Cà Mau: Phát triển mô hình nuôi cá chình và cá bống tuợng

ThienNhien.Net – Một vài năm gần đây, nhiều nông dân ở Cà Mau đã tìm ra hướng phát triển kinh tế mới bằng nghề nuôi cá cho thu nhập cao, đặc biệt là mô hình nuôi cá chình kết hợp cá bống tượng trên đầm nuôi tôm. Kết quả đạt được hết sức bất ngờ, nhiều hộ đã giàu lên nhanh chóng nhờ thu hoạch mấy vụ cá bống tượng và cá chình. Tương lai, trong năm 2008 này, mức thu nhập hàng trăm triệu đồng/hộ không phải xa vời, vì hiện nay cá nuôi đang phát triển rất tốt.

Điển hình trong phong trào nuôi cá ở đây phải kể đến hộ ông Lê Văn Hở, là thành viên của Tổ sản xuất kinh doanh giỏi ở ấp 6, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh. Năm 2007, ông Hở thu khoảng 120 triệu đồng từ cá chình và cá bống tượng. Hiện tại, ông Hở còn 9 ao nuôi quy mô lớn, trong đó cá chình 6 ao với gần 40kg cá giống; cá bống tượng 3 ao với 380 con cá giống. Ông Hở cho biết, cá đang phát triển bình thường, sức ăn mạnh, dự kiến cuối năm nay sẽ thu về cho gia đình ông từ 150 triệu đồng trở lên. Còn gia đình ông Đỗ Văn Đủ, cũng là hộ thành viên của tổ sản xuất kinh doanh giỏi ở Ấp 6, có thu nhập gần 30 triệu đồng trong vụ cá vừa qua. Số cá trong các ao nuôi còn lại, ông Đủ sẽ thu hoạch vào khoảng tháng 7 năm nay và dự kiến sẽ đem về cho gia đình ông không dưới 100 triệu đồng.

Tổ sản xuất kinh doanh giỏi Ấp 6, xã Nguyễn Phích được thành lập từ năm 2003 với 11 hộ thành viên. Lúc mới thành lập, bà con nơi đây chỉ nuôi tôm, cá chẻm và cua. Qua một thời gian học tập kinh nghiệm, bà con đã mạnh dạn đầu tư nuôi thêm cá chình và cá bống tượng, với ước mong sớm được đổi đời sau nhiều vụ tôm nuôi bị rủi ro. Trong ruộng nuôi, bà con vẫn thực hiện mô hình một vụ lúa một vụ tôm, thả xen canh cá chẻm và cua. Trong vườn, bà con đầu tư vốn để làm ao nuôi và mua cá chình, cá bống tượng giống về thả. Tuy nhiên, vì phải đầu tư vốn lớn nên không phải hộ nào cũng có khả năng thực hiện mô hình này.

Qua nhiều năm sản xuất đa canh, đời sống của bà con nơi đây phát triển rất nhanh, cải thiện đáng kể mức sống của từng gia đình, diện mạo nông thôn đã đổi thay nhanh chóng. Nhiều hộ đã trả được nợ vay ngân hàng, xây được nhà khang trang, mua sắm tiện nghi sinh hoạt và phương tiện đi lại đắt tiền, nuôi con ăn học đàng hoàng… nhờ vào nuôi cá chình và cá bống tượng.

Hiện nay, trong ao nuôi của mỗi gia đình có từ vài chục tới vài trăm con cá chình và cá bống tượng giống. Theo bà con ở đây, mỗi con cá chình khi bán phải có mức thu từ 1 triệu đồng trở lên, số cá không đạt mức đó, bà con sẽ tiếp tục thả nuôi. Ông Nguyễn Văn Ngọt, Phó trưởng ấp Ấp 6, xã Nguyễn Phích, cho biết: “Trong năm 2007, mức thu nhập của bà con trong tổ bình quân khoảng 40 triệu đồng/hộ. Dự kiến trong năm 2008 mức thu bình quân sẽ là 70 triệu đồng. Hiện tại, bà con còn 54 ao chưa thu hoạch, cá đang phát triển rất nhanh, chưa phát hiện dịch bệnh. Bà con rất phấn khởi chờ ngày thu hoạch”.

