Cần thiết đánh giá sơ bộ tác động môi trường trước khi thực hiện dự án

Sáng 4-9, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã chủ trì hội nghị trực tuyến đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận về một số dự án luật chuẩn bị trình kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIV.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) và Luật Cư trú (sửa đổi) là hai dự án luật quan trọng, được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội, cử tri và dư luận xã hội.

Các dự án luật cũng chứa đựng nhiều nội dung mới liên quan đến việc thực hiện quyền cơ bản của công dân về tự do cư trú, về phương thức quản lý dân cư, chính sách pháp luật về cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế bền vững.

Tuy nhiên, trong quá trình thảo luận tại kỳ họp thứ 9, một số nội dung của các dự án luật trên vẫn còn tồn tại nhiều ý kiến khác nhau, các phương án khác nhau nên cần tiếp tục được các đại biểu Quốc hội, nhất là các đại biểu hoạt động chuyên trách thảo luận, cho ý kiến thêm. Thông qua hội nghị, sẽ có thêm nhiều luận cứ để tiếp tục tiếp thu, hoàn thiện các dự án luật trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách phát huy vai trò, trách nhiệm, tích cực nghiên cứu, xem xét, đóng góp ý kiến và nêu rõ quan điểm của mình về những vấn đề được đề cập trong dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) và dự án Luật Cư trú (sửa đổi).

Ngay sau phần khai mạc, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, hội nghị tiến hành thảo luận về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Bày tỏ sự đồng tình với việc tích hợp các loại giấy tờ thủ tục hành chính trong một giấy phép về môi trường, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Đoàn Ninh Thuận), đại biểu Dương Minh Tuấn (Đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu), đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Đoàn Hà Nội) cho rằng việc chỉ dùng 1 loại giấy phép môi trường sẽ góp phần giảm thủ tục hành chính và tránh phiền hà cho doanh nghiệp; bảo đảm tính thống nhất, rõ trách nhiệm quản lý và tuân thủ nguyên tắc một cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc cấp giấy phép về môi trường.

Đại biểu cho rằng, cần bảo đảm tính minh bạch, có chế tài ngăn chặn các hành vi tiêu cực trong việc cấp giấy phép dựa trên báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Đối với vấn đề đánh giá sơ bộ tác động môi trường, đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương (Đoàn Gia Lai), đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang) và một số đại biểu khác cho rằng cần dựa trên cơ sở phân loại dự án đầu tư theo mức độ tác động đến môi trường để không ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án. Trong đó, chỉ các dự án thuộc nhóm I (nhóm có tác động môi trường ở mức độ cao) mới là đối tượng phải thực hiện.

Phương án này có thể áp dụng các tiêu chí môi trường để làm căn cứ xuyên suốt trong việc xác định đối tượng phải thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường, quan trọng nhất là xác định địa điểm đầu tư dự án có thực sự phù hợp với môi trường hay không.

Tuy nhiên, đại biểu Tô Ái Vang (Đoàn Sóc Trăng) và một số đại biểu cho rằng cần dựa trên phân loại dự án theo Luật Đầu tư công để xác định đối tượng dự án đầu tư công phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường, bao gồm các dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C có cấu phần xây dựng thuộc loại hình công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Về vấn đề thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng) nêu quan điểm nên giao cho UBND cấp tỉnh thẩm định đối với các dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của các bộ, cơ quan ngang bộ. Trong đó, UBND cấp tỉnh phải phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ trong quá trình thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Ngoài ra, các đại biểu cũng cơ bản đồng tình với quy định chặt chẽ việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; rà soát các quy định về kinh phí chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải và quy định cụ thể lộ trình bắt buộc thực hiện tính chi phí phải trả dựa trên khối lượng, chủng loại chất thải phát sinh để bảo đảm tính khả thi.

Tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, sẽ có 17 loại lĩnh vực chắc chắn phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường. Đây là bước đánh giá đầu tiên trước khi dự án được đầu tư và đây cũng không phải là một thủ tục hành chính.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, ứng dụng công nghệ thông tin sẽ cho phép các cơ quan liên quan cùng theo dõi, quản lý trên phạm vi lĩnh vực của mình. Việc chỉ dùng 1 loại giấy phép môi trường sẽ tạo điều kiện thống nhất quản lý về một đầu mối, tạo thuận lợi trong quản lý thủ tục hành chính.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, phiên thảo luận đã có 17 đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách phát biểu ý kiến, thể hiện sự trách nhiệm, tập trung, nghiêm túc. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan liên quan tiếp tục tiếp thu, hoàn thiện dự thảo luật trước khi trình Quốc hội xem xét.