Lại sợ hãi “bom” nước

Hệ thống kênh được đầu tư xây dựng 4.300 tỉ đồng Bắc sông Chu – Nam sông Mã (thuộc dự án hồ chứa nước Cửa Đạt, tỉnh Thanh Hóa) bất ngờ bị vỡ hơn 50 m làm dư luận lo lắng cho hệ thống thủy lợi khổng lồ này.

Rất nhanh chóng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã khảo sát và có kết luận ban đầu: Đoạn kênh trên nằm trên vùng địa chất có cấu trúc phức tạp. Điều này đồng nghĩa với việc hệ thống kênh này còn tiếp tục bị uy hiếp.

Dự án hồ chứa nước Cửa Đạt gồm 2 hạng mục: đập đầu mối và hệ thống kênh chính. Hợp phần công trình đầu mối hoàn thành vào tháng 11-2010 và Hợp phần Hệ thống kênh chính hoàn thành toàn bộ vào năm 2017. Thời gian qua, hệ thống kênh Bắc sông Chu – Nam sông Mã đã phát huy tốt hiệu quả cấp nước phục vụ sản xuất cho hơn 31.000 ha đất nông nghiệp, chống hạn, phục vụ dân sinh. Tuy vậy, sự cố vỡ kênh này đã dấy lên những lo ngại về chất lượng công trình cũng như công tác khảo sát thiết kế của hệ thống thủy lợi rất quan trọng ở tỉnh Thanh Hóa.

Việt Nam xuất phát từ nền kinh tế nông nghiệp và hiện phần lớn dân số vẫn sống dựa vào nông nghiệp. Hệ thống thủy lợi gồm hồ đập, kênh mương… được xây dựng từ rất sớm. Đến nay, trên cả nước có hơn 86.000 công trình thủy lợi, trong đó gần 7.000 đập, hồ chứa thủy lợi với dung tích khoảng 14 tỉ m3. Hệ thống này không chỉ phục vụ sản xuất nông nghiệp mà còn bảo đảm an ninh về nguồn nước cho cả quốc gia. Qua thời gian nhiều hồ đập đã xuống cấp nghiêm trọng và vấn đề này đã được đặt ra ở các cuộc họp quan trọng của Quốc hội.

Tại hội nghị về “An ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập” do Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức mới đây, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá trong bối cảnh biến đổi khí hậu cực đoan như hiện nay, lũ lụt xảy ra thường xuyên với cường độ cao, tình trạng không ổn định của địa chất, hiện tượng đứt gãy dẫn tới động đất ở một số vùng cùng với 1.730 hồ, đập thủy lợi bị xuống cấp, trong đó có 1.200 cần sửa chữa và 200 hồ hư hỏng nặng cần sửa chữa khẩn cấp. Vấn đề này cũng đã được Báo Người Lao Động nhiều lần phản ánh và gần đây nhất, vào đầu tháng 12-2020 là loạt bài “Báo động hồ đập mất an toàn”.

Nhiệm vụ rất nặng nề với ngành NN-PTNT trong khi vừa phải đầu tư xây dựng hồ thủy lợi mới để bảo đảm sản xuất nông nghiệp, vừa duy tu sửa chữa các hồ hiện hữu và canh cánh lo ngại hàng trăm hồ thủy điện có thể xả nước bất cứ lúc nào khi mùa mưa đến.

Khắc phục sự cố ở hệ thống kênh Bắc sông Chu – Nam sông Mã không chỉ là xây dựng lại đoạn kênh vỡ mà quan trọng hơn là cần khảo sát cấu trúc địa chất của toàn bộ dự án. Đây cũng là công việc cần làm đối với toàn bộ hơn 1.700 hồ đập thủy lợi bị xuống cấp đã được báo động trong thời gian qua. Công việc rất nặng nề, khó khăn nhưng không có cách nào khác là phải thực hiện, bởi nó gắn liền với sinh kế của hàng chục triệu nông dân, bảo đảm an ninh nguồn nước, an ninh lương thực và cả an toàn tính mạng của người dân.