Một điển hình khác về mô hình nuôi cá chình kết hợp cá bống tượng trên đầm nuôi tôm là anh Nguyễn Văn Hải ở ấp Cái Rắn, xã Phú Hưng, huyện Cái Nước. Khi nghề nuôi tôm ngày một bấp bênh do môi trường thường xuyên biến động, anh Hải đã bố trí mô hình nuôi cá chình kết hợp cá bống tượng hết sức linh hoạt trên diện tích 5.000m2 và chia ra thành 5 đầm nuôi riêng biệt.

Trên bờ bao xung quanh anh trồng rau đắng để giữ đất, tránh tình trạng nước đục và phèn từ trên bờ trôi xuống khi trời mưa, làm xáo trộn môi trường nước, ảnh hưởng đến sức khỏe của cá. Cách bờ ra khoảng 3m, anh đào kênh, có độ sâu từ 1,2 – 1,5m, ở giữa là mặt ruộng có độ sâu trên dưới 90cm. Cách thiết kế này sẽ tạo nơi trú ẩn an toàn cho cá, nếu như thời tiết lạnh cá sẽ tìm lên mặt ruộng, còn khi thời tiết nắng gay gắt, nhiệt độ tăng cao, cá sẽ xuống kênh trú ẩn.

Theo anh Hải, cách làm này có nhiều ưu thế, bất kỳ điều kiện thời tiết nào cá cũng thích nghi tốt với môi trường nên không sinh ra bệnh tật, chính vì vậy tỷ lệ cá nuôi đạt đầu con rất cao. Với cách làm này mỗi năm trừ chi phí, anh còn lãi cả 100 triệu đồng.

Lý giải về lợi ích của mô hình nuôi cá chình kết hợp cá bống tượng trên đầm nuôi tôm, Kỹ sư Thái Quốc Dự – Trưởng Trạm Khuyến ngư huyện Cái Nước, cho biết: “Khi nuôi ghép giữa cá chình với cá bống tượng có rất nhiều lợi thế, như: hạn chế nguồn thức ăn dư thừa, bởi vì khi chúng ta cho cá ăn, thì lúc nào cá chình cũng vào chộp ăn trước, làm thức ăn rơi vãi ra bên ngoài và sau đó cá bống tượng sẽ đến ăn sau. Nguồn thức ăn trong đầm nuôi không bị dư thừa, hạn chế được ô nhiễm nguồn nước. Chính vì thế, đây là yếu tố hết sức quan trọng giúp cho cá sinh trưởng phát triển tốt và tạo được sức đề kháng cao, chống chọi lại được một số bệnh thường gặp. Mặt khác, hai loại cá này có nhiều điểm không tương đồng về tập quán sinh sống cũng như đặc điểm về hình thái, do đó chúng không bị cạnh tranh nguồn thức ăn mầm bệnh cá chình cũng không thể truyền cho cá bống tượng để gây bệnh. Đồng thời cá chình và cá bống tượng không phải là loài cá dữ, nên hoàn toàn có thể nuôi ghép để chúng hỗ trợ cho nhau về nhiều mặt. Điều này hoàn toàn có cơ sở khoa học”.

Chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng đa cây, đa con bền vững đang là hướng lựa chọn để phát triển kinh tế của Cà Mau, và bước đầu đã thành công từ một hướng đi mới với nghề nuôi cá chình và cá bống tượng ở vùng chuyển dịch và khắp nơi trong huyện, hiệu quả rất khả quan. Có thể nói, ở Cà Mau hiện nay chưa có mô hình nào cho thu nhập cao và nhanh chóng như nuôi cá chình và cá bống tượng.

Tuy nhiên, không phải hộ nông dân nào cũng thực hiện được vì họ đang thiếu vốn, vì vậy nhiều hộ đã “lực bất tòng tâm”, rất cần sự hỗ trợ vốn từ Nhà nước. Kỹ thuật nuôi cũng cần được trang bị kỹ càng hơn, vì đa số bà con nuôi cá theo kinh nghiệm dân gian, không am hiểu về tập tính, sinh trưởng, không biết cách phòng bệnh cho cá, vì vậy việc xảy ra dịch bệnh như tôm nuôi ở vùng tập trung nuôi cá là không thể tránh khỏi.