Ngổn ngang hậu tái định cư: Tạm cư, lại lỗi hẹn (Kỳ 2)

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo tái định cư (TĐC), tính đến ngày 15/06/2008, trong tổng số 4.636 căn hộ tạm cư trễ hạn trên địa bàn thành phố (TP) có 90% các hộ dân thuộc dự án ngân sách và 81,3% thuộc dự án ngoài ngân sách đã nhận suất TĐC. Như vậy, lời hẹn cuối tháng 06/2008 sẽ giải quyết TĐC dứt điểm cho các hộ dân tạm cư thêm một lần nữa lỗi hẹn!

Ngổn ngang hậu tái định cư: Vừa chậm, vừa thiếu (Kỳ 1)

Chưa an cư, sao lạc nghiệp?

Ban chỉ đạo TĐC cho biết, TP đã giải quyết đủ quỹ nhà, nền đất TĐC cho các hộ tạm cư thời gian dài trên địa bàn TP. Hiện chỉ còn khoảng 255 hộ đang chờ TĐC tại chỗ, 29 hộ đang khiếu nại, 72 hộ đang chuyển vị trí TĐC, 288 hộ chưa đủ tiền đóng. Thế nhưng, các hộ dân có được an cư sau khi được bố trí TĐC như con số báo cáo tròn trĩnh của Ban chỉ đạo TĐC?

Ông Phạm Văn P. là một trong những hộ dân bị giải tỏa thuộc phường Bình Khánh và An Phú quận 2 hiện đang sống tại căn nhà lá cất tạm 5 năm nay trong khu vực được bố trí TĐC 17,3 ha Thủ Thiêm quận 2 để chờ nền đất TĐC. Ông P. cho biết, gia đình ông có 9 nhân khẩu bị thu hồi khoảng 8.000m² đất nông nghiệp và 400m² đất thổ cư vào năm 2003. Đến quý II-2005, ông được bố trí 5 nền đất tại dự án 17,3 ha. Ông chuyển nhượng 2 nền đất với giá khoảng 500 triệu đồng/nền từ năm 2005 để cất nhà trên 3 lô đất còn lại nhưng do hạ tầng của khu TĐC 17,3 ha Thủ Thiêm chưa xong nên không thể xây nhà.

Ông P. bức xúc: “Gia đình từ 9 nhân khẩu đến nay đã thành 14 (có thêm 5 đứa cháu) nên chúng tôi phải chia nhau ra sống mỗi người mỗi nơi. Đất không còn để canh tác, cuộc sống gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Lúc trước với 500 triệu đồng có thể xây dựng một căn nhà, chứ hiện nay giá vật liệu xây dựng leo thang thì cả tỷ đồng chưa hẳn đã xây được… Tiền thì mấy năm qua đã ăn dần rồi, cứ chờ kiểu này thì khi giao đất tôi cũng không biết làm sao xây nổi nhà để ở!”.

Mỏi mòn chờ TĐC như trường hợp ông P. hiện không ít. Nhiều hộ dân phường Cát Lái quận 2 bị thu hồi đất gần 5 năm nay để thực hiện dự án mở rộng kho bãi phục vụ di dời cảng nhưng đến nay khu TĐC vẫn còn nằm trên giấy! Hầu hết người dân tại khu vực này đều sống bằng nghề nông cả mấy chục năm nhưng bây giờ trở nên vô công rỗi nghề. Không còn đất để làm, chẳng có việc làm ổn định, qua nhiều năm chờ TĐC, số tiền nhận được từ việc đền bù đất nông nghiệp vốn ít ỏi nên không ít gia đình đã xài hết số tiền trên mà nhà TĐC thì vẫn mù mịt. Chính vì thế, hiện có rất nhiều hộ dân sau khi được giao nhà, giao nền thì không đủ tiền để đóng.

