ngột, không có sự hỗ trợ từ các tổ chức, cơ quan nhà nước sẽ khiến người dân gặp không ít khó khăn.

Theo lãnh đạo Sở GTVT TPHCM, để người dân đồng tình, ủng hộ hướng tới tự nguyện kiểm tra, kiểm soát khí thải phương tiện của mình, không chỉ tuyên truyền cho người dân hiểu về mức độ ô nhiễm không khí, những ảnh hưởng đến sức khỏe mà cần thực hiện đề án theo lộ trình, giai đoạn và từng khu vực cụ thể.