Cuộc tranh giành những liều vaccine COVID-19 đầu tiên

Tiến trình nghiên cứu vaccine chống dịch COVID-19 trên thế giới vẫn đang diễn ra, với nhiều loại được phê duyệt sử dụng ngay theo cơ chế khẩn cấp, nghĩa là chúng chưa hoàn thiện và còn nhiều dữ liệu chưa đầy đủ. Nhưng ngay từ lúc này, hàng loạt quốc gia giàu có đã đổ tiền để có quyền mua trước và dùng ngay những liều vaccine đầu tiên – điều sẽ khiến nhiều nước nghèo đối mặt với khả năng không có vaccine để bảo vệ người dân của họ.

Tất cả vaccine COVID-19 của thế giới, gồm những loại sử dụng theo các chương trình khẩn cấp, vẫn chưa được chứng minh có thể đạt hiệu quả ngăn ngừa 100% virus gây dịch COVID-19.Ảnh: AFP

Hàng tỉ liều vaccine đã được đặt mua

Đó là một ngày lạnh bất thường trong tháng 10 ở Johannesburg, Nam Phi, Robyn Porteous cùng một nhóm người chậm rãi đi bộ trên các bậc cầu thang lên những tầng cao hơn, để tới một phòng khám tại Viện Nghiên cứu sức khỏe sinh sản và HIV tại Đại học Witwatersrand.

“Tôi nghĩ họ bắt chúng ta phải đi như thế này chỉ để chắc chắn không ai nhiễm COVID-19” – người phụ nữ 32 tuổi pha trò khi đặt chân lên các bậc cầu thang tiếp theo. Thêm 3 tầng nữa và nhóm người cuối cùng tới một phòng chờ nhỏ.

Trong phòng, những chiếc ghế màu đen được sắp xếp theo cách thức tuân thủ quy định giãn cách xã hội. Bất chấp việc trời khá lạnh bên ngoài, các cánh cửa sổ vẫn mở toang. “Chắc để thông khí” Porteous nói. Khi ấy, Nam Phi mới trải qua đợt lây nhiễm COVID-19 đầu tiên.

Vào tháng 6 năm nay, Porteous đã có một cuộc tranh cãi nảy lửa trên mạng xã hội Twitter về việc thử nghiệm vaccine COVID-19 ở Nam Phi. Nhiều người cho rằng, tình nguyện viên có thể bị nhiễm bệnh lạ khi tham gia thử nghiệm. Số khác lên án các công ty dược vì dùng người Nam Phi như “chuột thí nghiệm”.

Porteous đã chống lại các quan điểm này, nhưng cô không ngờ sẽ có lúc mình được lựa chọn làm tình nguyện viên thử vaccine COVID-19 của hãng AstraZeneca. Đây là một trong 4 loại vaccine COVID-19 được thử nghiệm ở Nam Phi. “Cảm giác giống như tôi muốn tham gia thách thức, muốn được làm điều gì đó” – cô nói về quyết định trở thành tình nguyện viên. “Tôi không thể đóng góp nhiều tiền bạc, nhưng có thể hiến tặng cơ thể mình cho các nghiên cứu khoa học hữu ích”.

Porteous là một trong số 2.000 người tham gia nghiên cứu. Cuộc thử nghiệm ở Nam Phi diễn ra sau khi hoạt động thử nghiệm ban đầu ở Anh cho thấy, vaccine an toàn và có kích thích cơ thể tạo kháng thể chống COVID-19. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện có vài chục loại vaccine COVID-19 đã tiến vào giai đoạn thử nghiệm trên con người, gồm 4 loại ở Nam Phi.

Nhưng trước khi bất kỳ loại vaccine được chứng minh hiệu quả trong việc ngăn dịch, đã xuất hiện một vấn đề rất lớn liên quan tới chúng: Nhiều quốc gia giàu có, gồm Anh, Mỹ, các nước trong Liên minh Châu Âu, đang đổ tiền để có quyền mua trước một lượng lớn vaccine ngay khi chúng đi vào sản xuất hàng loạt. Một phân tích do Đại học Duke ở Anh quốc tiến hành gần đây thấy rằng, nhiều nước đã xác nhận việc chắc chắn mua tới 3,8 tỉ liều vaccine. Khoảng 5 tỉ liều khác đang được đàm phán mua và đặt trước, tính tới cuối tháng 10.

