Biển xâm thực mạnh, Đà Nẵng bắt đầu lo đánh mất lợi thế du lịch

Biển đang xâm thực dữ dội suốt bờ biển từ Cửa Đại (Quảng Nam) đến cửa Hàn (TP Đà Nẵng). Sau Hội An, Điện Bàn (Quảng Nam), Đà Nẵng bắt đầu lo mất bờ biển là mất hết thế mạnh du lịch!

Bờ biển Đà Nẵng, Hội An được báo chí thế giới ca ngợi là một trong những bãi biển đẹp nhất hành tinh, với nước xanh, bờ cát dài, mịn, thích hợp cho con người nghỉ ngơi thư giãn.…

Vì lẽ này, trong hơn mươi năm trở lại đây, hàng trăm khu du lịch, nghỉ dưỡng mọc lên ken dày. Hàng năm, ước số lượng du khách nghỉ dưỡng tại đây lên đến hàng chục vạn người…

Nếu không có giải pháp căn cơ đặt trên tổng thể chung, Đà Nẵng sẽ mất bờ biển. Ảnh T.V.M

Và hiện tượng chưa từng có cũng đã xảy ra trong vài năm gần đây. Biển xâm thực mạnh, xóa sổ bãi tắm Cửa Đại (Hội An), lan dần về phía Bắc, lấn sâu vào bãi biển An Bàng (Điện Bàn-Quảng Nam) và kéo dài đến Sơn Thủy, Mỹ Khê (Đà Nẵng).

Theo Cục Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai (Tổng cục Phòng chống thiên tai), từ năm 2015-2020, bờ biển Đà Nẵng có 12 điểm sạt lở với 8,47km/30 km tổng chiều dài và hiện có 6 đoạn bờ biển bị sạt lở nguy hiểm với chiều dài khoảng nửa cây số. Một số cơ sở công trình du lịch khu vực bãi tắm Sơn Thủy (khu vực Ngũ Hành Sơn) bị sóng xâm thực, uy hiếp trực tiếp các khu du lịch trị giá hàng trăm tỷ đồng.

Tại phía nam bãi tắm Sơn Thủy (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn), sóng xâm thực cuốn trôi bờ kè (đã được khắc phục); nhiều bãi biển dọc theo tuyến đường Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp, Trường Sa (quận Sơn Trà và quận Ngũ Hành Sơn), nhiều đoạn sạt lở, sụt lún cũng đã được giăng dây cảnh báo người dân, du khách không được tắm…

Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng cho biết, tình trạng xói lở bờ biển xuất hiện thời điểm thời tiết cực đoan như bão, áp thấp nhiệt đới, gió mùa. Lâu dài, chính quyền Đà Nẵng mời các nhà khoa học nghiên cứu, tìm nguyên nhân cụ thể để có giải pháp nhằm chủ động bảo vệ bờ biển và giảm thiểu thiệt hại.

Phó Cục trưởng Cục Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai (Tổng cục Phòng chống thiên tai) Nguyễn Văn Hải nói thêm về một nguyên nhân khác, đó là việc xây dựng đến 2.942 hồ chứa ở thượng nguồn các sông của miền Trung gây thiếu hụt bùn, cát về hạ du; trong đó, riêng trong giai đoạn 2018-2019, trữ lượng bùn cát từ hệ thống sông Vu Gia và Thu Bồn bị suy giảm từ 40-60% so với trước năm 2000.

Kè cứng, kè mềm tốn hơn 50 tỉ tại Cửa Đại (Hội An, Quảng Nam) vẫn không ngăn được sự xâm thực của sóng biển vào các khu du lịch ven bờ. Ảnh M.T

Một quan chức TP Hội An còn cho rằng, việc xây dựng các khu du lịch dày đặt đang làm cứng hóa bờ biển; cùng với hệ thống nước ngầm trên khu vực này đang bị khai thác cạn kiệt cũng là nguyên nhân sóng xâm thực mạnh mẽ bờ biển khu vực Quảng Nam (và Đà Nẵng lân cận)…

Hiện khu vực bờ biển Đà Nẵng, vài điểm cát đang có xu hướng bồi trở lại. Tuy vậy lâu dài, từ hiện trạng lở, bồi, mất bãi biển ở Hội An, Điện Bàn (Quảng Nam) liền kề, thì những bờ biển “đẹp nhất hành tinh” ở Đà Nẵng – thế mạnh du lịch đang đứng trước nỗi lo mất mát và rất đang cần giải pháp chống xâm thực tổng thể, nghiêm túc, hơn là những hội thảo, cảnh báo kéo dài.