Việt Nam sẽ ngăn được đại dịch tiếp theo?

Nhận thức ngày càng tăng về mối liên hệ giữa buôn bán động vật hoang dã và SARS, COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm khác khiến Thủ tướng Việt Nam ban hành chỉ thị cấm buôn bán các loài nguy cấp.

Trong những tháng gần đây, các tổ chức phi chính phủ về bảo tồn và Bộ Y tế Việt Nam đã gióng hồi chuông cảnh báo chính phủ về nguy cơ ngày càng tăng từ các bệnh mới có nguồn gốc từ buôn bán động vật hoang dã.

HIV có nguồn gốc từ khỉ, Ebola được cho là đến từ dơi, H1N1 từ lợn. Gần đây nhất, COVID-19 cũng được cho là có nguồn gốc từ dơi. Theo một báo cáo mới của Liên hợp quốc, số lượng dịch bệnh từ động vật đang gia tăng.

Hầu hết các nhà khoa học kết luận rằng đại dịch COVID-19 khởi nguồn từ loài dơi. Theo một nghiên cứu của Trung Quốc, vật chủ trung gian truyền virus chết chóc sang người có thể là tê tê – loài bị buôn lậu khá phổ biến. Tuy nhiên đây vẫn là chỉ là giả thuyết.

Các chuyên gia y tế Việt Nam đang theo dõi chặt chẽ những diễn biến này. GS.TS. Lê Thị Hương, Viện trưởng Viện Đào tạo Y học Dự phòng và Y tế công cộng tại Đại học Y Hà Nội cho hay “virus nhảy từ dơi sang người qua một vật chủ trung gian, gây ra đại dịch COVID-19 đã làm bật lên mối lo ngại về các bệnh có nguồn gốc từ động vật có thể dễ dàng xuất hiện và bùng phát, làm lộ kẽ hở nghiêm trọng trong cách thức quản lý, bảo vệ động vật hoang dã”.

Mặc dù Việt Nam thành công bước đầu trong việc kiểm soát COVID-19 khi chưa có một ca tử vong nào, các tổ chức phi chính phủ vẫn cảnh báo nạn buôn bán động vật hoang dã ước tính trị giá 1 tỷ USD vẫn tiếp tục mở rộng cánh cửa cho các loại virus và đại dịch mới có thể xuất hiện thông qua mối liên hệ giữa các đường dây buôn bán, chợ tươi sống và các trại nuôi động vật hoang dã.

Tê tê Mã Lai, loài bị nghi ngờ là vật chủ trung gian cho Covid-19: (Ảnh: WWF Malaysia/ Stephen Hogg)

TS. Hương kêu gọi cần thực hiện các biện pháp mạnh hơn: “Chúng ta phải nỗ lực hơn để ngăn chặn nạn buôn lậu động vật hoang dã gây rủi ro cho sức khỏe cũng như đóng cửa các chợ động vật hoang dã đe dọa tới sức khỏe con người và động vật. Chúng ta phải ngăn chặn những mầm bệnh này xâm nhập vào Việt Nam”.

Chỉ thị mới được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ngày 23/7 nhằm khắc phục việc thực thi kém các quy định phòng chống buôn bán động vật hoang dã hiện có, yêu cầu các bộ sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan để “chấm dứt nhập khẩu động vật hoang dã còn sống hay đã chết, trứng, ấu trùng, các bộ phận và dẫn xuất của động vật hoang dã, đồng thời kiên quyết loại bỏ chợ và địa điểm liên quan đến buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp”. Bên cạnh đó, chỉ thị cũng yêu cầu Bộ công an điều tra, ngăn chặn các đường dây buôn lậu động vật hoang dã xuyên quốc gia lấy Việt Nam làm trung tâm vận chuyển, đặc biệt là các tổ chức tội phạm buôn lậu sừng tê giác và ngà voi từ châu Phi, với đích đến cuối cùng ở Trung Quốc.

Mặc dù quyết tâm của chính phủ trong việc trấn áp tội phạm động vật hoang dã được thể hiện khá rõ trong Chỉ thị, tuy nhiên, tuyên bố của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn đồng thời là người phụ trách soạn thảo chỉ thị khiến một số người chưa chắc chắn về việc chính phủ sẽ cấm hẳn buôn bán động vật hoang dã.

Thứ trưởng Tuấn thận trọng cho hay dù “Chính phủ đã nhận thức rõ quan điểm muốn cấm tuyệt đối mọi hoạt động buôn bán các loài động vật hoang dã thì vẫn nên cẩn trọng”, và rằng “nhiều loài hoang dã đã được nuôi thành công” trong các trang trại, có khả năng làm mờ đi ranh giới giữa các hoạt động hợp pháp và bất hợp pháp.

Hàng nghìn trang trại động vật hoang là một ngành sinh lợi ở miền Nam Việt Nam, cung ứng cho người tiêu dùng và các nhà hàng đặc sản thịt rừng mà không liên quan đến lây lan của các bệnh truyền nhiễm. Nhiều trang trại được coi là gần như hợp pháp.

Tháng 2/2020, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (Pan Nature) gửi thư kiến nghị có chữ ký của 14 tổ chức bảo tồn tới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi “đóng cửa các chợ và địa điểm bán động vật hoang dã bất hợp pháp”.

Ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Pan Nature bày tỏ mối quan ngại về Chỉ thị được ban hành ngày 23/7: “Tôi cho rằng chỉ thị này cần mạnh mẽ hơn và đưa ra các quy định chặt chẽ hơn về nuôi động vật hoang dã. Một số tổ chức bảo tồn đang phối hợp để đưa ra thêm khuyến nghị”.