Không chỉ tích cực đi mua, các nước giàu còn ban hành những chính sách để người dân của họ có cơ hội dùng vaccine trước thế giới. Cụ thể vào tháng 9, thượng nghị sĩ Mỹ Thom Tillis đã đề xuất Dự luật vaccine nước Mỹ trên hết. Nếu được thông qua, dự luật sẽ cấm xuất khẩu tất cả các loại vaccine COVID-19 được phát triển bằng tiền ngân sách, cho tới khi các công ty sản xuất những loại vaccine này đáp ứng đủ nhu cầu trong nước.

“Một khi loại vaccine đó được phát triển xong, người Mỹ phải được sử dụng ngay, trước khi nó được chuyển cho các nước khác… Điều này để đảm bảo người dân thu được lợi ích từ sự đầu tư của họ” – ông Tillis tuyên bố. Theo Tổ chức nghiên cứu Public Citizen, chính quyền Mỹ đã đầu tư ít nhất 11 tỉ USD vào hoạt động phát triển vaccine COVID-19.

Tuy nhiên, việc đưa yếu tố dân tộc chủ nghĩa vào vaccine, giống như những gì ông Tillis đã làm với dự luật của ông ta, lại không phải là điều mới mẻ. Tuần báo y học The Milbank Quarterly cho biết, thời kỳ dịch cúm H1N1 hoành hành hồi năm 2009, nhiều nước giàu sản xuất được vaccine đã từ chối xuất khẩu chúng cho tới khi họ đã đáp ứng nhu cầu sử dụng ở trong nước. Và khi dịch COVID-19 xuất hiện, nó đã xới lại các vấn đề cũ liên quan tới vaccine.

AstraZeneca là một trong 4 công ty đang thử nghiệm vaccine COVID-19 ở Nam Phi. Ảnh: AFP

Sáng kiến mua vaccine với chi phí vừa phải

Dường như nhận thấy trước viễn cảnh mua vaccine sẽ giống như một cuộc tranh cướp, từ tháng 4 năm nay, Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI) đã triển khai sáng kiến mang tên COVAX. Dưới sự điều phối của GAVI và nhiều tổ chức liên quan, gồm Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), COVAX sẽ đóng vai trò một nền tảng hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, phát triển và sản xuất nhiều loại vaccine COVID-19, đồng thời cũng sẽ thương thảo về giá của chúng.

Tất cả quốc gia tham gia COVAX, không cần biết là nước giàu hay nghèo, đều sẽ có quyền mua lượng vaccine bằng nhau sau khi hoạt động phát triển diễn ra thành công.

COVAX đặt mục tiêu sẽ mua được 2 tỉ liều vaccine vào cuối năm 2021 để phân phối cho các nước tham gia, và con số này được đánh giá là đủ để bảo vệ các cư dân thuộc nhóm rủi ro cao, cũng như các nhân viên y tế. Cho tới nay, COVAX đã đạt được thỏa thuận mua 700 triệu liều vaccine COVID-19 tiềm năng, vượt qua cả các quốc gia giàu có như Anh, Nhật Bản và Canada.

Trong khuôn khổ COVAX, các nước nghèo sẽ chỉ phải trả một khoản tiền (đã được trợ giá) cao nhất là 4 USD để có một đơn vị vaccine gồm 2 liều. Ban đầu, COVAX hứa hẹn sẽ cung cấp vaccine miễn phí cho các quốc gia thu nhập thấp. Tuy nhiên, một quyết định do ban lãnh đạo GAVI đưa ra hồi tháng 9 năm nay đã quyết định rằng, các nước đều phải có những đóng góp nhất định. Với các quốc gia có thu nhập trung bình và cao, họ sẽ phải trả tiền nguyên giá để có được vaccine. Tuy nhiên, mức giá chắc chắn sẽ không cao như khi họ đàm phán thẳng với các công ty dược.

