Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói về khắc phục ô nhiễm các dòng sông quanh Hà Nội

Khi đã kiểm soát được các nguồn thải như sinh hoạt, công nghiệp, y tế… thì sẽ khôi phục lòng sông và áp dụng các biện pháp vi sinh đối với các khu vực không còn nguồn thải.

Ô nhiễm thường xảy ra ở phía hạ nguồn

Ngày 17.8, Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã tổ chức Hội nghị giải trình về “An ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập”.

Tại hội nghị, đại biểu Trần Xuân Hùng (Đoàn Hà Nam) đặt vấn đề: “Mức độ ô nhiễm của các nhánh sông, lưu vực sông tại các sông Cầu, sông Đáy, sông Nhuệ đáng lo ngại. Hiện dù đã có nhiều chính sách khắc phục nhưng thời gian qua, qua giám sát cho thấy chưa cải thiện được bao nhiêu. Vậy xử lý vấn đề này như thế nào? Nhất là vấn đề xử lý ô nhiễm tại sông Tô Lịch, hiện đã được các tổ chức quốc tế vào xử lý, kết quả thế nào?”.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. Ảnh: Quochoi.vn

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Tài nguyên – Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, với các lưu vực sông lớn của Việt Nam, vấn đề ô nhiễm môi trường tập trung chủ yếu xảy ra ở phía hạ nguồn, thậm chí ô nhiễm trầm trọng ở các khu vực đô thị, dân cư hay khu công nghiệp.

“Đối với khu vực sông Nhuệ, sông Đáy thì 70% ô nhiễm môi trường là do nước thải sinh hoạt ở các địa phương như Hà Nội, Hòa Bình, Hà Nam… chưa được xử lý. Trong đó, Hà Nội phải chiếm đến 2/3. Lượng nước thải sinh hoạt được xử lý hiện nay chỉ rơi vào khoảng 20-30% và phần lớn các nước thải từ các cụm công nghiệp, làng nghề cũng chưa được xử lý”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà phân tích.

Tại Hà Nội, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, thành phố đang tập trung đầu tư xây dựng công trình để thu gom toàn bộ lượng nước thải sinh hoạt và xử lý tập trung nhưng đến năm 2023 mới có thể hoàn thành.

Phải kiểm soát được nguồn thải

Trong thời gian ngắn hạn, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đưa ra một số giải pháp để cải thiện tình trạng ô nhiễm ở các sông Nhuệ, Đáy, Cầu và Tô Lịch.

Thứ nhất, chấp nhận phương án điều tiết nước trong mùa khô, đặc biệt trên hệ thống cống Liên Mạc, cụ thể là lấy thêm lưu lượng để tăng dòng chảy, giảm ô nhiễm.

Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là vào mùa khô mực nước sông Hồng đang thấp hơn so với cống, nên nếu không đầu tư hệ thống bơm đủ mạnh để bổ sung nước thì sẽ không khả thi.

Thứ hai là ra đời cơ chế để các bên cùng làm việc với nhau, quản lý được khi nào thì cần bổ sung, điều tiết nước. Để làm được như vậy, cần xây dựng các hệ thống quan trắc, nắm được tình hình để đưa ra quyết định điều tiết phù hợp.

Về lâu dài, Bộ trưởng Hà nói cần tập trung vào vấn đề quy hoạch, trong đó có quy hoạch về tài nguyên nước tiếp cận theo lưu vực sông, địa phương để bố trí lại sơ đồ dân cư và điều chuyển các nhà máy, cụm công nghiệp không đáp ứng được tiêu chuẩn môi trường.

Ngoài ra, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng nêu vấn đề bảo vệ hành lang sông và đưa ra quy chuẩn về quản lý khu vực xả nước thải, thậm chí có thể cấm xả thải ở các khu vực đã quá tải.

“Khi đã kiểm soát được các nguồn thải như sinh hoạt, công nghiệp, y tế… thì sẽ khôi phục lòng sông để sông có thể tự chảy để làm sạch và có thể áp dụng các biện pháp vi sinh đối với các khu vực không còn nguồn thải”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà phân tích thêm.

Đề cập đến việc xử lý nước thải sông Tô Lịch, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, các biện pháp công nghệ vi sinh như Nhật Bản, nếu áp dụng đối với khu vực lòng sông không còn nguồn nước thải nữa thì sẽ xử lý căn bản, kể cả trầm tích đáy.

“Còn khi còn nguồn thải thì giải pháp công nghệ của Nhật Bản không hiệu quả. Những công nghệ Nhật Bản áp dụng ở sông Tô Lịch chỉ phù hợp với khu vực, các nguồn nước không có lượng chất thải bổ sung, phù hợp ở các sông hồ kín” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói và cho hay, với sông Tô Lịch có lượng nước thải bổ sung hàng ngày lớn nên giải pháp hiệu quả là kiểm soát toàn bộ các loại nguồn thải ra.