Đất ngập nước, đói nghèo và du lịch (Kì 1)

ThienNhien.Net – Hiện nay trên thế giới có hàng triệu người phải dựa vào các vùng đất ngập nước để đảm bảo sinh kế và lương thực cho bản thân. Thực tế cho thấy ở những nơi đất ngập nước đang suy thoái thì ở đó sẽ xảy ra vòng luẩn quẩn đói nghèo. Phát triển du lịch được coi như một giải pháp khả thi để phá vỡ vòng luẩn quẩn ấy. Tuy nhiên, nó cũng tiềm ẩn việc nảy sinh những vấn đề môi trường xã hội mới tại những vùng đất mà nó cần bảo vệ.

Đất ngập nước chiếm khoảng 6% bề mặt trái đất. Đó là những hệ sinh thái chứa đựng nhiều giá trị, cung cấp hàng loạt các sản phẩm, dịch vụ không chỉ cho người dân địa phương mà còn cho cả các cộng đồng lân cận.

Từ lâu, các vùng đất ngập nước và ngành du lịch đã có mối liên hệ chặt chẽ. Chẳng hạn như vùng bờ biển Địa Trung Hải, từ hàng thế kỷ nay đã thu hút rất nhiều khách du lịch. Mỗi năm số lượng khách lên tới hàng triệu lượt và theo dự báo số lượng này sẽ lên đến 235 – 355 triệu lượt khách vào năm 2025, gấp đôi so với thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Du lịch cũng là ngành kinh tế mũi nhọn ở khu vực có dải san hô lớn nhất thế giới The Great Barrier Reef của Úc. Du lịch ở đây đóng góp chủ yếu không chỉ cho kinh tế địa phương mà cho cả quốc gia. Mỗi năm nơi này đón trung bình khoảng 1,8 triệu khách.

 Năm 2006, ngành du lịch và lữ hành quốc tế đã tạo ra:
* 6.477,2 tỉ USD doanh thu, chiếm 10,3 % GDP của thế giới
* 234.305.000 việc làm, chiếm 8,7 % tổng số lao động
– Hiệp hội Du lịch và Lữ hành Quốc tế –

Đi sau châu Âu và châu Mỹ tới cả thế kỷ, ngành du lịch ở các nước đang phát triển gần đây mới được chú ý và đầu tư. Ở các quốc gia này, du lịch được coi là một cơ hội để tăng trưởng kinh tế và cũng là công cụ để xoá đói nghèo. Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên Hiệp Quốc cho biết ngành du lịch chiếm tới 83% kim ngạch xuất khẩu tại các nước đang phát triển.

Theo báo cáo về các nước đang phát triển, chỉ riêng năm 2000 các nước này đã đón khoảng 300 triệu lượt khách quốc tế, tăng 95% so với năm 1995. Tại các nước kém phát triển nhất, lượng khách du lịch là khoảng 5 triệu, tăng 75% trong vòng một thập kỷ qua.

 Du lịch sinh thái
Du lịch đã trở thành nguồn thu ngoại tệ chính của 49 nước kém phát triển nhất. (Ảnh: wetlands)

80% số người nghèo (thu nhập dưới 1 USD/ngày) trên thế giới hiện nay sống tại 12 nước đang phát triển và kém phát triển nhất. 11 nước trong số đó có ngành du lịch đóng vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế quốc dân và đang tăng trưởng mạnh.

Du lịch đã trở thành nguồn thu ngoại tệ chính của 49 nước kém phát triển nhất, chỉ sau ngành công nghiệp dầu mỏ. Do đó, du lịch được coi là ngành phát triển sống còn đối với rất nhiều nước nghèo trên thế giới. Mặc dù vậy, tại nhiều nước đang phát triển, chính nghèo đói lại gây nên sự suy thoái các vùng đất ngập nước. Hoạt động du lịch thường diễn ra ngay tại nơi sinh sống của người nghèo nhưng họ hầu như vẫn chưa nắm bắt được những lợi ích thực sự. Ngay cả chính quyền địa phương cũng không ý thức được các cơ hội cũng như trở ngại của việc phát triển du lịch bền vững vì người nghèo tại các vùng đất ngập nước.

Phát triển du lịch hay bảo tồn đất ngập nước

Cũng như nhiều ngành kinh tế khác, du lịch là con dao hai lưỡi, vừa bị dư luận chê trách, nhưng mặt khác lại là phương tiện để đạt được phát triển bền vững.

