Chiếc cưa và những phận người

Một chiếc cưa máy trên thượng nguồn không chỉ đốn hạ một thân cây, mà nó “chém thẳng” vào cuộc đời của hàng nghìn con người trong vùng nhạy cảm với lũ. Nước mắt sẽ còn rơi nhiều sau những cơn mưa cực đoan.

Thiên nhiên đã sinh ra lũ, và có ngay khe suối, sông để biến lũ thành an toàn, hài hòa. Nghìn năm, triệu năm đã mưa thì sẽ có lũ như thế. Nhưng tại sao mấy chục năm nay, nhất là những năm gần đây, cứ đến mùa mưa, ở nước ta lại có những trận lũ ống, lũ quét kinh hoàng, thiệt hại vô cùng lớn? Ai cũng có thể trả lời ngay là tại phá rừng, tại xây dựng lấn chiếm dòng chảy…

Ảnh minh họa

Câu chuyện quản lý, bảo vệ “lá phổi xanh” ở Việt Nam đã, đang và sẽ có nhiều vấn đề phải suy ngẫm. Mặc dù, chúng ta đã thực hiện nhiều nỗ lực thực thi luật pháp, tuy vậy, phá rừng vẫn là vấn đề nhức nhối.

Một trong những quyết định lớn đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ này, là đóng cửa rừng tự nhiên. Một nỗ lực đáng ghi nhận. Sẽ không có một cánh rừng tự nhiên nào được chuyển thành thủy điện hay resort nữa. Nhưng còn nhiều việc để làm. Một trong những việc ấy là làm thế nào để chính những người chủ thực sự của những cánh rừng, có quyết tâm giữ rừng.

Và thực tế là càng đóng, rừng lại càng mất! Theo Bộ NN&PTNT, từ đầu năm 2020 đến nay, rừng trồng mới cả nước giảm, nhưng diện tích bị phá lại tăng đến hơn 45%. Cụ thể, đến ngày 15/9, diện tích rừng bị thiệt hại cả nước vẫn lên tới 1.291 ha, trong đó, diện tích rừng bị cháy là 603,7 ha, giảm 78,2%; diện tích rừng bị phá là 687,3 ha, tăng 45,1%.

Rừng mất kéo theo bao hệ lụy. Mưa bão xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam ngày càng tăng cả về tần suất và nguy hại, trở thành mối đe dọa thực sự đối với cuộc sống của con người và sự phát triển của nền kinh tế. Nạn phá rừng đầu nguồn để khai thác gỗ, phát triển nông nghiệp, thủy điện… làm thảm thực vật trên lưu vực ngày càng giảm dẫn đến khả năng cản dòng chảy kém, lũ tập trung nhanh hơn, nạn voi rừng bỏ về buôn làng giết hại con người, phá hoại tài sản…

Liệu rằng những hình ảnh về hàng trăm người dân bị tử nạn do lũ ống, lũ quét xảy ra trong thời gian qua, có khiến những kẻ phá rừng “rửa tay, gác cưa” hay không? Rất khó để có câu trả lời thỏa đáng, bởi chừng nào còn lợi ích quá lớn sẽ vẫn còn những kẻ nhẫn tâm tàn phá rừng…

Và khi rừng cạn kiệt dần, chúng ta có “sửa sai” bằng phong trào trồng rừng, giữ rừng. Rừng trồng mới, rừng tái sinh, khoanh nuôi bảo vệ đã mang lại màu xanh cho phần lớn diện tích núi trọc. Nhưng thử hỏi, rừng loại ấy liệu có tương quan với lượng mưa để có đủ khả năng gánh vác nhiệm vụ điều hòa lũ hay không? Không thể cứ để rừng đầu nguồn bị tàn phá vô tội vạ, để rồi, năm nào cũng phải huy động sức người sức của cứu trợ. Tiền thì có thể, nhưng sinh mạng con người lấy gì bù đắp?

Phải chung sống với lũ lụt – đấy là ý cam chịu, nhất thời. Về lâu về dài, mỗi người dân cần phải biết tại sao lũ hung dữ, để rồi từ đó, có cách giữ rừng, giữ môi trường như giữ tính mạng mình.

Thờ ơ, tắc trách mọi lúc, mọi nơi đang dung dưỡng cho nhân tai ngày càng dày, càng nặng và rồi thiên tai sẽ còn khôn lường gấp bội.