Ô nhiễm không khí khiến các thành phố châu Âu thiệt hại hơn 190 tỷ USD mỗi năm

Cư dân thành thị ở châu Âu phải chịu thiệt hại hơn 160 tỷ euro (khoảng 190 tỷ USD) mỗi năm do tác động của ô nhiễm không khí đến sức khỏe trong ngắn hạn và dài hạn.

Theo nghiên cứu công bố ngày 21/10, cư dân thành thị ở châu Âu phải chịu thiệt hại hơn 160 tỷ euro (khoảng 190 tỷ USD) mỗi năm do tác động của ô nhiễm không khí đến sức khỏe trong ngắn hạn và dài hạn.

Nghiên cứu do liên minh CE Delft, gồm một nhóm các cơ quan giám sát môi trường và xã hội có trụ sở ở Hà Lan, đã đưa ra một phân tích sâu rộng về chất lượng không khí, dữ liệu sức khỏe và giao thông tại hơn 400 thành phố châu Âu.

Khói bốc lên từ một cơ sở lọc dầu. Ảnh: AFP/ TTXVN

Theo đó, ô nhiễm từ nhiên liệu hóa thạch trong năm 2018 đã gây thiệt hại trung bình 1.250 euro cho một người dân thành thị, chiếm khoảng 4% thu nhập hằng năm của họ.

Tổng thiệt hại do ô nhiễm không khí gây ra với 130 triệu công dân ở các thành phố là khoảng 166 tỷ euro mỗi năm.

Nghiên cứu cũng cho thấy ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ xuất hiện các điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát.

Nhóm nghiên cứu khẳng định những kết quả trên càng chỉ ra mọi nỗ lực nhằm cải thiện phúc lợi của cư dân các thành phố châu Âu nên ưu tiên vào mục tiêu giảm ô nhiễm không khí. Năm 2018 là năm gần nhất có dữ liệu được thu thập đầy đủ để phục vụ nghiên cứu.

Để định lượng “chi phí xã hội” do khí thải gây ra cho người dân, nghiên cứu này đã phân tích hơn một chục yếu tố sức khỏe liên quan đến không khí ô nhiễm ở các thành phố.

Theo nghiên cứu này, thủ đô London của Anh có chi phí xã hội cao nhất do ô nhiễm khi người dân mất đến 11,38 tỷ euro phúc lợi.

Trong khi đó, thủ đô Bucharest của Romania và Berlin của Đức đứng thứ 2 và thứ 3 với mức chi phí xã hội lần lượt là 6,35 tỷ euro và 5,24 tỷ euro.

Hầu hết các chi phí liên quan đến nguy cơ người dân thành thị tử vong sớm cao hơn do ô nhiễm không khí.

Theo các tác giả nghiên cứu, ô nhiễm không khí ở các thành phố có nguồn gốc từ hoạt động nông nghiệp, sưởi ấm trong gia đình và sản xuất công nghiệp.

Tuy nhiên, các phân tích cũng chỉ ra việc gia tăng sử dụng ô tô có liên hệ rõ ràng với tình trạng gia tăng chi phí xã hội.

Cụ thể, việc giảm thiểu đi lại và sở hữu ô tô có tác động tích cực đến chất lượng không khí, từ đó cũng giảm chi phí xã hội.

Hồi tháng 7, dữ liệu hằng năm về Chỉ số Chất lượng không khí cuộc sống (AQLI) do Viện Chính sách năng lượng tại Đại học Chicago công bố cho thấy ô nhiễm không khí làm giảm gần 2 năm tuổi thọ của mỗi người trên Trái Đất.

Có đến gần 25% dân số toàn cầu sống ở 4 quốc gia Nam Á trong nhóm nước có mức độ ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất, gồm Bangladesh, Ấn Độ, Nepal và Pakistan. AQLI cho rằng tuổi thọ trung bình của những người dân nước này sẽ giảm 5 năm do họ phải sống trong không khí ô nhiễm cao hơn 44% so với 20 năm trước.