Tính tới ngày 19.10, đã có 82 nước ký kết các hợp đồng ràng buộc pháp lý để tham gia chương trình – hiện đã quyên được hơn 2 tỉ USD tiền vốn.

COVAX được triển khai dựa trên thành công của GAVI với một sáng kiến tương tự hồi năm 2005 liên quan tới một loại vaccine ngừa phế cầu khuẩn. Bệnh do phế cầu khuẩn gây ra, như viêm màng não, viêm phổi… có thể khiến người mắc bệnh tử vong. Thời điểm cho tới trước tận năm 2005, mỗi năm ở Nam Phi có 100.000 trẻ dưới 5 tuổi phải nhập viện vì các căn bệnh liên quan tới phế cầu khuẩn. Trên toàn cầu, mỗi năm có hàng trăm nghìn đứa trẻ dưới 5 tuổi tử vong vì bệnh liên quan tới phế cầu khuẩn và trong năm 2008, khoảng 6/10 những cái chết là ở Châu Phi, theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới.

Điều đáng chú ý là từ năm 2000, Mỹ đã ra mắt một loại vaccine ngăn chặn bệnh do phế cầu khuẩn gây ra. Nhưng 8 năm sau vaccine này vẫn quá đắt đỏ đối với nhiều nước Châu Phi. Trước khi lên án các công ty dược vì bán thuốc giá cao, cũng cần phải nhìn nhận một thực tế rằng phát triển vaccine là một hoạt động có nhiều rủi ro về mặt tài chính. Phải mất nhiều thập kỷ và hàng triệu USD để tạo ra một vaccine mới, theo Trung tâm Phát triển Toàn cầu Mỹ. Nếu các nước nghèo không có đủ tiền để mua thì các công ty cũng không đầu tư nghiên cứu vaccine, bởi bài toán về lợi nhuận.

Đầu những năm 2000, giới chuyên gia y tế nghĩ ra ý tưởng vượt qua khó khăn này: Cam kết tiêu thụ sản phẩm. Ý tưởng này trông có vẻ đơn giản: Nếu các nước nghèo cùng nhau góp tiền và chuyển tiền trước cho các nhà sản xuất vaccine, họ sẽ tạo động lực cho việc nghiên cứu chế tạo loại vaccine mới. Khi nhận sự đảm bảo sẽ thu lợi nếu làm vaccine mới, các hàng sản xuất cũng phải chấp nhận điều khoản sẽ bán vaccine với giá hợp lý, trong một khoảng thời gian nhất định. Đây cũng chính là cơ sở để COVAX ra đời.

Năm 2007, GAVI đã sử dụng ý tưởng trên để thúc đẩy việc sản xuất vaccine phế cầu khuẩn với giá hợp lý. Trong thỏa thuận của GAVI, các công ty cam kết sẽ bán vaccine với giá chỉ bằng một phần rất nhỏ mức giá ban đầu – cụ thể là 3,5 USD cho một đơn vị vaccine thay vì 50 USD.

Trước đó, các nước thu nhập thấp phải chờ hàng thập kỷ trước khi vaccine có thể đến với họ. Nhưng nỗ lực của GAVI đã thay đổi điều này. Chưa đầy 1 thập kỷ sau khi cam kết tiêu thụ sản phẩm của GAVI được triển khai, 54 quốc gia tham gia vào thỏa thuận – từ Afghanistan tới Zimbabwe – đã nhận được những lô vaccine ngừa phế cầu khuẩn đầu tiên. Tới năm 2015, thỏa thuận đã giúp cứu mạng gần 300.000 đứa trẻ. Có thể nói, thỏa thuận liên quan tới phế cầu khuẩn đã giúp đẩy nhanh hoạt động tiếp cận với vaccine của các nước nghèo. Đến năm 2030, thỏa thuận này sẽ giúp cứu mạng 3 triệu đứa trẻ.