đất ngập nước
Du lịch là con dao 2 lưỡi, vừa bị chê trách, vừa là phương tiện để đạt được bền vững. (Ảnh: wetlands)

Du lịch tác động trực tiếp và mạnh mẽ đến nguồn tài nguyên quan trọng mà nó phụ thuộc, xuất phát từ các hoạt động giao thông vận tải, xây dựng cơ sở hạ tầng, duy trì các dịch vụ, tiện nghi cũng như do sự hiện diện của khách du lịch. Những hoạt động này cũng làm biến đổi cả về mặt xã hội, văn hóa của địa phương. Tuy nhiên, các nhà lập pháp thường nhìn nhận du lịch một cách lạc quan thái quá dựa trên những lợi ích mà nó đem lại về mặt kinh tế, tạo công ăn việc làm mà bỏ qua hay không đề cập đầy đủ hàng loạt các vấn đề và chi phí nảy sinh, như lạm phát cao, nạn đầu cơ tích trữ đất đai tại các điểm du lịch, tính phụ thuộc vào mùa vụ, gây mất bình đẳng trong việc tiếp cận tài nguyên, phân bố lợi ích không đều và sự thiếu kiểm soát trong quá trình tăng trưởng. Để giảm thiểu những hạn chế này, các quốc gia và các địa phương cần quy hoạch và quản lý chặt chẽ để đảm bảo việc sử dụng khôn ngoan và bền vững đất ngập nước, xem xét không chỉ các tác động môi trường mà còn cả những hệ quả về kinh tế xã hội liên quan.

Nếu được quản lý tốt, du lịch sẽ góp phần nâng cao nhận thức của du khách về các giá trị của tự nhiên nói chung và đất ngập nước nói riêng. Theo cách này, du lịch có thể hỗ trợ cộng đồng bảo tồn đất ngập nước. Việc phát triển du lịch cũng là cách giúp cho các vùng đất ngập nước đứng vững được về mặt kinh tế, tạo ra việc làm và thu nhập cho người dân địa phương. Hơn thế nữa, nhiều khu đất ngập nước đã có thể nâng cao đáng kể nguồn quỹ trực tiếp nhằm bảo tồn đất ngập nước.

Theo công ước Ramsar, đất ngập nước được chia thành ba nhóm: (1) đất ngập nước vùng biển và ven biển như các bãi biển, vùng cửa sông, đầm phá, rừng ngập mặn hay những rạn san hô, (2) các vùng đất ngập nước nội địa như hồ, sông, đầm lầy, sông suối, thác nước (3) các vùng đất ngập nước nhân tạo như đồng lúa, kênh mương và ao.

Hầu hết các loại hình đất ngập nước thuộc cả ba nhóm đều là nguồn tài nguyên quan trọng cho ngành du lịch và giải trí như: tắm nắng, bơi lội, đua thuyền, lặn biển, săn bắt và câu cá thể thao, chụp ảnh, ngắm chim và quan sát đời sống hoang dã, giáo dục hay đơn giản là ngắm cảnh thư giãn.

Tại nhiều khu bảo tồn, người ta đã sử dụng một số cách để tăng nguồn thu phục vụ hoạt động bảo tồn như thu phí vào cửa, phí thu trực tiếp trên dịch vụ kinh doanh và dịch vụ cho thuê địa điếm/suất kinh doanh, bán hàng, đồ ăn uống…, các loại thuế, sử dụng tình nguyện viên phục vụ và huy động tài trợ.

Do các khu đất ngập nước ngày càng phụ thuộc nhiều vào nguồn thu từ du lịch để triển khai các hoạt động bảo tồn nên đôi khi xảy ra sự cạnh tranh giữa cộng đồng địa phương với các dự án bảo tồn về nguồn thu. Vì vậy, việc duy trì sự cân đối giữa thu nhập từ các hoạt động gây quỹ này với các dự án giảm nghèo cho cộng đồng rất quan trọng. Công tác bảo tồn cần gắn với xóa đói giảm nghèo, bởi thành quả đó sẽ củng cố trở lại các hoạt động bảo tồn. Một trong những cách thức phổ biến là đưa người dân tham gia tích cực vào các dịch vụ du lịch được quản lý. Ngoài ra, để phát huy được vai trò của du lịch đối với bảo tồn, các mục tiêu về quản lý các vùng đất ngập nước cần được tất cả các bên liên quan biết rõ, hiểu và chấp nhận rộng rãi. Việc quản lý và sử dụng các nguồn thu cần được giải trình minh bạch, hiệu quả. Cần duy trì mối quan hệ chặt chẽ giữa ban quản lý du lịch với cộng đồng địa phương, các cổ đông và chính quyền.