Các vùng đất của người dân bản địa có thể chứa một tỉ lệ đáng kể các loài bị đe dọa và nguy cấp trên toàn cầu, theo nghiên cứu do trường đại học Queensland lĩnh xướng.
Nhóm của Tiến sĩ Chris O’Bryan đã tiến hành phân tích toàn diện đầu tiên về thành phần động vật có vú sống trên cạn tại các vùng đất bản địa đã được lập bản đồ.
“Những vùng đất này bao phủ hơn một phần tư trái đất, trong đó một tỷ lệ đáng kể chưa chịu ảnh hưởng từ tác động của con người trên quy mô công nghiệp”, theo Tiến sĩ O’Bryan.
“Do đó, người dân bản địa và các vùng đất của họ đóng vai trò quan trọng đối với sự tồn tại lâu dài của các dịch vụ hệ sinh thái và đa dạng sinh học trên hành tinh. Mặc dù vậy, những hiểu biết về động vật của chúng ta còn tương đối hạn hẹp, kể cả những loài có nguy cấp vốn cư trú hoặc phụ thuộc vào các vùng đất này”.
Nhóm nghiên cứu khớp bản đồ về đất của người bản địa và dữ liệu sinh cảnh của 4.460 loài do IUCN thực hiện để ước tính sự trùng lặp của từng loài.
“Chúng tôi chọn động vật có vú làm chỉ số chung về bảo vệ đa dạng sinh học”, theo tiến sĩ O’Bryan.“Đó là vì có nhiều dữ liệu về sinh cảnh thích hợp của động vật có vú và có bằng chứng cho thấy các mẫu quan sát ở động vật có vú có thể phản ánh các dạng đa dạng sinh học khác. Nói cách khác, nếu không có động vật có vú, các loài động vật khác cũng có khả năng không tồn tại được. Chúng tôi hy vọng nghiên cứu sẽ mang lại cơ hội áp dụng phương pháp này cho các nhóm động vật khác trong tương lai. Chúng tôi đã khám phá ra 2.175 loài động vật có vú (khoảng một nửa tổng số loài được theo dõi) có ít nhất 10% phân bố tại các vùng đất của người bản địa. Và 646 loài (hoặc 14%) có nhiều hơn một nửa phạm vi sinh sống ở những vùng đất loại này. Đáng kinh ngạc nhất là với các loài bị đe dọa – 413 loài (chiếm khoảng 41% các loài bị đe dọa được theo dõi) phân bố ở các vùng đất của người bản địa. Các loài có nguy cấp ở Đông Nam Á như gấu trúc đỏ (Ailurus fulgens) và hổ (Panthera tigris) có hơn một nửa sinh cảnh ở những vùng đất như vậy. Tại Australia, loài gấu túi mũi trần (Lasiorhinus krefftii) cực kì nguy cấp có 100% sinh cảnh thuộc những vùng đất như thế”.
Tiến sĩ O’Bryan cho biết nghiên cứu đã làm rõ tầm quan trọng của các vùng đất của người bản địa: Những khu vực này là mắt xích quan trọng trong việc thực hiện thành công bảo tồn quốc tế và phát triển bền vững. Đại diện của các dân tộc bản địa đang tham gia vào những diễn đàn môi trường toàn cầu và các khuôn khổ hợp tác địa phương và quốc gia vốn mang tính thiết yếu với các hoạt động bảo tồn đa văn hóa công bằng và hiệu quả. Chúng ta cần tiếp tục công nhận và hỗ trợ có ý nghĩa hơn nữa các quyền và mối quan hệ của người dân bản địa đối với vùng đất của họ và nhu cầu khẩn thiết này cần phải cân bằng giữa quyền tự quyết của người bản địa và bảo tồn đa dạng sinh học.Chỉ khi thông qua đối tác dựa trên cơ sở về quyền, bình đẳng và tôn trọng đối với người bản địa thì mới có thể đảm bảo được việc bảo tồn đa dạng sinh học một cách lâu dài và công bằng”.
Thùy Dương (Theo eurekalert)