Bộ TN&MT muốn Quốc hội ban hành một Nghị quyết về an ninh nguồn nước

Đây là kiến nghị của Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà tại buổi giải trình về “An ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập” diễn ra hôm 17/8 tại Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà báo cáo tại Hội nghị

Theo Bộ trưởng Hà, an ninh nguồn nước là loại an ninh đặc biệt, tác động đến sự phát triển bền vững của đất nước. Bộ kiến nghị đưa việc đảm bảo an ninh nguồn nước là một lĩnh vực an ninh phi truyền thống vào trong Dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng và kế hoạch toàn khóa XIII cũng như trong các văn kiện Đại hội của các địa phương.

Đồng thời, kiến nghị Quốc hội ban hành một Nghị quyết riêng về đảm bảo an ninh nguồn nước, đặc biệt là đối với nguồn nước có vai trò quan trọng trong việc cấp nước sinh hoạt, sản xuất.

Trong thời gian tới, Bộ TN&MT sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương rà soát, đánh giá lại các quy định của Quy trình vận hành liên hồ chứa để rà soát, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với điều kiện thực tế nguồn nước, khai thác, sử dụng cũng như ứng phó với biến đổi khí hậu đang ngày càng rõ rệt lên tài nguyên nước.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng kiến nghị: “Cần rà soát, tổng thể công tác xây dựng, ban hành các quy trình vận hành đơn hồ của các chứa thủy lợi, thủy điện, đặc biệt là đối với các hồ chứa có nguy cơ mất an toàn cao trong điều kiện biến đổi khí hậu, suy giảm rừng đầu nguồn,… bảo đảm an toàn trong vận hành, phù hợp với hiện trạng nguồn nước, hiện trạng khai thác, sử dụng nước trên lưu vực, yêu cầu cắt, giảm lũ, cấp nước cho hạ du và bảo đảm dòng chảy tối thiểu trên sông”.

Hiện các đơn vị quản lý vận hành hồ chứa còn thực hiện chưa nghiêm túc các yêu cầu theo quy định của Luật Tài nguyên nước. Vì vậy các đơn vị này tổ chức tốt công tác tính toán và dự báo lượng nước đến hồ để phục vụ vận hành hồ chứa cũng như việc quan trắc, giám sát lưu lượng khai thác, sử dụng của các công trình.

Ngoài ra cần có phương án bố trí thiết bị để vận hành hồ chứa, quan trắc, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng nước; lắp đặt hệ thống quan trắc, giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước tự động theo quy định.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, trong vòng 25 năm tới, trong bối cảnh dân số ngày càng gia tăng.

Dự kiến nhu cầu khai thác sử dụng nước của người dân ở các khu đô thị sẽ tăng gấp đôi, tổng nhu cầu về nước vào mùa khô của Việt Nam sẽ gia tăng 32% vào năm 2030.

Căng thẳng về nước sẽ xảy ra nghiêm trọng tại các lưu vực kinh tế trọng điểm như Bắc Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và Đồng Nai.