Thỏa thuận của GAVI cũng khiến các công ty dược chú ý và bắt đầu tạo ra những loại vaccine dành riêng cho các nước phát triển, ví dụ dễ vận chuyển và bảo quản hơn. Và chương trình cũng cho thấy rằng, các nước thu nhập thấp vẫn có nhu cầu sử dụng vaccine ngay cả khi thỏa thuận ban đầu đã kết thúc. Điều này khích lệ các công ty sản xuất vaccine đầu tư thêm vào hoạt động sản xuất.

Có vaccine để mua là một điều may mắn

Nhưng thỏa thuận cũng có những giới hạn của nó. Ví dụ, thỏa thuận không được thiết kế để tăng số lượng các công ty được phép tham gia sản xuất vaccine phế cầu khuẩn, vốn có thể giúp làm tăng nguồn cung và đẩy giá vaccine xuống nhanh hơn. Trong khi đó, các công ty có mặt trong thỏa thuận chưa bao giờ đáp ứng nổi toàn bộ nhu cầu của thị trường.

Một số cho rằng, COVAX sẽ lặp lại sai lầm này trong quá khứ. Giống như với vaccine phế cầu khuẩn, COVAX cố gắng đẩy mạnh nguồn cung vaccine thông qua việc tăng hoạt động sản xuất.

Nhưng Kate Elder – một chuyên gia tư vấn về vaccine cho tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF) – nói rằng, COVAX vẫn chưa yêu cầu các công ty dược phải cho phép bên khác sản xuất vaccine do họ cấp bản quyền. “Chúng ta vẫn đang ở trong mô hình mà ngành dược vẫn có toàn quyền kiểm soát lượng vaccine mà họ sẽ sản xuất trong tương lai, giống như với vaccine phế cầu khuẩn” – bà nói.

Nhưng giám đốc chương trình quốc gia của GAVI là Thabani Maphosa không đồng tình với quan điểm này. “Bản quyền, tính riêng trong trường hợp sản xuất vaccine, mới chỉ là một khía cạnh của vấn đề” – ông nói với Al Jazeera. “Các khía cạnh quan trọng hơn là các bí quyết của công ty vaccine và chi phí để khởi động nghiên cứu rất lớn, bởi hoạt động sản xuất vaccine cần tới hàng nghìn hoạt động chế tạo”.

Maphosa cũng nói rằng, hoàn toàn phi thực tế nếu nghĩ các quốc gia không có khả năng chế tạo vaccine sẽ có khả năng này chỉ sau vài tháng, kể cả khi họ được chia sẻ bí quyết sản xuất. “Áp lực về nguồn cung, chứ không phải vấn đề bản quyền, sẽ là rào cản lớn nhất để đạt được mục tiêu cung cấp vaccine COVID-19 cho toàn cầu” – ông nói.

GAVI hiện không tiết lộ các nước tham gia COVAX phải đặt trước bao nhiêu tiền để có quyền mua vaccine với giá hợp lý. Nhưng có điều chắc chắn rằng yếu tố để đánh giá một khoản đầu tư dành cho vaccine hợp lý hay không sẽ nằm ở chỗ vaccine hiệu quả tới đâu và người ta cần nhiều hay ít đơn vị vaccine để khống chế được dịch bệnh.

Giống như những gì đã xảy ra với vaccine phế cầu khuẩn, nhu cầu sử dụng vaccine COVID-19 của từng nước chắc chắn sẽ rất khác nhau. Trong đợt bùng dịch COVID-19 đầu tiên trên thế giới, chỉ 10% người lớn Tây Ban Nha nhiễm virus SARS-CoV-2. Nhưng ở Nam Phi, tỉ lệ này cao tới 45%, theo lời một số chuyên gia. Dù ít người nhiễm bệnh, số nạn nhân tử vong ở Tây Ban Nha lại rất cao, lên tới 36.257 người tính tới đầu tháng 11, tức gần gấp đôi con số 19.465 của Nam Phi.

