Đồng bằng sông Cửu Long: Những thách thức chưa từng có

Sau hơn 3 thập kỷ kể từ khi đổi mới, mặc dù ĐBSCL đã thành công trong việc xóa đói, giảm nghèo nhưng vùng đất này vẫn chưa đem lại được sự thịnh vượng cho phần lớn người dân. Bằng chứng là tốc độ phát triển của Vùng đã chậm lại một cách đáng kể, mức sống của người dân thấp hơn mức trung bình của cả nước…

GDP của ĐBSCL tụt mạnh

Thống kê từ Báo cáo thường niên năm 2020 của VCCI Cần Thơ cho thấy: Vai trò kinh tế của ĐBSCL đang giảm dần so với các vùng khác trong cả nước. Đóng góp của ĐBSCL vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong ba thập kỷ qua giảm mạnh. Nếu so với TP HCM , vào năm 1990, GDP của TP HCM chỉ bằng 2/3 so với ĐBSCL thì hai thập niên sau, tỷ lệ này đã hoàn toàn đảo ngược và duy trì cho đến ngày hôm nay. Và người ta ngạc nhiên với kết quả này bởi ĐBCSL có lợi thế nằm ngay sát TP HCM và vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ năng động và phát triển.

ĐBSCL vẫn là vựa lúa của cả nước.

Theo các chuyên gia trong nhóm nghiên cứu về vùng ĐBSCL, nguyên nhân quan trọng khiến tăng trưởng GDP của ĐBSCL thấp hơn TP HCM và Đông Nam bộ là do ĐBSCL được giao sứ mệnh đảm bảo an ninh lương thực cho cả nước, vì vậy phải tập trung vào nông nghiệp và sản xuất lúa gạo, và kết quả là chậm chuyển dịch sang các ngành có năng suất cao hơn.

Chia sẻ với PV Đại Đoàn kết, ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ cho biết: Hàng chục năm trước chúng ta là quốc gia xuất khẩu nông sản, trong khi đó nông sản lấy chủ yếu từ vùng ĐBSCL vì vậy hồi đó GDP của ĐBSCL cao hơn TP HCM là rõ ràng. Câu chuyện đặt ra GDP của vùng đã cao, nếu có giảm thì giảm mặt hàng này thì phải cao mặt hàng khác.

Nhưng do không đầu tư những ngành hàng mới, trong khi cứ dựa vào cái cũ khai thác thì tụt hậu là tất yếu. “Thực chất GDP ở ĐBSCL không giảm mà do các địa phương khác họ tăng lên, còn ĐBSCL dường như giữ nguyên hay tăng rất chậm” – ông Lam nói.

Cũng theo ông Lam, bên cạnh những yếu tố chủ quan thì việc GDP của vùng giảm mạnh trong 2 thập niên vừa qua còn có yếu tố khách quan. Chúng ta thử đi về vùng quê – những nơi đang hứng chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu mới thấy rất rõ ràng hệ lụy. Cụ thể như sầu riêng hay măng cụt, họ trồng 5 hay 6 năm mới có trái, nhưng khi bị nhiễm mặn chỉ 2 tuần, toàn bộ sầu riêng, măng cụt bị chết hết. Như vậy người dân trắng tay, thậm chí còn treo trên đầu những khoản nợ ngân hàng. Tình trạng này cứ tiếp diễn và người dân thấy rủi ro quá lớn từ nông nghiệp nên họ đành phải bỏ đi tìm việc khác.

ĐBSCL đang trải qua một loạt thách thức lớn

Báo cáo thường niên của VCCI Cần Thơ cũng cho thấy, ĐBSCL đang trải qua những thách thức lớn nhất trong lịch sử hình thành và phát triển. Nhóm thách thức thứ nhất liên quan tới đất, nước biển dâng và xâm nhập mặn, sự suy giảm về cả khối lượng và chất lượng nước do mạng lưới chằng chịt hơn 140 đập thủy điện lớn ở thượng nguồn gây ra, và nguy hiểm hơn cả là những chính sách hay tập quán canh tác bất cập kéo dài đang bào mòn sức sống của đồng bằng.

Nhóm thách thức thứ hai là về nhân khẩu học, số lượng và chất lượng lao động. Trong giai đoạn 2009 – 2019, dân số của ĐBSCL hầu như không đổi. Nguyên nhân chính là do ĐBSCL có tỷ suất di cư thuần cao nhất cả nước, lên tới 39,9%, chủ yếu là do tình trạng thiếu cơ hội việc làm và cơ hội kinh tế tại địa phương. Không chỉ thiếu lao động, chất lượng nguồn nhân lực của ĐBSCL cũng luôn là vùng trũng của cả nước.

Nhóm thách thức thứ ba là về kinh tế. Trong khi các động lực tăng trưởng kinh tế truyền thống chính của vùng ĐBSCL như lúa và thủy hải sản đang có dấu hiệu đạt ngưỡng thì các động lực tăng trưởng mới vẫn còn yếu ớt, thậm chí chưa thành hình. Đây là lý do chính khiến các tỉnh ở ĐBSCL trăn trở với bài toán chuyển đổi cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng nhưng chưa tìm được câu trả lời thỏa đáng. Thách thức này càng trở nên bức xúc khi ĐBSCL tụt hậu ngày càng xa so với vùng Đông Nam Bộ, thậm chí cảm nhận mình bị bỏ rơi” trong sự phát triển chung của cả nước.

Nhóm thách thức thứ tư là về khoa học – công nghệ. Là một “vùng trũng” về công nghệ, lại đang dựa chủ yếu vào nền sản xuất nông nghiệp truyền thống và công nghệ lạc hậu, những cú sốc này sẽ tạo ra nhiều thách thức to lớn cho ĐBSCL.

Trước những thách thức nói trên ông Nguyễn Phương Lam cho rằng: trong nguy có cơ – không phải mọi thách thức đều bất lợi. Trái lại, chúng buộc các tỉnh ĐBSCL phải nhìn nhận lại một cách thấu đáo về mục tiêu phát triển, đánh giá lại các động lực tăng trưởng hiện có, suy nghĩ về thế mạnh và nguồn lực của mình, để từ đó tư duy lại về mô hình phát triển. ĐBSCL cần xây dựng cho mình, không chỉ là mô hình tăng trưởng kinh tế mới, mà quan trọng hơn là một mô hình phát triển mới. Và đây là việc cần phải làm ngay.

Theo các chuyên gia nằm trong nhóm nghiên cứu về vùng ĐBSCL thì, nguyên nhân quan trọng khiến tăng trưởng GDP của ĐBSCL thấp hơn TP HCM và Đông Nam Bộ là do ĐBSCL được giao sứ mệnh đảm bảo an ninh lương thực cho cả nước, vì vậy phải tập trung vào nông nghiệp và sản xuất lúa gạo, và kết quả là chậm chuyển dịch sang các ngành có năng suất cao hơn.