Đắk Nông sẽ hạn chế và tiến tới không xuất thô khoáng sản

Tỉnh Đắk Nông đặt mục tiêu nâng cao giá trị chế biến alumin và các loại khoáng sản theo hướng chế biến sâu, tăng hàm lượng khoa học công nghệ, hạn chế và đi đến không xuất thô khoáng sản.

Ngày 15/10, tại thành phố Gia Nghĩa, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã khai mạc.

Quang cảnh Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: TTXVN

Dự đại hội có 349 đại biểu chính thức đại diện cho hơn 26.500 đảng viên ở 12 đảng bộ trực thuộc. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình dự và chỉ đạo Đại hội.

Đại hội có chủ đề “Nâng cao năng lực lãnh đạo, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy ý chí, khát vọng vươn lên của các dân tộc; khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh, bền vững; giữ vững quốc phòng, an ninh; phấn đấu trở thành tỉnh trung bình khá vào năm 2025 và tỉnh phát triển khá vào năm 2030 của vùng Tây Nguyên”.

Theo Báo cáo chính trị trình Đại hội, trong 5 năm qua, Đảng bộ tỉnh Đắk Nông đã tích cực chỉ đạo phát triển kinh tế – xã hội trên cơ sở khai thác tiềm năng và khai thác các nguồn lực tại địa phương. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh duy trì ổn định, bền vững. Quy mô nền kinh tế ngày càng mở rộng và huy động được tiềm năng vào tăng trưởng, đưa Đắk Nông thoát khỏi tình trạng tỉnh nghèo, chưa phát triển.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt bình quân 8%/năm, quy mô nền kinh tế tăng 1,34 lần; GDP đầu người tăng từ 38,6 triệu đồng lên 52 triệu đồng vào năm 2020. Tỉnh đã thoát khỏi nhóm địa phương có thu nhập bình quân đầu người thấp.

Trong 5 năm tới, tỉnh Đắk Nông phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế cao và sử dụng mọi nguồn lực, trong đó, chú trọng huy động nguồn lực mạnh từ bên ngoài; phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, tạo điều kiện phát triển toàn diện, bền vững. Tỉnh phấn đấu có mức tăng trưởng kinh tế cao hơn bình quân cả nước trên nền tảng huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực trên tinh thần “nội lực làm nền tảng” và “ngoại lực để đột phá”.

Cùng với đó, tỉnh tập trung huy động nguồn lực toàn xã hội tham gia đầu tư, phấn đấu tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt tỉ trọng từ 35% đến 40% GDP, phù hợp với nhu cầu vốn của địa phương. Tỉnh tăng cường nguồn vốn cho đầu tư công từ ngân sách địa phương và ưu tiên nguồn vốn ODA cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng.

Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tỉnh nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nội lực trên các mặt chủ yếu, nâng cao giá trị chế biến alumin và các loại khoáng sản theo hướng chế biến sâu, tăng hàm lượng khoa học công nghệ, hạn chế và đi đến không xuất thô khoáng sản.

Tỉnh quản lý chặt chẽ quy hoạch sử dụng đất, nhất là đối với quỹ đất đô thị đang quy hoạch, quỹ đất để thu hút đầu tư dự án; tạo danh mục kêu gọi đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư chiến lược. Trong quá trình xây dựng, tỉnh phát triển kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, ưu tiên hạ tầng giao thông để làm động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội; chú trọng xây dựng hạ tầng thủy lợi để phục vụ sản xuất nông nghiệp, ứng phó với biến đổi khí hậu; tập trung thu hút đầu tư hạ tầng đô thị, du lịch và dịch vụ, hạ tầng khu công nghiệp…