Các nhà khoa học vẫn không thể biết rõ những người sống sót sau khi nhiễm COVID-19 sẽ mang trong mình dạng miễn nhiễm nào, cũng như các loại vaccine tương lai có thể tạo ra dạng miễn nhiễm gì. Nhưng giả dụ việc nhiễm COVID-19 có kích thích cơ thể tạo đề kháng giúp chống lại khả năng tái nhiễm bệnh trong tương lai, các nước như Nam Phi chắc chắn sẽ chỉ phải dùng lượng vaccine ít hơn nhiều so với Tây Ban Nha. Và để xác định được những điều trên, các nhà khoa học vẫn cần rất nhiều dữ liệu, từ các tình nguyện viên như Porteous.

Trở lại phòng khám ở Johannesburg, Porteous đã hoàn tất việc tiêm vaccine thử nghiệm. Cô rất kỳ vọng rằng vaccine sẽ hiệu quả và Nam Phi sẽ sớm nhận được các đơn vị đầu tiên với giá phải chăng. “Nếu không thì tôi chỉ là một con chuột trong lồng, đang bị điều khiển bởi cỗ máy tư bản củ nghĩa, và điều đó thật tồi tệ” – cô cười nhẹ.

Nhưng nếu Nam Phi không thể mua được vaccine trong trận dịch này thì sao? Khi nhận câu hỏi này từ phóng viên Al Jazeera, cô trả lời thành thật: “Điều đó sẽ làm giảm ý nghĩa của những gì chúng tôi đang làm ở đây, bởi trong lịch sử đã có nhiều lần thân thể người Châu Phi được dùng làm vật thí nghiệm, với lợi ích cuối cùng lại không phục vụ người Châu Phi. Nếu phát hiện mình đang góp phần lặp lại điều này, tôi sẽ rất tức giận”.

Vài công ty dược, gồm AstraZeneca và Novavax, đã khẳng định họ sẽ không nhận lợi nhuận từ các lô vaccine bán cho những nước thu nhập thấp. Công ty dược GlaxoSmithKline, nơi đang hợp tác với Hãng dược Sanofi, cũng tuyên bố không có ý định thu lợi từ vaccine COVID-19 trong đại dịch lần này.

Nhưng nhiều nhà hoạt động, kể cả tổ chức Bác sĩ không biên giới, đã chỉ ra rằng gần như không thể giám sát xem liệu các công ty có thực hiện tuyên bố không thu lợi này hay không, khi mà ngay cả việc sản xuất vaccine tốn kém như thế nào cũng bị họ từ chối tiết lộ thông tin.

Chi phí sản xuất thuốc và vaccine là một bí mật được canh giữ cẩn mật trong ngành dược. Không có thông tin về chi phí sản xuất, người ta không thể chống lại mức giá cao mà các hãng dược đưa ra, với cái cớ là để thu lại khoản vốn đã đổ vào đầu tư và phát triển vaccine.

Nếu vaccine của Novavax thành công, Nam Phi sẽ được ưu tiên mua với mức giá 3 USD mỗi liều. Áp lực chính trị có thể khiến AstraZeneca phải làm điều tương tự. 3 USD một liều là con số mà COVAX đang đề nghị nhiều nước thu nhập thấp phải trả. Nó vẫn rẻ hơn nhiều số tiền mua vaccine mà Nam Phi phải trả cho COVAX, do quốc gia này không nằm trong nhóm nước nghèo và không được trợ giá.

Nhưng có vaccine để mua đã là điều may mắn. Với nhiều nước khác trên thế giới, họ gần như không có lựa chọn nào khác ngoài COVAX. “Thực tế là đa số quốc gia, nơi 87% quy mô dân số thế giới sinh sống, sẽ chỉ có nguồn cung vaccine rất hạn chế, ít nhất là trong năm 2021” – Madhi nói. “COVAX không chiều lòng tất cả quốc gia, nhưng từ góc độ toàn cầu, đây là lựa chọn duy nhất đảm bảo việc tiếp cận vaccine kịp thời, với chi phí vừa phải. Nếu đứng ngoài COVAX, những gì xảy ra sẽ là không có vaccine cho khu vực cận Sahara, cho đến tận khi đại dịch đã kết thúc”.

Tường Linh (Theo Al Jazeera)

Nguồn: