FAO chỉ ra cách đối phó với hạn hán và sa mạc hóa

Hạn hán là một thực tế không thể tránh khỏi, nhưng điều chúng ta có thể ngăn chặn là hậu quả của hạn hán gây ra như nạn đói hoặc di cư bắt buộc.

Hạn hán tại khu vực miền đông Australia. Ảnh: TTXVN phát

“Khai thác tiềm năng của đổi mới trong lĩnh vực nông nghiệp, bao gồm cả các giải pháp đơn giản hoặc công nghệ vệ tinh, sẽ giúp ngăn chặn các hậu quả của hạn hán gây ra như nạn đói và di cư bắt buộc, đồng thời làm đảo ngược quá trình sa mạc hóa”.

Đây là phát biểu của ông Jose Graziano da Silva, Tổng Giám đốc Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) trong phiên khai mạc Hội thảo quốc tế về hạn hán và nông nghiệp lần thứ 2 tại trụ sở FAO ở Rome, Italy ngày 21/6.

Hội thảo được tổ chức nhân lễ kỷ niệm Ngày thế giới chống sa mạc hóa và hạn hán (17/6). Ông Gregiano da Silva cho rằng, hạn hán là một thực tế không thể tránh khỏi, nhưng điều chúng ta có thể ngăn chặn là hậu quả của hạn hán gây ra như nạn đói hoặc di cư bắt buộc.

Thực tế cho thấy, nông dân và ngành nông nghiệp phải gánh chịu hơn 80% thiệt hại do hạn hán gây ra. Hiện tượng El Niño được xác định là nguyên nhân chính gây ra hạn hán nghiêm trọng dẫn đến sự gia tăng nạn đói trong ba năm qua tại khu vực dọc theo bờ biển phía Đông châu Phi.

Tổng Giám đốc FAO chỉ ra rằng để đối phó với hạn hán và đảo ngược quá trình sa mạc hóa, ngoài các công nghệ không gian, địa chất, nông dân cũng có thể khai thác các giải pháp rất đơn giản như trong Dự án “Một triệu bể nước mưa” để lưu trữ lượng nước mưa hàng năm. Với dự án này, nước mưa được lưu trữ ngay trong các gia đình và sẵn sàng được sử dụng cho con người và động vật.

Trong Thông điệp gửi tới Ngày thế giới chống sa mạc hóa và hạn hán, ông Antonio Guterres, Tổng Thư ký Liên hợp quốc cho biết: “Mỗi năm thế giới mất 24 tỷ tấn đất và tại các nước đang phát triển, sự suy thoái và hiện tượng khô cằn của đất đã làm giảm 8% sản lượng nông nghiệp mỗi năm”.

Những xu hướng này phải được thay đổi bằng các hành động khẩn cấp để bảo vệ và phục hồi tài nguyên đất, cải thiện an ninh lương thực và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Điều này sẽ giúp thế giới kiểm soát tốt hơn các tình huống khẩn cấp của khí hậu toàn cầu, đồng thời tăng hiệu quả sử dụng đất và giảm hiện tượng di cư bắt buộc.

Huy Thông, P/v TTXVN tại Rome

Nguồn: