Phát hiện virus có họ hàng với SARS-CoV-2 trong dơi ở Campuchia

Các nhà khoa học đã phát hiện ra hai loại virus gần giống SARS-CoV-2 trong phân dơi được lưu trữ tại các phòng thí nghiệm của Campuchia và Nhật Bản. Đây là lần đầu tiên, họ hàng gần của virus corona chủng mới được tìm thấy bên ngoài Trung Quốc.

Một loại virus corona liên quan đến SARS-CoV-2 đã được tìm thấy trong những con dơi móng ngựa bị bắt ở Campuchia vào năm 2010. Ảnh: SPL.

Từ khi xuất hiện SARS-CoV-2, loại virus gây ra đại dịch Covid-19 trên toàn thế giới, các nhà khoa học đã không ngừng săn lùng nguồn gốc của mầm bệnh. Giống như virus SARS-CoV, gây bùng phát hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng vào đầu những năm 2000, SARS-CoV-2 có thể có nguồn gốc từ dơi móng ngựa (chi Rhinolophus); nhưng một số bằng chứng cho thấy rằng virus có thể đã truyền qua động vật khác trước khi lây nhiễm sang người.

Việc săn lùng các chủng virus corona có liên quan chặt chẽ có thể giúp các nhà khoa học giải đáp bí ẩn về cách thức SARS-CoV-2 đã nhảy từ dơi sang người, gây ra đại dịch hiện nay.

Theo bài báo đăng tải trên tờ Nature News ngày 23-11, các nhà khoa học đã phát hiện ra một loại virus như vậy ở Campuchia.

Tiến sĩ Veasna Duong, nhà virus học tại Viện Pasteur Campuchia ở Phnom Penh, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: “Thật thú vị và đáng ngạc nhiên vì đây là những gì chúng tôi đang tìm kiếm và chúng tôi đã tìm thấy”.

Nghiên cứu vẫn đang tiếp tục và chưa được công bố trên tạp chí khoa học. Nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra loại virus này trên hai con dơi móng ngựa Shamel (R. shameli). Chúng được bắt, đông lạnh và bảo quản từ năm 2010.

Để xác nhận mối quan hệ của virus này với SARS-CoV-2, các nhà khoa học đã phóng to một đoạn bộ gen của virus. Phân đoạn này được tạo thành từ 324 cặp bazơ – các khối cấu tạo của RNA – rất giống nhau giữa các cấu tạo đã biết của chủng virus corona, Tiến sĩ Alice Latinne, một nhà sinh vật học tiến hóa thuộc Hiệp hội Bảo tồn Động vật Hoang dã Việt Nam (WCS), người không tham gia nghiên cứu, nói với Nature News.

Phân đoạn này thường được sử dụng để phân biệt virus corona chủng mới với những virus corona đã biết, sử dụng những khác biệt nhỏ trong mã của nó, bà Latinne nói.

Nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng đoạn ngắn từ virus mới giống với đoạn ngắn từ SARS-CoV-2, cũng như từ họ hàng gần nhất được biết đến của nó, một virus corona từ dơi có tên là RaTG13. Nhóm nghiên cứu hiện phải giải trình tự toàn bộ bộ gen của virus mới, có khả năng chứa khoảng 30.000 cặp bazơ, để tìm ra chính xác mức độ liên quan chặt chẽ giữa virus mới với SARS-CoV-2.

Cho đến nay, nhóm nghiên cứu đã giải mã trình tự khoảng 70% bộ gen, nhưng các gen quan trọng vẫn cần được phân tích, bao gồm cả những gen liên quan protein đột biến cho phép virus xâm nhập vào tế bào.

Giáo sư Aaron Irving, một nhà nghiên cứu bệnh truyền nhiễm tại Đại học Chiết Giang, Trung Quốc, nói với Nature News: “Cho đến nay, RaTG13, họ hàng gần nhất được biết đến của SARS-CoV-2 chia sẻ 96% bộ gen với virus gây ra đại dịch, và có khả năng tách ra khỏi tổ tiên chung của mầm bệnh từ 40 đến 70 năm trước. Vì vậy, nếu virus mới phát hiện giống ít nhất 97% với SAR-CoV-2, nó sẽ thay thế RaTG13 trở thành họ hàng gần nhất được biết đến. Nếu các trình tự giống nhau ít nhất 99%, virus mới phát hiện có thể là tổ tiên trực tiếp của mầm bệnh gây ra đại dịch”.

Ngoài ra, virus mới phát hiện có thể không giống SARS-CoV-2 như RaTG13. Chẳng hạn, theo một nghiên cứu được công bố ngày 2-11 trên tạp chí Các bệnh truyền nhiễm mới nổi (Emerging Infectious Diseases), một loại virus corona gần đây được tìm thấy trong phân dơi đông lạnh ở Nhật Bản chia sẻ khoảng 81% bộ gen của nó với SARS-CoV-2. Theo các nghiên cứu, trong quá trình nuôi cấy tế bào, virus mang tên Rc-o319 này không thể xâm nhập vào tế bào người bằng cách sử dụng cùng một thụ thể mà SARS-CoV-2 sử dụng.

Liệu virus được tìm thấy ở Campuchia có thể lây nhiễm sang tế bào người hay không vẫn còn là một bí ẩn. Nhưng dù bằng cách nào, việc phát hiện ra các virus corona chủng mới ở dơi móng ngựa có thể cung cấp gợi ý về cách SARS-CoV-2 đã xâm nhập vào con người, cũng như giúp chúng ta dự đoán các đại dịch trong tương lai.

Hùng Anh (Theo Live Science, Nature)

Nguồn: