Sau vụ gấu tấn công người, Quảng Nam tăng cường bảo vệ động vật hoang dã

UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm soát, cấm việc săn, bắn động vật rừng trái phép, đồng thời tổ chức cắm các biển báo để khuyến cáo người dân hạn chế đi lại trong khu vực nguy hiểm thường xuyên có thú dữ xuất hiện.

Trước đó, vào khoảng 9h ngày 19/11, anh Hồ Văn Hội (44 tuổi, ở làng Long Héc, thôn 3, xã Trà Linh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) lên thăm vườn sâm Ngọc Linh bị gấu rừng tấn công bị thương nặng. Nạn nhân được đưa đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Nam Trà My và tiếp tục chuyển lên tuyến trên. Hiện bệnh tình nạn nhân rất nặng do đa chấn thương.

Theo người dân địa phương, cá thể gấu này thường xuất hiện ở khu vực xã Trà Cang giáp ranh xã Trà Linh. Đây là rừng nguyên sinh, nơi người dân trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng.

Người đàn ông bị gấu tấn công đang được điều trị

Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, để phòng tránh xung đột có thể gây thiệt hại đến tính mạng, tài sản của nhân dân, đồng thời bảo vệ được các loài động vật hoang dã, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về bảo vệ các loài động vật hoang dã, nhất là các loài nguy cấp, quý, hiếm.

Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm, các Ban quản lý rừng tăng cường triển khai lực lượng quản lý địa bàn, tuần tra, kiểm soát các khu vực thường xuyên có thú dữ xuất hiện để tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn và nâng cao nhận thức cho cộng đồng trong phòng tránh thú dữ tấn công; tổ chức cắm các biển báo để khuyến cáo người dân hạn chế đi lại trong khu vực nguy hiểm thường xuyên có thú dữ xuất hiện.

Thời gian qua các loài thú dữ liên tục xuất hiện ở khu vực sản xuất, sinh hoạt của người dân khu vực miền núi tỉnh Quảng Nam

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu người dân không nên tập trung để xem, quay phim, ghi hình hoặc xua đuổi; tuyệt đối không được ngủ, nghỉ lại và hạn chế tối đa việc đi lại trong rừng, trên nương rẫy vì dễ xảy ra xung đột gây nguy hiểm đến tính mạng con người, nếu thật sự cần thiết phải vào rừng thì phải đi theo nhóm; khi phát hiện có thú dữ không được dùng thuốc nổ, vũ khí để kích động hoặc tấn công, nên dùng đuốc lửa và các vật dụng có thể gây ra tiếng động lớn để xua đuổi.

UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng, đơn vị, địa phương thực hiện quyết liệt các biện pháp bảo vệ động vật hoang dã; tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tình hình để săn bắn, buôn bán, tiêu thụ và sử dụng động vật hoang dã trái pháp luật.