Và hệ lụy

Theo thống kê sơ bộ, những khu TĐC không bảo đảm chất lượng hoặc hạ tầng không đồng bộ là những khu TĐC bị “bán lúa non” nhiều nhất. Dạo một vòng quanh các khu vực được bố trí nền đất TĐC như khu TĐC 5,9/38 ha phường Tân Thới Nhất quận 12, rất nhiều nền đất tại đây đã được chuyển nhượng, nhiều cò đất nắm trong tay hàng chục nền đất, đủ các lô để khách lựa chọn; rất nhiều hộ dân được TĐC tại khu vực 17,3 ha Thủ Thiêm quận 2 cũng đã sang nhượng nền đất vì chờ hoàn chỉnh hạ tầng quá lâu…

Trong đợt khảo sát năm 2007 của Sở Xây dựng và một số quận – huyện về tình trạng “bán lúa non” nhà đất TĐC, có những nơi đến 80% người vào ở các chung cư TĐC không phải là đối tượng được TĐC.

Mặc dù hiện nay chưa có con số chính thức về việc bán suất TĐC tại TP nhưng theo báo cáo sơ bộ của các quận – huyện, chung cư 14A Lạc Long Quân quận 11 có đến 40% số hộ không phải là đối tượng TĐC, khu TĐC của khu đô thị mới Thủ Thiêm có trên 200 trường hợp đã bán phiếu TĐC.

Theo tìm hiểu, được biết 60% – 70% các hộ dân TĐC tại chung cư Hà Kiều quận Gò Vấp, chung cư Huỳnh Văn Chính quận Tân Phú đã bán căn hộ của mình; trên 50% căn hộ tại chung cư TĐC Phạm Viết Chánh quận Bình Thạnh đã được các hộ TĐC bán đi hoặc cho người khác thuê lại để ở…

Mới đây, nhằm ngăn chặn tình trạng này, UBNDTP chỉ đạo phải xử lý nghiêm việc mua bán, chuyển nhượng các căn hộ tại các chung cư TĐC quận 11. Thế nhưng, việc mua bán suất TĐC tại khu chung cư Trường đua Phú Thọ và chung cư Cây Mai vẫn rất nhộn nhịp. Để tìm hiểu thực hư, thử đến chung cư Trường đua Phú Thọ. Vừa tới cổng hỏi thăm, đã thấy rất nhiều cò tìm đến chèo kéo gạ bán. “Muốn lô nào cũng có, nếu muốn thì lên tận nơi để coi… Giá khoảng 830 triệu đồng – 1 tỷ đồng/căn hộ 66m², chênh lệch khoảng 300 triệu đồng/căn hộ so với giá mua theo suất TĐC, tùy theo tầng và vị trí…” – một cò đất tên Thúy giới thiệu.

Thấy khách băn khoăn về giấy tờ nhà, chị này động viên: “Yên tâm đi, tụi tui bán hàng chục căn rồi. Hầu hết những người sống ở đây đều mua lại suất TĐC chứ người dân được TĐC ở đây có mấy…”. Nhà cửa đẹp và khang trang thế này tại sao người dân không ở mà bán, hay là chất lượng nhà có vấn đề? “Đa số những hộ bán suất TĐC là do không có đủ tiền để mua nhà, mỗi tháng góp cả 3 – 4 triệu đồng, dân lao động tiền đâu ra mà góp” – cò Thúy cho biết.

Việc “bán lúa non” các suất TĐC đã xuất hiện nhiều năm qua nhưng việc giao dịch, mua bán kiểu ủy quyền cho người khác
nhận căn hộ thế này pháp luật không cấm nên cơ quan quản lý không thể can thiệp.

Với mục đích hướng “người dân thuộc diện TĐC phải được hưởng đúng quyền lợi của mình, ổn định cuộc sống sau giải tỏa”, UBND TP đã chỉ đạo các quận – huyện cùng với cơ quan chức năng kiểm tra tình hình mua bán phiếu căn hộ, nền đất TĐC và có biện pháp xử lý để chấm dứt tình trạng này. Thế nhưng các cơ quan chức năng vẫn còn loay hoay soạn thảo, đến nay TP vẫn chưa thể ban hành được quy chế quản lý việc mua bán nhà TĐC.