Một nghiên cứu khoa học mang tính bước ngoặt tại Việt Nam phát hiện ra rằng “virus corona được tìm thấy ở phần lớn các trang trại động vật hoang dã”. Nhóm chuyên gia quốc tế và địa phương xác định được 6 loại virus corona đã biết ở dơi và động vật gặm nhấm. Nghiên cứu kết luận “vật nuôi và người sống gần với loài gặm nhấm, dơi và chim tạo cơ hội lây truyền trong một loài và liên loài cùng khả năng tái tổ hợp của virus corona”.

Theo một nghiên cứu khác, 142 loại virus được truyền từ động vật sang người trong nhiều năm qua phù hợp với các loài bị đe dọa trong Sách đỏ IUCN. Các tác giả nhận thấy rằng “những loài bị đe dọa từ việc giảm quần thể do bị khai thác… có số lượng virus gây bệnh cao gấp đôi những loài bị đe dọa vì các lý do khác. Khai thác động vật hoang dã thông qua săn bắn và buôn bán là tăng cơ hội lan truyền mầm bệnh do sự tiếp xúc gần giữa các loài hoang dã và con người”.

Mặc dù nhiều loại virus corona không bao giờ phát triển hoặc biến đổi thành một chủng gây chết người như COVID-19 nhưng thực tế những loại virus này đang lưu hành rộng rãi trong các trang trại động vật hoang dã là một cảnh báo rõ ràng cho các cơ quan y tế công cộng về tiềm năng xảy ra đại dịch trong tương lai.

Tuy nhiên, vấn đề không chỉ của riêng Việt Nam mà cả khu vực phải cải thiện luật pháp và thắt chặt thực thi pháp luật. Chuyên gia động vật hoang dã và tội phạm động vật hoang dã K. Yoganand thuộc WWF Greater Mekong chỉ rõ: “Luật pháp về buôn bán động vật hoang dã ở hầu hết các quốc gia không tính đến nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm. Đây là một lỗ hổng lớn trong chính sách”.

Ông khuyến nghị “để giảm thiểu rủi ro dịch bệnh do virus, các chính phủ cần đình chỉ mọi hoạt động buôn bán thương mại động vật và chim hoang dã, đi kèm với đánh giá khoa học về nhóm động vật hoang dã nào có nguy cơ cao mang virus có thể truyền sang người”.

Điều khiến các chuyên gia thuộc Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) lo ngại là thế giới quá tập trung vào điều trị bệnh nhân COVID-19, chống suy giảm kinh tế và ráo riết tìm kiếm vaccine. Không ấy ai quan tâm đến môi trường – yếu tố cốt lõi của vấn đề gây ra các dịch bệnh do virus như SARS, MERS, và bây giờ là COVID-19.

Như cảnh báo trong một báo cáo mới của UNEP, nạn phá rừng và sinh cảnh tự nhiên, cùng với buôn bán động vật hoang dã sẽ dẫn đến sự xuất hiện và bùng phát của rất nhiều bệnh từ động vật nhảy sang người, trừ khi chúng ta nỗ lực hơn để giải quyết các nguyên nhân môi trường của COVID-19.

Ngay cả trước khi xảy ra COVID-19, mỗi năm có tới 2 triệu người chết vì bệnh từ động vật, chủ yếu ở các nước nghèo. Các chuyên gia cho rằng dịch bệnh chết chóc mới nhất là rất dễ dự đoán.

“Người ta dự đoán rằng dịch bệnh sẽ xảy ra và sẽ tái diễn cho đến khi chúng ta học được bài học”, nhà linh trưởng học nổi tiếng người Anh Jane Goodall cảnh báo và chỉ rõ rằng thiên nhiên gửi cho chúng ta thông điệp: “Sự thiếu tôn trọng các loài động vật mà chúng ta cùng chia sẻ hành tinh đã gây ra đại dịch này”.

Tiến sĩ Lê Thị Hương tán đồng: “Rõ ràng cần phải thực hiện cách tiếp cận “Một sức khỏe” đối với buôn bán động vật hoang dã”. Bộ Y tế Việt Nam hợp tác với Đại học Y Hà Nội trong việc đào tạo nguồn nhân lực để phát triển mạng lưới “Một sức khỏe’ theo chính sách rằng đa dạng sinh học, tôn trọng động vật hoang dã và sức khỏe con người đều gắn bó chặt chẽ với nhau.

Để ngăn chặn đại dịch liên quan đến động vật hoang dã tiếp theo, tiến sĩ Hương hy vọng rằng chỉ thị mới của chính phủ Việt Nam sẽ có tác động là “nhiều vụ truy tố hơn, kể cả những người buôn bán trực tuyến, và lý tưởng nhất là gây áp lực lên hàng ngàn trang trại có liên hệ với buôn lậu động vật hoang dã”.

Chỉ thị của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có vẻ sẽ tạo đà cho các chế tài cứng rắn hơn và thực thi pháp luật mạnh mẽ hơn để đối phó với quy mô quốc tế của buôn bán động vật hoang dã. Nhưng áp lực từ một số nhóm lợi ích bảo vệ các trang trại động vật hoang dã trong nước vẫn có thể làm nản lòng những nỗ lực có khả năng là một bước đột phá mang tính lịch sử trong khu vực.

Thế Anh (Theo Diplomat)

Nguồn: